PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Ảnh: T.HÀ |
Tuổi Trẻ đã trao đổi với PGS.TS NGUYỄN PHƯƠNG NGA - giám đốc trung tâm - và các nhà quản lý, chuyên gia về kiểm định tư thục.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ: “Trong khi cả nước mới có ba đơn vị KĐCLGD đều trực thuộc ba ĐH lớn là ĐHQG Hà Nội, ĐH Đà Nẵng và ĐHQG TP.HCM thì việc đi đầu thành lập một đơn vị ngoài công lập như thế này, hẳn bà đã cân nhắc kỹ các khó khăn, thách thức và khả năng cạnh tranh trong hoạt động?”, PGS.TS Nguyễn Phương Nga cho biết:
- Đúng là nhìn vào tương quan giữa trung tâm của chúng tôi với các đơn vị KĐCLGD hiện có thì chúng tôi thua kém hơn hẳn về nguồn lực tài chính và nhân lực.
Trong khi các đơn vị thuộc các ĐH công lập sẽ được đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí chi thường xuyên, có lương và các chế độ của Nhà nước... thì trung tâm chúng tôi sẽ phải tự lo hoàn toàn: thuê cơ sở vật chất, tự hạch toán, tự trả lương... Hiệp hội các trường ĐH, CĐ chỉ có thể tài trợ có hoàn lại.
Chúng tôi sẽ phải tự xoay xở có nguồn thu từ hoạt động chuyên môn để trang trải. Đây sẽ là thách thức rất lớn khi chúng tôi muốn tuyển dụng được người giỏi vào làm việc.
Nhưng tôi cũng cho rằng là một trung tâm ngoài công lập, chúng tôi cũng có những thuận lợi và đó chính là những ưu thế trong lĩnh vực hoạt động này.
Đó là chúng tôi độc lập hoàn toàn, không bị chi phối bởi các mệnh lệnh hành chính hay cơ quan chủ quản, chỉ duy nhất cần tuân thủ theo các quy định hoạt động, quy chế kiểm định của Bộ GD-ĐT đã ban hành. Chúng tôi có thể thu hút, tuyển dụng các kiểm định viên giỏi bằng cơ chế lương tự hạch toán...
Và cuối cùng, tôi tin tưởng rằng với tư cách là một trung tâm KĐCLGD hoàn toàn độc lập, chúng tôi sẽ được tin tưởng là một tiếng nói khách quan, không bị ảnh hưởng tác động, đưa ra những kết quả đánh giá khách quan, công bằng. Đây chính là lợi thế của chúng tôi nếu như nói đến khả năng “cạnh tranh”...
Các cán bộ của Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG TP.HCM đang làm việc - Ảnh: Như Hùng |
* Là một người đã nhiều năm tham gia công tác KĐCLGD, theo bà, vì sao công tác KĐCLGD ở VN đang được triển khai chậm như vậy? Có phải vì các cơ sở giáo dục e ngại khi kiểm định và công bố kết quả chất lượng đào tạo thật sự có thể ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của trường?
- Chậm là do cơ chế. Do các trường không thấy được ích lợi gì từ việc thực hiện kiểm định.
Hiện nay chưa có quy định thưởng phạt nào cho việc thực hiện kiểm định. Không tiến hành đánh giá, kiểm định vẫn được tuyển sinh bình thường, vẫn được cấp kinh phí đầy đủ (đối với các trường công lập), vẫn được thu học phí như nhau (đối với trường ngoài công lập).
Tuy đã quy định trong luật nhưng nếu không thực hiện kiểm định đánh giá cũng không ảnh hưởng đến kết quả đánh giá hoạt động, đến thi đua khen thưởng của các trường.
Các trường không tiến hành kiểm định tức là không thực hiện luật nhưng hiện cũng không có chế tài. Vì chế tài không có, quyền lợi không có, trong khi làm kiểm định lại mất thời gian, kinh phí nên nhiều trường sẽ chọn cách tạm bỏ qua, ưu tiên cho những việc khác. Quy định về KĐCLGD trong luật được ban hành lâu nay nhưng chưa đi vào cuộc sống.
Sắp tới cần phải có sự thay đổi về chính sách trong việc triển khai kiểm định đánh giá. Chừng nào chúng ta không thực hiện kiểm định thì sẽ không phân tầng được các cơ sở đào tạo như Bộ GD-ĐT luôn đặt mục tiêu.
Bây giờ VN đã gia nhập cộng đồng ASEAN, đã hội nhập sâu, cạnh tranh gay gắt hơn về nhân lực. Nếu chúng ta không sớm thực hiện KĐCLGD, chúng ta sẽ thua thiệt trong cạnh tranh vì không có gì chứng minh cho chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của chúng ta.
Có thể nói, hiện nay xã hội và người học cũng chưa hiểu hết lợi ích của kiểm định để đòi hỏi cơ sở đào tạo phải thực hiện như là một quyền lợi của người học.
Nhưng với việc hội nhập quốc tế, khu vực như hiện nay, việc mở cửa thị trường lao động, cạnh tranh về nguồn nhân lực... tôi cho rằng sẽ sớm xảy ra việc các nhà tuyển dụng ưu tiên tuyển sinh viên tốt nghiệp từ các trường được kiểm định.
Các nhà đầu tư, nhà tài trợ, ngân hàng... cũng nhìn vào kiểm định như là một tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo và người học.
Ví dụ như sinh viên những trường được kiểm định sẽ dễ dàng được vay vốn hơn...
Ý kiến chuyên gia * PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM): Tập trung phát triển các trung tâm kiểm định công lập Về nguyên tắc, một tổ chức kiểm định dù là công lập hay tư nhân đều có thể được thành lập. Nhưng để đảm bảo hoạt động đúng quy định cũng như đáp ứng yêu cầu rất cao của thực tiễn hiện nay về mọi mặt trong công tác mới và khó là công tác kiểm định, trung tâm ấy cần phải có nhiều điều kiện, như đủ số và chất lượng đội ngũ kiểm định viên, trình độ và năng lực tổ chức quản lý điều hành tốt, cơ sở vật chất khá, nhiều quy trình làm việc, văn hóa tổ chức... nên trước mắt cần chú ý tập trung phát triển các trung tâm kiểm định công lập. Sau một thời gian, Bộ GD-ĐT tổng kết công tác này, rút kinh nghiệm và từ đó mới nên xem xét việc lập các tổ chức kiểm định tư nhân. Ở các nước có nền giáo dục phát triển, việc KĐCLGD hoạt động độc lập theo nghĩa mọi khía cạnh đều phải độc lập với các bên liên quan bên ngoài. Quá trình làm việc cũng như kết quả kiểm định phải là độc lập, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ cá nhân, đơn vị nào bên ngoài. Cơ chế công khai các kết quả kiểm định cũng làm cho các tổ chức kiểm định phải có trách nhiệm cao nhất trước xã hội và quyết định đến tương lai của tổ chức. Các đơn vị này phải được cơ quan quản lý nhà nước hoặc hiệp hội nghề nghiệp rộng rãi và có uy tín công nhận và công khai để xã hội cùng biết. * TS Vũ Viết Bình (ĐHQG Hà Nội): Nên thành lập trung tâm quốc gia hoàn toàn độc lập Để có thể phát triển về số lượng các đơn vị KĐCLGD, dù công lập hay tư nhân, trước hết cần có bước chuẩn bị: Một là chuẩn bị về nguồn nhân lực. Hiện tại cả nước chưa có cơ sở hay chương trình nào đào tạo bài bản, chính quy nhân lực làm kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục. Chúng ta cần có ít nhất là một hoặc một vài cơ sở đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này một cách chính quy, có hệ thống, chứ không thể chỉ trông chờ, tranh giành một số kiểm định viên ít ỏi được đào tạo bài bản hiện có. Hai là Bộ GD-ĐT cần chuẩn bị hệ thống quy chế, quy định đủ chặt chẽ để kiểm soát được chất lượng hoạt động, độ tin cậy, tính khách quan trung thực trong kết quả công bố cho xã hội của các trung tâm KĐCLGD. Còn trước mắt, nên tập trung thành lập một trung tâm KĐCLGD quốc gia hoàn toàn độc lập, không trực thuộc Bộ GD-ĐT, không thuộc trường ĐH hay bất cứ tổ chức đoàn thể nào. Một đơn vị hoàn toàn độc lập, có thể hoạt động theo mô hình đơn vị dịch vụ tự hạch toán, có tư cách pháp nhân - như mô hình tổ chức kiểm định ở nhiều nước. Đơn vị này sẽ thực hiện KĐCLGD định kỳ, thực hiện các đơn đặt hàng về kiểm định, đánh giá, xếp loại các cơ sở, các chương trình giáo dục đào tạo từ Chính phủ, từ Bộ GD-ĐT, các trường, các tổ chức có nhu cầu... Kết quả KĐCLGD cần được công bố công khai, rộng rãi lên mạng cho xã hội, người học, người sử dụng lao động có thể tham khảo, theo dõi. * TS Phạm Thị Ly (giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đánh giá giáo dục ĐH Trường ĐH Nguyễn Tất Thành): Nhiều trung tâm, chất lượng dịch vụ sẽ tốt hơn Cũng như các trường ngoài công lập, các tổ chức kiểm định “ngoài công lập” chỉ có nghĩa là không hoạt động bằng nguồn ngân sách, nhưng vẫn do Nhà nước cấp phép thành lập và hoạt động trong khuôn khổ quy định của Nhà nước, vì thế tính chất “độc lập” của nó cũng chỉ tương đối. Hơn nữa, ngay cả khi nó “độc lập” hoàn toàn, tức có thẩm quyền tự thiết lập các nguyên tắc vận hành của mình, thì đó cũng chỉ là một trong các điều kiện cần, càng không phải là điều kiện đủ để hoạt động có kết quả thật sự. Hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Trong bối cảnh “loạn” chuẩn mực hiện nay, có một mối lo ngại chính đáng với việc hết trường dỏm lại tới kiểm định dỏm. Tuy vậy, cũng giống như kiểm định ôtô, từ khi có nhiều trung tâm đăng kiểm ôtô ra đời, chất lượng dịch vụ của mọi trung tâm đều được nâng lên thấy rõ là do áp lực cạnh tranh. Chúng ta có thể hi vọng sự ra đời của một trung tâm kiểm định chất lượng ĐH độc lập cũng sẽ tạo ra một áp lực tương tự đối với những trung tâm hiện tại khiến tất cả đều phải cải thiện chất lượng dịch vụ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận