17/09/2019 13:38 GMT+7

'Chấm điểm' ý thức học sinh, tại sao không?

THANH NGUYỄN
THANH NGUYỄN

TTO - Học sinh ở trường phổ thông hiện nay vẫn được đánh giá, xếp loại dựa vào hai mặt: học lực và hạnh kiểm. Nhưng rõ ràng học lực vẫn chiếm ưu thế, hạnh kiểm chỉ 'khiêm tốn' đứng cạnh cho có...

Chấm điểm ý thức học sinh, tại sao không? - Ảnh 1.

Học sinh trường THPT Trần Khai Nguyên Q.5, TP.HCM trong ngày khai giảng năm học mới - Ảnh: NHƯ HÙNG

Sở GD-ĐT TP.HCM mới đây có văn bản đề nghị các trường, thầy cô thực hiện đánh giá thường xuyên học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau như: đánh giá qua bài thuyết trình, qua thái độ học tập của học sinh, qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập... thay vì chỉ căn cứ vào bài kiểm tra.

Tuy nhiên, đánh giá học sinh như thế đã đủ chưa?

Trong buổi sinh hoạt chuyên môn mới đây ở trường tôi, một thầy giáo dạy sử có thâm niên gần 30 năm đặt ra một vấn đề thảo luận và xin ý kiến về việc chấm điểm học sinh dựa trên ý thức, thói quen tốt.

Thầy bảo rằng khi bước vào lớp, thấy khăn trải bàn xộc xệch hoặc có giấy vụn trên bục giảng, nếu có học sinh nào đó lên sửa lại khăn bàn hoặc nhặt mẩu giấy, thầy sẽ ghi cho em đó 8 điểm để khuyến khích, khen thưởng. Thầy chốt lại là: nên chăng cho điểm học sinh về ý thức?

Mọi người vỡ òa phát hiện ra một vấn đề thú vị lâu nay vẫn ngầm tồn tại trong cách đánh giá học sinh. Đó là thầy cô vẫn thỉnh thoảng động viên học sinh yếu kém bằng cách thưởng điểm nếu có tiến bộ, ghi điểm tốt cho học sinh để cộng điểm vào bài kiểm tra nếu tích cực phát biểu bài, tích cực hoạt động nhóm… Có nghĩa là thầy cô vẫn âm thầm cho điểm học sinh về ý thức.

Tuy nhiên ban giám hiệu trường tôi không đồng ý 'chấm điểm' ý thức học sinh. Lý do là điểm số của học sinh phải được chấm dựa trên sản phẩm giáo dục như bài kiểm tra giấy, kiểm tra miệng, đề tài thảo luận, sưu tầm, nghiên cứu… Sản phẩm của học sinh sẽ được định lượng đạt bao nhiêu phần trăm yêu cầu và có thang điểm tương ứng.

Học sinh ở trường phổ thông hiện nay vẫn được đánh giá, xếp loại dựa vào hai mặt: hạnh kiểm và học lực. Nhưng rõ ràng là học lực vẫn chiếm ưu thế trong việc phân định một cá nhân là giỏi, khá, trung bình, yếu kém, còn hạnh kiểm chỉ "khiêm tốn" đứng cạnh.

Kết quả cuối kỳ, cuối năm, cuối cấp chỉ đơn thuần định lượng năng lực lĩnh hội kiến thức của học sinh chứ chưa hề phản ánh bọn trẻ đã rèn giũa và uốn nắn được nét nhân cách, phẩm chất tốt đẹp nào.

Trong khi chương trình giáo dục phổ thông mới với định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh đang đi vào chặng cuối của quá trình chuẩn bị thì ở các trường phổ thông, giáo viên vẫn đang được chỉ đạo phải cân đo đong đếm năng lực học sinh dựa trên kiến thức.

Tôi nghĩ điều này sẽ là một lực cản lớn cho định hướng chú trọng dạy người mà lãnh đạo ngành vừa triển khai nhân dịp khai giảng năm học 2019-2020. Giáo dục phải hướng đến việc phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của học sinh chứ đâu đơn thuần chỉ dạy bọn trẻ phải biết kiến thức này, phải nắm kiến thức kia?!

Tôi cho rằng khi người thầy động viên kịp thời biểu hiện tốt, khen thưởng đúng lúc hành động tích cực, nhân lên tấm gương người tốt việc tốt trong học sinh thì môi trường học đường sẽ thật sự khoác lên mình một tấm áo mới, trọn vẹn ý nghĩa của nội hàm "thân thiện", "hạnh phúc".

Vậy nên, cho điểm học sinh về ý thức, tại sao không?!

Thăm dò ý kiến

Theo bạn các trường phổ thông có nên chấm điểm ý thức học sinh?

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

TP.HCM đánh giá học sinh qua thuyết trình, nghiên cứu thay bài kiểm tra TP.HCM đánh giá học sinh qua thuyết trình, nghiên cứu thay bài kiểm tra

TTO - Thay vì bài kiểm tra, giáo viên có thể đánh giá học sinh qua bài thuyết trình, thái độ học tập, hồ sơ học tập, kết quả nghiên cứu khoa học... của học sinh.

THANH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên