29/09/2015 00:10 GMT+7

​Chấm dứt bệnh dại bằng cách tiêm vaccine

Nguồn: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế
Nguồn: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế

Các chuyên gia y tế cho biết, biện pháp hiệu quả nhất để loại trừ bệnh dại ở người là quản lý đàn chó và tiêm vaccine phòng dại đầy đủ cho chó.

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và kêu gọi sự cam kết của chính quyền các nước trong nỗ lực hướng tới một thế giới không còn bệnh dại, Liên minh Kiểm soát bệnh dại toàn cầu lấy ngày 28-9 là “Ngày thế giới phòng chống bệnh dại”.

Chủ đề phòng chống bệnh dại năm 2015 là “Cùng nhau chấm dứt bệnh dại bằng cách tiêm vaccine cho chó”.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, mỗi năm có khoảng 50.000 người tử vong do bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vaccine phòng dại.

Ở Việt Nam, tính từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước đã có 46 trường hợp tử vong do bệnh dại, xảy ra ở 22 tỉnh, thành phố.

hinh-2-1443509841.jpg

Qua điều tra, các trường hợp tử vong vì bệnh dại đều không được tiêm vaccine phòng bệnh dại và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn - nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vaccine cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, nguồn lây bệnh dại trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng chủ yếu là do chó dại cắn người mà không đi tiêm phòng. Biện pháp hiệu quả nhất để loại trừ bệnh dại ở người là quản lý đàn chó và tiêm vaccine phòng dại đầy đủ cho chó (ít nhất 70% tổng đàn chó thực tế được tiêm phòng đầy đủ).

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại tỉ lệ tử vong gần như 100%.

Để ngăn ngừa bệnh dại trên người, WHO khuyến cáo, người bị động vật cắn cần được tiêm vaccine điều trị dự phòng bệnh dại. Khi người bị súc vật nghi dại cắn cần khẩn trương xử lý theo các bước như sau: rửa ngay vết thương thật kỹ bằng nước xà phòng đặc 20%, rửa lại bằng nước muối sinh lý và bôi các chất sát khuẩn như dung dịch iốt đậm đặc; nếu vết thương bẩn, dập nát cần cắt lọc; để hở vết thương, chỉ khâu lại vết thương sau khi bị cắn trên 5 ngày; theo dõi súc vật cắn trong vòng 10 ngày, tuyệt đối không giết chết súc vật cắn; tiêm phòng vaccine uốn ván.

Nguồn: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: vaccine bệnh dại chó