Rất nhiều bạn đọc đã gửi email về tòa soạn xin địa chỉ, số điện thoại liên lạc để có thể trực tiếp trao đổi với Ngọc Như, giúp em trở lại trường.
Bạn đọc cũng đề nghị Tuổi Trẻ giúp Như mở tài khoản ngân hàng để những nhà hảo tâm có thể hỗ trợ hằng tháng cho em.
Bạn đọc Nguyễn Hải Quốc viết: “Đọc những dòng thư của em mà tôi như chết lặng. Không thể tin nổi một đứa trẻ lớp 7 lại có những cảm xúc dạt dào và sức sống mãnh liệt đến thế. Tôi tin với bản lĩnh của em thì cuộc sống sẽ mang nụ cười đến với em. Các nhà hảo tâm ơi, hơn lúc nào hết hãy nâng niu bàn chân nhỏ nhắn của em để giúp em thực hiện ước mơ trước khi quá muộn”.
Bạn đọc Mai Nguyễn còn viết cả “Thư gửi cháu Nguyễn Thị Ngọc Như”, trong thư có đoạn: “Đọc thư của con cô không cầm được nước mắt, cô nghĩ sau này chắc chắn con sẽ thành công trong cuộc sống. Tại sao cô lại dám khẳng định như vậy? Vì hoàn cảnh của cô và con gần giống nhau, chỉ khác là con vẫn còn người thân bên cạnh, còn cô đơn độc một mình với một người em 5 tuổi. Vì vậy đến 18 tuổi cô phải lập gia đình. Khi có con cô bắt đầu đi học và học miệt mài dù chồng cô đã ngăn cản, thậm chí dẫn đến ly hôn vì khi chọn lựa giữa gia đình và chuyện đi học, cô đã chọn việc trang bị kiến thức là trên hết... Đến giờ cô vẫn tự hào mình đã đứng vững trong cuộc sống, không rơi vào cạm bẫy của cuộc đời. Vài dòng chia sẻ cùng con, mong con vững lòng tin trong cuộc sống và cố gắng vượt lên những khó khăn, con nhé!”.
Mỗi bình luận của bạn đọc trên Tuổi Trẻ Online, mỗi email gửi về [email protected] hay [email protected] bày tỏ muốn giúp đỡ Như khiến chúng tôi cảm thấy vui vì câu chuyện của em đã được đồng cảm và chia sẻ. Ngày gặp Như ở Bù Đăng, Bình Phước, người viết mới cảm hết sự hi sinh, tình yêu thương của em dành cho gia đình. Khi Như nói nhiều hơn về chuyện học hành, chuyện gia đình, ánh mắt em vừa ánh lên niềm vui, vừa không giấu được sự tủi thân, buồn bã.
Liên lạc với Như khi bài viết đăng tải, em cảm ơn trong tiếng máy của xưởng điều đang hoạt động. Em cho biết đã có người liên lạc với em nhưng những âm thanh tại xưởng quá to khiến em không nghe máy được hoặc nghe rất khó. Như sẽ cố gắng nghe điện thoại sau giờ làm việc và cảm ơn mọi người đã quan tâm đến hoàn cảnh của em.
Phóng to |
Ông Nguyễn Văn Hùng - Ảnh: Bùi Liêm |
Sẽ đặc cách nhận em Như vào học
Chiều 16-6, ông Nguyễn Văn Hùng - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Phước - cho hay rất xúc động sau khi đọc bài báo về em Như và lá thư của em. Sở sẽ chỉ đạo Trường THCS Bình Minh (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) đặc cách nhận em Như vào học theo nguyện vọng. Việc em nghỉ học đã hơn một năm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà muốn đi học lại cũng chẳng khó khăn gì.
Ông Hùng cho biết thêm không riêng gì em Như mà ở Bình Phước cũng còn rất nhiều hoàn cảnh tương tự. “Nhân đây xin gửi lời cảm ơn chân thành đến báo Tuổi Trẻ đã quan tâm đến ngành giáo dục tỉnh Bình Phước, nhất là hoàn cảnh học sinh khó khăn phải nghỉ học như em Như. Thông qua bài viết có thể em Như và nhiều học sinh khác đang có hoàn cảnh tương tự sẽ nhận được sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng, được học tập đến nơi đến chốn” - ông Hùng nói.
BÙI LIÊM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận