
Diễn viên Thái Sơn trong phim Cha tôi, người ở lại - Ảnh: VTV
Trích đoạn tập 4, phát sóng ngày 24-2 trên VTV3 khi đưa lên mạng xã hội có người viết: "Chọn nam chính chán, không muốn xem".
Ngay lập tức ý kiến này nhận đến hơn chục phản hồi bất bình. "Đúng mỗi ông chán, chúng tôi không chán, rất thích dàn diễn viên phim này", "Không xem thì ông nhắm mắt lại. Ai bắt ông xem", "Tui vẫn không chán ông ạ, mặc dù đã xem bản Trung".
Hình bóng Cha tôi, người ở lại
Trích đoạn tập 4 xoáy vào hình ảnh người cha. Bố Bình đem tiền đến đưa cho Việt để anh đóng tiền đi dã ngoại với lớp.
Ông nói: "Mình năm cuối cấp rồi, lớp có hoạt động gì mình phải tham gia cùng để cho vui chứ. Sau này muốn tham gia cũng không có cơ hội mà tham gia đâu con ạ".
Trailer phim Cha tôi, người ở lại
Thấy con vẫn từ chối, ông tâm lý giải thích để con yên lòng: "Chuyện tiền nong con không phải lo. Bố còn trẻ, còn khỏe, bố còn kiếm được tiền mà. Con cần gì con cứ nói với bố, miễn là chi tiêu chính đáng. Bố luôn sẵn lòng".
Cảnh cuối, trong bữa tiệc đông đủ mọi người, bố Bình lại uống hết ly rượu này đến ly rượu khác, giọng nghẹn ngào hỏi: "Nguyên, Việt, hai con đều là con của bố phải không?".

Diễn viên Thái Sơn được khen khi vào vai bố Bình trong phim Cha tôi, người ở lại
Khán giả xem trích đoạn bảo rơi nước mắt, cảm động tình cha dành cho các con nuôi. "Thái Sơn (vai bố Bình) đóng đạt quá đi mất, xem mà rơi nước mắt", "Quá hay và xúc động! Mình rơi nước mắt vì phiên bản Việt này", "Đài từ của Thái Sơn đỉnh quá".
Có ý kiến bảo: "Mới xem mấy tập mà hay. Bố Sơn nên có chút nếp nhăn cho cuộc sống vất vả. Có lúc nhìn trẻ quá".
Gạt bản gốc, đón bản Việt
Khi thông tin Cha tôi, người ở lại được làm lại từ bộ phim nổi đình nổi đám Lấy danh nghĩa người nhà, nhiều khán giả hoài nghi sợ phim đi vào vết xe đổ của những bộ phim có kịch bản ngoại khác. Tuy nhiên, thực tế tình hình có vẻ khả quan.

Cảnh trong phim Cha tôi, người ở lại - Ảnh: VTV
Khán giả xem phim vẫn trong tâm trạng hoài nghi nhưng tâm lý thoải mái.
Có người nhắn nhủ: "Phim hay. Mình từng xem Lấy danh nghĩa người nhà, nhưng xem phim bản Việt thấy vẫn hay. Xem ở trạng thái gạt bản gốc, đón nhận bản Việt, không nên so sánh". "Lâu rồi mới xem một phim chỉ thấy cuốn, không thấy cấn".
Vẫn là câu chuyện hai ông bố nuôi ba người con hai trai một gái không ruột rà máu mủ, nhưng dấu ấn Việt trong Cha tôi, người ở lại nằm ở thoại và tình huống.
Biên kịch, đạo diễn lồng ghép vào yếu tố Việt Nam khá khéo léo.
Cảnh bố Bình chơi đàn hát văn rất Việt Nam. Lý do mẹ Nguyên bỏ nhà đi mang tính nhân văn hơn. Tình huống mẹ Việt mang theo con đến làm việc tại quán của bố Bình và gửi lại con hợp lý.
Khán giả cũng khen thoại và các diễn viên diễn xuất tốt trong phim: "Thoại nhẹ nhàng mà phải suy ngẫm", "Thoại nghe thân thuộc", "Các diễn viên vào vai nào cũng tuyệt vời".
Hy vọng phim tiếp tục giữ phong độ ở những tập tiếp theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận