03/07/2014 06:18 GMT+7

Chậm di dời làng đá mỹ nghệ Non Nước

PHAN CHUNG
PHAN CHUNG

TT - Dự án quy hoạch làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (TP Đà Nẵng) được triển khai từ năm 2008 đã đem lại hi vọng sớm thoát cảnh sống ô nhiễm cho người dân khu vực này. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn ngày ngày sống chung với bụi, tiếng ồn.

oI5lMqk2.jpgPhóng to
Người dân ở khu sản xuất đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng) vẫn còn sống chung với ô nhiễm - Ảnh: Phan Chung

Theo kế hoạch, dự kiến cuối quý 1-2014 sẽ di dời tất cả hộ sản xuất đá mỹ nghệ vào khu quy hoạch mới của làng nghề nhưng đến nay vẫn chưa di dời được, do làng nghề chưa có trạm xử lý nước thải, nhiều tuyến đường chưa hoàn thiện.

Mong muốn di dời

Suốt sáu năm nay, ông Nguyễn Văn Nhân (trú tổ 78, P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) luôn mong ngóng từng ngày được thoát khỏi cảnh bụi bay mù mịt, tiếng ồn bủa vây quanh nhà. “Bốn phía đều có xưởng làm đá, vừa bụi vừa ồn, đường sá nước lênh láng. Nghe tin mấy xưởng này sẽ di dời mà mừng hết nói nhưng đợi hoài chẳng thấy đâu”, ông Nhân cho biết. Con đường Nguyễn Duy Trinh chạy qua nhà ông Nhân cũng hư hỏng nặng, ổ voi, ổ gà xuất hiện dày trên mặt đường và trở thành bãi chứa nước thải từ các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ. Hai bên đường, hàng chục công nhân tại các cơ sở hì hục đục đẽo, gia công khiến bụi bay mù mịt.

Trong khi đó anh Lê Huỳnh, chủ một cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, cho rằng nếu thành phố đã quyết định di dời thì nên tiến hành dứt điểm, để các chủ cơ sở còn chuyên tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghề. “Nhà xưởng hư hỏng chẳng muốn thay vì không biết khi nào sẽ đi khỏi đây. Nhưng cứ để thế này mà làm cũng không được, mưa nắng cực quá, lại không an toàn”, anh Huỳnh cho biết. Theo ban quản lý làng đá mỹ nghệ Non Nước, hiện có gần 500 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ với gần 3.000 lao động làm nghề, tập trung xung quanh khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Khi chủ trương di dời làng đá được đưa ra có đến 80% cơ sở ủng hộ. Tuy nhiên, do tiến độ dự án kéo dài nên giờ đây không ai còn mặn mà, quan tâm mà chỉ tập trung việc làm ăn.

Ông Huỳnh Cự, phó chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, cho biết hiện chính quyền quận đang rất lo lắng trước tình hình ô nhiễm tiếp tục diễn ra tại các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Non Nước. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động du lịch của danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng như đe dọa sức khỏe người dân trong khu vực.

Sẽ đẩy nhanh tiến độ

Dự án làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước được TP Đà Nẵng phê duyệt tại tổ 52 và 53, P.Hòa Hải trên diện tích 35ha, kinh phí đầu tư khoảng 154 tỉ đồng. Hiện tại hạng mục cuối cùng của dự án này là trạm xử lý nước thải vẫn chưa được triển khai. Trước đó, chính quyền TP Đà Nẵng đã đồng ý xây dựng trạm xử lý nước thải trên diện tích 2.000m2, có công suất xử lý 1.500 m3/ngày đêm với kinh phí 19,4 tỉ đồng. Tuy nhiên theo ông Huỳnh Chín - trưởng ban quản lý làng đá mỹ nghệ Non Nước, kinh phí triển khai mới chỉ được giải ngân khoảng 2 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Huỳnh Chín cũng tỏ ra lo ngại khi hệ thống đường sá tại khu quy hoạch làng nghề chưa được hoàn tất. “Hàng chục tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 3km hiện mới được rải đá cấp phối. Chỉ cần một vài chuyến xe chở vật liệu ra vào sẽ khiến bụi phủ đầy cả khu dân cư. Điều này cho thấy vấn đề ô nhiễm bụi vẫn chưa được giải quyết”, ông Chín cho biết.

Đại diện chủ đầu tư làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, ông Ngô Quốc Hưng - phòng quản lý các hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng - cho biết có nhiều nguyên nhân khiến việc triển khai xây dựng trạm xử lý nước thải bị chậm trễ. “Hiện đơn vị thi công đang tiến hành xây dựng các cụm bể xử lý nước thải. Riêng các thiết bị lắp đặt để xử lý nước thải đang được các đơn vị như Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Khoa học - công nghệ, Sở Tài nguyên - môi trường phối hợp thẩm định giá, chất lượng thiết bị, công nghệ xử lý có đạt chuẩn hay không. Chúng tôi cũng đã yêu cầu các đơn vị sớm bàn giao để đơn vị thi công đúng tiến độ”, ông Hưng cho biết. Về nguồn vốn đầu tư, theo ông Hưng, mới đây UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu Sở Kế hoạch - đầu tư cân đối, bổ sung vốn để triển khai công trình xử lý nước thải. Đối với các tuyến đường tại khu làng nghề, ông Hưng cho rằng nếu các tuyến đường có tỉ lệ dân cư ở đạt trên 50% (trước đây là 70%) thì sẽ được thảm nhựa theo quy định chung của thành phố. “Dự kiến trong tháng 9 tới, dự án trạm xử lý nước thải sẽ hoàn thành và bàn giao cho quận Ngũ Hành Sơn tiếp nhận và thực hiện việc di dời”, ông Hưng cho biết thêm.

PHAN CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên