Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông - chủ đầu tư) cho biết sẽ xem xét, chấm dứt hợp đồng trong tháng 7 và 8 với các nhà thầu yếu kém, làm chậm tiến độ công trình xây kè chống sạt lở cho kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Dù Ban Giao thông đã đôn đốc, kiểm tra nhưng nhà thầu vẫn thi công chậm đoạn 2 (ngã ba sông Sài Gòn - thượng lưu kênh Thanh Đa đến xưởng cơ khí Tiền Phong) và đoạn 4 (từ ngã ba Rạch Chùa đến ngã ba sông Sài Gòn) của dự án.
Do đó, chủ đầu tư sẽ tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu này cùng với biện pháp xử phạt hành chính. Đồng thời, ban này cũng tiến hành đấu thầu, lựa chọn nhà thầu mới cho dự án.
Công trình xây kè chống sạt lở cho kênh Thanh Đa là một trong những dự án trọng điểm nhằm chống sạt lở trên tuyến sông Sài Gòn. Năm 2006, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng kè chống sạt lở ở khu vực này, chia thành 4 đoạn chính.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2019 chỉ có đoạn 1 được xây dựng hoàn tất. Các đoạn còn lại vẫn dang dở do vướng mắc mặt bằng. Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đến năm 2020 có những vị trí (thuộc đoạn số 2 và số 4) đã được bàn giao mặt bằng nhưng đến nay nhà thầu vẫn chưa xây dựng.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đánh giá việc chậm xây dựng hoàn thành công trình đã gây ảnh hưởng đến việc phòng, chống sạt lở, cũng như bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và các công trình hạ tầng trong khu vực.
Di dời 15 nhà dân do sạt lở kè Thanh Đa
Liên quan đến vụ sạt lở bờ kè kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) ngày 26-6, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã thông báo khẩn cấp về tình hình và phương án sửa chữa đến các đơn vị liên quan.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, một số vị trí bờ kè đã dịch chuyển khoảng 1,8m (theo chiều ngang), 200m bờ kè bị sụt lún nghiêm trọng, có chỗ sâu khoảng 1,26m so với mặt kè hiện hữu.
Vụ việc đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến 15 hộ dân tại khu vực. Tất cả nhà dân này đều bị nứt tường, nghiêng ra phía kênh, có thể đổ ra sông bất cứ lúc nào.
Về giải pháp trước mắt, UBND quận Bình Thạnh đã tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Cảnh báo người dân, xe cộ không đi đến đoạn kè đang sạt lở này.
Về giải pháp căn cơ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM giao sở này phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức quan trắc, đánh giá nguyên nhân và độ chịu lực kè để đề xuất cách sửa chữa hiệu quả nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận