22/09/2015 09:27 GMT+7

Chậm nhịp với cuộc sống

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Câu chuyện Trường ĐH Tôn Đức Thắng triển khai bổ nhiệm GS, PGS không giống quy trình chung hiện vẫn chưa có hồi kết khi Bộ GD-ĐT chưa đưa ra “phán quyết” cuối cùng.

Dù có người đồng thuận, có người tỏ vẻ dè chừng, có người lại không ngần ngại phản đối cách làm xé rào, nhưng kể cả khi chưa ngã ngũ, câu chuyện ở một trường ĐH cụ thể đang dấy lên những nghi ngại: dường như có những chính sách quản lý về giáo dục đang lỗi nhịp với đòi hỏi thực tế?

Giao quyền tự chủ cho trường ĐH là chủ trương đã được đề ra từ lâu, đưa vào Luật giáo dục ĐH, rồi các văn bản dưới luật nhưng lộ trình thực hiện vẫn lộ ra những “điểm mù”.

Có chuyên gia cho rằng có vẻ bộ thấy cứ để như cũ dễ kiểm soát, dễ làm nên cứ để cho mọi thứ trôi qua, mặc cho có những đòi hỏi bức bách từ đời sống giáo dục yêu cầu phải thay đổi.

Một thời gian dài Bộ GD-ĐT “ôm” mãi việc xét duyệt chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ để mỗi năm trường vật vã làm đề xuất và bộ ngồi tỉ mẩn đong đếm, phân bổ, nâng lên, đặt xuống.

Cái cơ chế xin - cho bao giờ cũng có lợi cho người có quyền, nên dễ hiểu người nắm quyền chẳng khi nào muốn buông tay. Thêm chỉ tiêu, bớt chỉ tiêu so với đề xuất, vì thế luôn kéo theo những câu chuyện hậu trường chẳng bao giờ được kiểm chứng…

Gần hơn và kéo dài hơn hậu quả của việc thiếu tầm nhìn chiến lược trong quản lý giáo dục chính là việc hình thành trường ĐH tư thục phi lợi nhuận tại Việt Nam.

Trong buổi tọa đàm mới đây về thực hiện mô hình ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận trong điều kiện của Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, ông Vũ Ngọc Hoàng - phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương - cũng cho rằng quá vô lý khi một mô hình tiến bộ, đáng khuyến khích như thế mà bao lâu nay ở Việt Nam chưa thật sự có một trường nào - cho dù nhiều nhà giáo, nhiều nhà khoa học, nhà đầu tư rất tâm huyết muốn xây dựng và đề nghị nhiều lần về mô hình này.

Ông Hoàng chỉ rõ nguyên nhân của bất cập này là do nhận thức chưa đầy đủ, không đề ra được cơ chế phù hợp dù đã có chủ trương rõ ràng.

Một chuyên gia còn dẫn chứng câu chuyện “chính sách bình thản đi sau cuộc sống” khi mới đây Trường ĐH Phú Xuân từ mô hình trường dân lập muốn chuyển đổi sang trường tư thục không vì lợi nhuận, nhưng Bộ GD-ĐT lại hướng dẫn trước hết phải chuyển sang trường tư thục vì lợi nhuận, sau đó mới có thể tính đến chuyển đổi từ vì lợi nhuận sang không vì lợi nhuận.

“Tại sao Bộ GD-ĐT lại yêu cầu các trường đi đường vòng như vậy, trong khi bản chất của trường dân lập là sở hữu tập thể rất gần với trường không vì lợi nhuận vốn là sở hữu cộng đồng tập thể nhà trường?” - vị chuyên gia bất bình.

Sự thận trọng trong quản lý giáo dục là cần thiết khi người dân đã quá sợ con em mình bị đưa ra làm thí nghiệm.

Nhưng nếu cứ giắt lưng sẵn lý do “không nóng vội” làm bình phong cho những chính sách chậm nhịp với cuộc sống thì có lẽ cả những người vốn thương và lo con em mình rơi vào cảnh làm “chuột bạch” cũng không thể không sốt ruột trước tâm thế bình thản của nhà quản lý với những vận động hằng ngày của giáo dục và cuộc sống.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên