27/10/2018 13:42 GMT+7

Chậm quy định kiến thức văn hóa THPT theo luật giáo dục nghề, vì sao?

TS HOÀNG NGỌC VINH
TS HOÀNG NGỌC VINH

TTO - Luật giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã được Quốc hội thông qua gần 4 năm. Tuy nhiên, còn một số điều luật chưa đi vào cuộc sống.


Chậm quy định kiến thức văn hóa THPT theo luật giáo dục nghề, vì sao? - Ảnh 1.

Sinh viên Trường CĐ Viễn Đông tham quan thực tế tại doanh nghiệp - Ảnh: M.G.

Cụ thể, điều 33 khoản 4 quy định bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học phải tích lũy để học trình độ CĐ...

Thực hiện quy định này, Bộ GD-ĐT cũng đã giao cho các đơn vị thiết kế chương trình theo quy định của Luật GDNN. Nhưng qua các cuộc họp bàn vẫn chưa ngã ngũ, khiến Bộ LĐ-TB&XH vừa phải có văn bản nhắc Bộ GD-ĐT về việc này.

Thực ra đây là vấn đề phức tạp và có phần nhạy cảm, nhất là từ khi Chính phủ phân công quản lý nhà nước về GDNN cho Bộ LĐ-TB&XH, hệ thống giáo dục và đào tạo tách ra do hai bộ cùng quản lý. 

Sự phức tạp ở chỗ Luật GDNN quy định cho Bộ GD-ĐT phải quy định khối lượng kiến thức các môn văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp, nhưng Bộ GD-ĐT lúc này thì không phải là cơ quan có hiểu biết về GDNN nhiều. 

Vì thế, việc ấn định khối lượng kiến thức tối thiểu sẽ hoàn toàn khó khăn vì kiến thức ở bậc THPT không chỉ giúp cho người học có kiến thức phổ thông mà những kiến thức này lại tối thiểu cần thiết cho các môn học hay học phần chuyên môn trong đào tạo nghề ở trình độ trung cấp.

Trong khi đó, có đến hơn chục lĩnh vực ngành nghề GDNN mà kiến thức giáo dục phổ thông cần phải cung cấp sao cho thích hợp. Ở đây, Luật GDNN đã đơn giản hóa việc tích lũy kiến thức văn hóa THPT để mục đích học CĐ là không phù hợp về logic xây dựng chương trình trong GDNN. 

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT lại đang xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới nên hệ thống các tiêu chuẩn chương trình phải được thay đổi. Đến giờ, chương trình chính chưa ban hành nên cũng khó có thêm cơ sở để xác định kiến thức văn hóa phổ thông tối thiểu để cung cấp cho Bộ LĐ-TB&XH.

Trước đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành chương trình khung cho các trường TCCN chia làm ba nhóm chính với số môn học và thời lượng tối thiểu (thông tư số 16/2010/TT-GDĐT). Các trường TCCN trước đây đều tuyển học sinh tốt nghiệp THCS và tổ chức đào tạo theo chương trình này. 

Học xong chương trình và có bằng tốt nghiệp trung cấp, người học có đủ điều kiện thi vào các trường CĐ hay ĐH hoặc học liên thông. Luật GDNN ban hành không còn hệ TCCN và tất cả đều gọi là trung cấp, vì thế chương trình ban hành theo thông tư số 16/2010/TT-GDĐT trên vẫn còn dùng được. 

Tuy nhiên cần phải có điều chỉnh trong khi chờ đợi Bộ GD-ĐT ban hành chương trình mới để dựa vào đó làm chương trình tối thiểu cho GDNN.

Trong lúc nhiệm vụ phân luồng học sinh vào GDNN rất cấp bách, việc tạm thời sử dụng chương trình khung các môn văn hóa theo thông tư 16/2010/TT-GDĐT nói trên với sửa đổi cần thiết là phù hợp nhất vào lúc này. 

Bộ LĐ-TB&XH chỉ nên có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện và sớm có kiến nghị sửa đổi Luật GDNN vì có một số quy định không khả thi, không sát với thực tế.

Đồng thời, quy định về đào tạo liên thông rất cần được sửa một số điều, nhất là quy định người tốt nghiệp trung cấp đều phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT là quy định trái khoáy, không phù hợp với việc xây dựng nền giáo dục mở và thực tiễn về GDNN, tránh tự mình làm phức tạp vấn đề không đáng có.

Tiếp tục kiến nghị điều chỉnh Luật giáo dục nghề nghiệp

TT - Cần gọi là hệ thống giáo dục “quốc gia” thay vì “quốc dân”, đó là đề xuất của nhiều chuyên gia tại hội thảo do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN tổ chức sáng 29-1, để góp ý cho đề án “Hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân” của Bộ GD-ĐT.

TS HOÀNG NGỌC VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên