Lễ đặt viên đá khởi công xây dựng nhà máy luyện nickel ở phía bắc Tân Đảo thuộc tập đoàn mà ông Đặng làm việc vào ngày 6-3-2006 - Ảnh: SOPHIE NGUYỄN chụp lại
Cha tôi là người đặc biệt. Cuộc đời của cha hơn cả cuốn tiểu thuyết. Cha tôi đã khởi đi từ hai bàn tay trắng.
Bà Nguyệt (con gái tỉ phú Đặng Văn Nha)
Luôn biết mình muốn gì
Đối với ông, chỉ có độc lập về kinh tế mới là nền độc lập có giá trị hơn cả. Từ rất sớm, ông hiểu rằng tương lai không phải là khép mình lại mà là phải thắt chặt quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.
Ông đã đặt mối quan hệ rộng rãi với các đối tác toàn cầu lên trên mối quan hệ chật hẹp giữa thuộc địa và chính quốc. Trong mối quan hệ với đối tác toàn cầu, ông có tài nghệ bậc thầy.
Ông Etienne Dutailly - chủ biên nguyệt san trào phúng Le Chien Bleu ở Tân Đảo - từng trả lời phỏng vấn trên truyền hình: "Có lần tôi hỏi ông ấy tại sao ông nói tiếng Việt dở, nói tiếng Pháp dở, nói tiếng Anh dở, mà ông lại gặp nhiều tổng thống, lại đi đàm phán với nhiều doanh nghiệp lớn? Ông ấy nói khi đàm phán thì phải biết người ta cần gì. Và ông ấy biết đối tác cần gì".
Sự thật thì tất cả đối tác lẫn đối thủ đều không biết ông Đặng sẽ làm gì, bởi ông có cách tính toán rất riêng của mình. Hai nhà báo Pháp viết cuốn Mystère Dang thì đánh giá cách làm ăn của ông Đặng "như chơi cờ vây, ông xây dựng địa bàn, đặt quân cờ, đánh lừa đối phương.
Những kẻ gièm pha thì khẳng định hệ số thông minh của ông ngang mức những kẻ bất lương, gian dối, còn những người bênh vực ông thì lại ca ngợi ông là một thiên tài".
Tin ở bản thân mình, André Đặng không thích ủy quyền cho người khác hoặc chia sẻ trách nhiệm với ai mà chỉ tin vào một nhóm nhỏ những người thân cận, nhiều khi là thành viên trong gia đình.
Tại Công ty SMSP của mình, không có một quyết định nào không có sự bảo lãnh trách nhiệm của ông. Để củng cố quyền lực tuyệt đối, ông đặt ra những rào chắn không thể vượt qua giữa các kế hoạch do ông xây dựng.
Ông toàn quyền quyết định mọi việc dù nhỏ nhất. Điều hành một công ty có nhiều chi nhánh quốc tế như một người cha trong gia đình, ông càng có tầm nhìn hiện đại và tiên phong, đối với thế giới kinh tế thì ông lại càng chứng tỏ tinh thần bảo thủ trong công việc quản lý hằng ngày tại doanh nghiệp.
Luôn luôn đề phòng cảnh giác, ông suy nghĩ thật chín các ý tưởng của mình bằng cách lắng nghe người khác và những người thân cận của ông bằng lệnh phải báo cáo lại cho ông mọi thông tin bổ ích dù là nhỏ nhất. Nhờ những mạng lưới quốc tế và nhờ trực giác rất hiếm khi phản lại ông mà ông xây dựng những chiến lược táo bạo, loại bỏ những thói quen cũ kỹ.
Ông Đặng thăm mộ cha là ông Đặng Văn Nhã ở nghĩa trang tại Voh - Ảnh: SOPHIE NGUYỄN chụp lại
Tỉ phú từ nickel
Ông không chịu thua cuộc bao giờ. Không khi nào ông ngã lòng, chịu khuất phục trước khó khăn trở ngại. Đối với ông, dù đường đi nước bước phải thế nào thì ông không quản ngại, miễn là đạt được mục tiêu đã định. Điều đó đã khẳng định qua việc ông làm giàu nhanh chóng khi phải sống lưu vong ở Úc trong vài năm.
Trên thương trường, các đại gia ngành nickel phải ngã mũ thán phục những bước đàm phán của ông. Ông tung hỏa mù, ông đàm phán quyết liệt đến tận giờ chót với những điều kiện đặt ra không hề thay đổi. Chính vì vậy cũng có thể thấy người bản địa Kanak đã chọn đúng ông để làm việc cho họ.
Bản thân ông Đặng cũng dốc lòng dốc sức đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho người Kanak, bởi trong thâm tâm ông, đó như một sự đáp trả cho những người thấp cổ bé họng. Ông đã làm việc nhiều năm trong công ty mỏ rồi nâng nó lên tầm cỡ tập đoàn. André Đặng có sức chịu đựng dẻo dai về thể chất ít người sánh kịp, một sức làm việc miệt mài đến mức trở thành ám ảnh.
Ông luôn làm hết sức mình. Ngoài một vài buổi đi chơi golf, ưu tiên vì mối quan hệ làm ăn, ông Đặng hiếm tự cho mình có quyền nghỉ ngơi. Ông làm việc không có giờ giấc và áp đặt nhịp độ ngặt nghèo đó cho những người thân cận của ông. Ở tuổi 70 mà ông vẫn thức giấc từ lúc ba giờ sáng để theo dõi chỉ số chứng khoán và chuẩn bị hồ sơ làm việc.
Chính vì vậy, sau thời gian ông làm việc không cần lương vì bản thân ông đã giàu có, những người Kanak đã nghĩ đến việc trả công cho ông bằng 8% cổ phần trong tập đoàn mỏ nickel. Tính theo giá trị nickel tăng vòn vọt thời gian gần đây vì nhu cầu rất cao của thế giới thì tài sản đó phải tính đến con số chục tỉ USD.
"Thế nhưng gần đây cha tôi đã chia phần tài sản đó cho ba người con", bà Nguyệt cho biết. Vì lẽ đó, theo bà, cha bà chẳng khác "một tỉ phú không tiền". Thật sự nhiều lúc ông không có một đồng xu dính túi, thậm chí là cả tấm ngân phiếu.
\Ông giao phó mọi chi tiêu hậu cần cho người vợ. "Tôi là một người bán hàng giỏi vì tôi luôn luôn đi tới đích, nhưng tôi là một người mua tồi" - ông vẫn thường nói vui như thế. Nhưng mọi người đều hiểu rằng trong con người ông là sự tiết kiệm gắn bó từ tuổi thơ nghèo khó.
Bà Nguyệt vẫn thường kể về tấm ảnh chụp cha bà treo ở nơi làm việc trong tập đoàn mỏ nickel. Tấm ảnh treo trên tường là hầm mỏ nơi cha ông Đặng từng làm phu và thiệt mạng. Bà Nguyệt nói nó phản ảnh "sự trớ trêu của số phận", bởi giờ ông Đặng lại nằm trong ban lãnh đạo của khu hầm mỏ này.
Ông Đặng không bao giờ giấu nguồn gốc người Việt của mình, nhưng khó ai biết ông nghĩ gì về hoàn cảnh tuổi thơ. Chỉ biết rằng, giờ đây mỗi khi có dịp đi lên khu mỏ phía bắc đảo, ông đều ghé ngang khu nghĩa trang ở Voh, nơi cha mình nằm lại sau tai nạn lao động thương tâm.
Kỳ phùng địch thủ
Trong cuộc đối đầu làm ăn ngành mỏ nickel, gia đình Lafleur nổi tiếng nhất Tân Đảo được cho là gặp phải đối thủ đáng gờm là ông Đặng. Đặc biệt là người con Jacques Lafleur đã gặp được đối thủ ngang tài ngang sức.
Cả hai đều vượt lên số phận của chính mình, khắc phục chấn thương tinh thần về gia đình. Jacques Lafleur đã phải thoát khỏi cái bóng bảo trợ của người cha để vượt lên trong hoạt động chính trị, còn André Đặng thì phải cố vượt qua ảnh hưởng nặng nề từ cái chết đau đớn của người cha để giành được mỏ nickel ở Koniambo.
Cả hai đều là những nhà mưu lược lỗi lạc, một người về chính trị và một người về kinh doanh. Họ biết khai thác những nhược điểm của con người nhưng đều có khả năng tỏ ra nhân từ, bao dung.
Cả hai người đều có trí thông minh trực giác, đi trước thời thế so với nhiều người. Năm 1991, Jacques Lafleur đã tỏ ra sáng suốt khi đưa ra giải pháp đồng thuận để tránh một cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của Tân Đảo vốn tiềm ẩn nguy cơ bạo lực.
Còn André Đặng từ khi nắm quyền chủ tịch Công ty SMSP đã dự cảm thấy rằng người nào nắm giữ nguyên liệu sẽ ở thế thượng phong so với những nhà luyện kim, và ông đã biết tận dụng điều này.
Nói về đối thủ của mình, ông Đặng từng cho thấy sự ảnh hưởng của họ đối với tương lai của Tân Đảo: "Jacques Lafleur đã có can đảm bắt tay đối thủ, để người Kanak có thể đi vào con đường phát triển. Còn tôi thì đã dẫn dắt họ đến đó".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận