Kiểm tra nồng độ cồn của tài xế trước khi xe xuất bến chở khách về quê ở bến xe Miền Đông (TP.HCM) đầu năm 2019 - Ảnh: CHẾ THÂN
Sửa luật, tăng nặng hình thức xử lý tài xế say rượu lái xe - cần nhưng chưa đủ.
Chúng ta chưa quyết liệt
Trước hết, nói về biện pháp xử lý vi phạm hành chính theo nghị định 46/2016, với người lái xe vi phạm nồng độ cồn, mức phạt tiền cao nhất là 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng.
Có luật nhưng thực thi pháp luật chưa được nghiêm minh, sự duy trì không thường xuyên, chỉ ra quân theo đợt, chiến dịch và chỉ tiến hành trên một số khu vực, tuyến đường. Trong khi với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, giới tài xế có thừa khả năng thông báo cho nhau biết trước để đối phó.
Sau vụ xe đầu kéo gây tai nạn thảm khốc tại Long An hồi đầu năm 2019, lực lượng chức năng triển khai công tác kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích của các lái xe tải, xe chở khách. Nhiều khu vực cảng, bến xe, kho hàng tại TP.HCM mỗi lần có đoàn kiểm tra đến làm việc, mang tiếng là "đột xuất" nhưng thực tế bộ phận quản lý bến bãi và tài xế đã biết trước.
Tất nhiên họ sẽ biết cần phải làm gì. Dư luận nghi vấn tỉ lệ tài xế vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích còn thấp so với thực tế. Con số 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý trong năm 2018 cũng còn quá khiêm tốn (bao gồm cả xe máy).
Có vẻ như chúng ta chưa quyết liệt vào cuộc và những vụ tai nạn giao thông thảm khốc chưa thể chấm dứt.
10 năm vẫn chưa xong
Sắp tới đây, các mức chế tài người vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn sẽ được tăng lên. Thậm chí "có thể phạt tù lái xe uống rượu chưa gây tai nạn".
Một khi công tác tuyên truyền giáo dục đã làm nhiều mà vẫn không cải thiện được tình hình, nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông chưa được nâng cao thì cần phải có những phương thuốc "đặc trị" hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, luật dù có sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn luôn cần sự mạnh mẽ, công tâm từ các cơ quan chấp pháp. Đảm bảo không du di, thỏa hiệp, không có vùng cấm hay dùng "quyền trợ giúp" trong kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm mới là yếu tố quan trọng đảm bảo tính nghiêm minh.
Tôi có người quen làm cảnh sát giao thông từng nhiều lần than phiền: vừa đưa người và phương tiện vi phạm về trụ sở đã có ngay cuộc gọi đến mong được "thông cảm". Cán bộ có trách nhiệm thụ lý hồ sơ rơi vào tình thế khó xử, khó từ chối (nhất là khi người đứng ra "xin" có khi đang làm việc ở cơ quan cấp trên của mình).
Thế nên không ít cán bộ phải "lách luật", tức là chọn lỗi nhẹ nhất trong số nhiều lỗi vi phạm để làm thủ tục "phạt cho có phạt".
Mức phạt 3 tháng tù đối với lái xe uống rượu chưa gây tai nạn nếu vi phạm lần đầu là hợp lý. "Một ngày tù nghìn thu ở ngoài", 90 ngày mất tự do đủ để họ nhận ra sai lầm, ăn năn hối lỗi, khiến người ta tâm phục khẩu phục.
Biết quý mạng sống của mình sẽ biết quý sinh mệnh của người khác. Còn với những trường hợp cố tình tái phạm thì nâng mức phạt từ 1 năm tù trở lên là hoàn toàn thỏa đáng. Phải xem việc sử dụng chất kích thích trước khi cầm lái là một tội ác.
Tăng nặng hình thức xử lý, lý thuyết tuy đơn giản như vậy song đi vào thực hiện sẽ gặp vô vàn khó khăn. Thế nhưng nhiều quốc gia khác cũng từng phải đương đầu những cái khó ấy rồi mới được như ngày nay.
Tôi nhớ cách đây hơn 10 năm, chúng ta từng đưa ra nhiều giải pháp tương tự bây giờ. Chỉ có điều chưa được làm đến cùng nên nhiều vấn đề vẫn tồn tại và giờ trở thành thách thức. Đã đến lúc không thể chờ được nữa, muốn vượt qua trở ngại cần "vượt lên chính mình" trước.
Dòng xe máy nối nhau leo lề, chạy ngược chiều trên đường Trường Chinh, P.15, Q. Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: LÊ ANH TUẤN
Chạy ngược chiều cũng phạt nặng
* Ai cũng thấy tai họa do uống rượu bia mà điều khiển phương tiện giao thông và mong muốn sửa luật, vậy tại sao chưa sửa luật? Bao giờ mới sửa? Còn chậm trễ là có tội với nhân dân.
(ngthphuong14@...)
* Chỉ phạt tiền sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Cần xử lý hình sự và tăng thời hạn thu bằng lái với những "ma men" khi lái xe.
(Nguyễn Văn Miền - haiduong510@...)
* Không những dùng bia rượu khi lái xe bị phạt nặng, mà cả lỗi chạy ngược chiều cũng phải phạt thật nặng. Thanh Hóa vừa phạt xe khách chạy ngược chiều trên đường cao tốc 1 triệu đồng và giữ bằng 2 tháng. Xử phạt nhẹ như không vậy?
(Hải Vân - haivan73.hn@...)
Nghiêm trị người vi phạm luật giao thông
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Ủy ban Tư pháp đã tổ chức phiên giải trình và có nhiều kiến nghị về các giải pháp hạn chế tai nạn giao thông, vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông.
Ủy ban Tư pháp kiến nghị Bộ Công an đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm giao thông đường bộ. "Chúng tôi đề nghị lắp đặt hệ thống camera tại các nút giao thông, trên các tuyến quốc lộ, các điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn; xây dựng đề án ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tuần tra, kiểm soát giao thông, hạn chế việc CSGT phải trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường nhiều như hiện nay" - bà Nga nói.
Về những vấn đề cụ thể như có nên cấm người đi xe máy sau khi sử dụng rượu bia, nâng cao mức xử phạt đối với người lái ôtô sử dụng rượu bia, quan điểm của Ủy ban Tư pháp là chế tài xử lý vi phạm phải đủ sức răn đe, nghiêm minh, hạn chế tới mức thấp nhất các lỗi chủ quan của người tham gia giao thông.
LÊ KIÊN ghi
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, tài xế uống rượu bia nên áp dụng hình phạt nào?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận