Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo địa phương tăng cường tiếp xúc người dân, doanh nghiệp để tìm hiểu tình hình thực tế. Trong ảnh: Thủ tướng ra đồng trò chuyện với nông dân Hà Nội - Ảnh: LÊ KIÊN |
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành dành thời gian nghiền ngẫm về những tồn tại, hạn chế, đề ra giải pháp khắc phục, thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2017.
Dành thời gian gặp dân, doanh nghiệp
Ông biểu dương vừa qua có Bí thư tỉnh ủy bỏ tiền túi uống cà phê với doanh nghiệp, có Chủ tịch tỉnh hàng tuần ngồi với doanh nghiệp để nghe họ nói, dành thời gian xuống với dân để tìm hiểu thực tế.
“Nếu không gần dân, lắng nghe doanh nghiệp để tìm hiểu tình hình, nếu không tháo gỡ khó khăn, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều công ăn việc làm thì đất nước khó phát triển” - Thủ tướng lưu ý.
Trong ngày đầu tiên của cuộc họp trực tuyến, bên cạnh các vấn đề kinh tế - xã hội, Chính phủ cũng dành thời gian để Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
“Tết này các đồng chí không phải đi thăm Thủ tướng, Phó Thủ tướng nữa. Không phải chỉ các đồng chí ở miền Nam đâu mà cả miền Bắc cũng vậy, không phải đến Hà Nội để quà cáp, biếu xén” - Thủ tướng đề cập đến một việc cụ thể.
Tâm sự với lãnh đạo các tỉnh, TP, Thủ tướng nói rằng ông từng là lãnh đạo địa phương nên thấu hiểu tình trạng “tết nhất là lo ngay ngáy quà Tết biếu Trung ương. Không tới thì băn khoăn, tới thì xếp hàng khổ cực”. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm chủ trương không quà cáp, biếu xén để “nhẹ nhàng cho các đồng chí”.
“Ngay cả các chuyến công tác xuống địa phương của Thủ tướng, các phó Thủ tướng cũng vậy, không phải tổ chức đến nơi giáp ranh địa giới hai tỉnh để chào hỏi. Mình phải giản dị. Xin nói với các đồng chí là dân để ý hết” - Thủ tướng nói.
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trình bày báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, định hướng đến năm 2020 với mong muốn các bộ, ngành, địa phương “cùng nhau hiểu và cùng vào cuộc để tạo sức bật mới trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh”.
Phó thủ tướng khẳng định dự thảo nghị quyết mới được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế, với những chỉ số, chỉ tiêu được nêu trong báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)…
Ông khẳng định việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia “không chỉ là hình ảnh, vị thế quốc gia mà còn là thế mạnh trong thu hút đầu tư, cạnh tranh của nền kinh tế, trong đàm phán các cam kết thương mại quốc tế. Tín nhiệm quốc tế cao thì chi phí vốn của cả quốc gia và doanh nghiệp đều giảm”.
Phó Thủ tướng cho biết hiện một loạt chỉ số về môi trường kinh doanh cho thấy VN ở mức trung bình và dưới trung bình, chỉ số tốt nhất đứng thứ khoảng 60 và có những chỉ số đứng thứ 116-120 trên bảng xếp hạng. Có những thủ tục rất tốt như cấp phép xây dựng đứng thứ 24 nhưng khởi sự kinh doanh đứng thứ 121, đặc biệt thuế, bảo hiểm dù đã cải tiến rất nhiều nhưng vẫn đứng 167, giải quyết tranh chấp, phá sản xếp thứ 125.
So sánh tương quan với các nước ASEAN về môi trường kinh doanh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh để đạt được mục tiêu mức trung bình của ASEAN-4, Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện các chỉ số cụ thể.
"Hiện nay chúng ta xếp thứ 82, để lọt vào trung bình ASEAN-6, tính cả Singapore, thì chúng ta phải tiến tới vị trí 56, còn nếu muốn lọt vào trung bình ASEAN-4 thì chúng ta phải đứng thứ 43 trên thế giới” - ông Đam cho biết.
Dự thảo nghị quyết đưa ra mục tiêu thứ hạng rất cụ thể đối với những chỉ số môi trường kinh doanh đang thấp như: Khởi sự kinh doanh từ vị trí 121 phải lên thứ 60; thủ tục cấp phép xây dựng từ 166 ngày phải rút ngắn thêm 30 ngày; thuế có tiến bộ nhưng vẫn còn 540 giờ và phải tiếp tục giảm; thời gian giải quyết tranh chấp từ 400 ngày còn 300 ngày…
Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế, giám sát, đánh giá độc lập; huy động các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học... tổ chức các đoàn giám sát thực tế, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, đặc biệt tăng cường đầu mối tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp như Cổng thông tin điện tử Chính phủ, VCCI, Bộ Kế hoạch - đầu tư…
“Ở đây có câu chuyện rất thật là doanh nghiệp có nhiều bức xúc nhưng ngại kiến nghị, phản ánh vì sợ lộ danh tính, bị định kiến của cán bộ tại chỗ. Vì vậy cần có cơ chế để tiếp thu kiến nghị nhưng giữ kín danh tính của doanh nghiệp ở bên dưới” - ông Đam lưu ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận