
Từ trái qua: diễn viên trẻ Trần Nghĩa, Ngọc Huyền, Thái Vũ trong Cha tôi người ở lại - Ảnh: VTV
Cũng vì lý do này mà phim đã tạo nên những ý kiến trái chiều. Người khen có, kẻ chê cũng không ít. Thậm chí có người gửi gắm: "Đừng làm hỏng phim nhé!"
Những ông bố và đứa con đặc biệt
Cha tôi, người ở lại phát sóng trên VTV3, xoay quanh cuộc sống của gia đình đặc biệt. Hai ông bố nuôi dưỡng hai con trai, một con gái không cùng huyết thống.
Ở tập 1, phim bắt đầu khi ba người con An, Nguyên, Việt đang học cấp ba gây rắc rối ở trường nên phụ huynh được mời đến giải quyết. Ông Bình - cha ruột An, là chủ quán chay tốt bụng. Cha Nguyên là ông Chính - kỹ sư xây dựng.
Đạo diễn Vũ Trường Khoa chọn gương mặt diễn viên trẻ vào vai chính là điểm cộng, giúp phim tươi tắn và mới lạ hơn.
Trailer phim Cha tôi, người ở lại
Trên diễn đàn mạng về phim này, một số ý kiến ủng hộ: "Phim remake nhưng đúng chất quê tôi luôn. Các mẹ đi chợ cứ quành qua ngõ ăn sáng, phán xét cả thế giới rồi mới thong thả xách làn đi chợ". "Tập 1 thấy ổn. Mạch phim tốt". "Hôm qua xem cũng hay phết, có nét riêng của Việt Nam".
Có khán giả khen diễn viên Thu Quỳnh vai mẹ của Nguyên diễn xuất đạt hơn diễn viên bản gốc. Phim để người mẹ bỏ đi vì tự trách bản thân gây ra cái chết của con gái có tính nhân văn hơn.

Diễn viên Thu Quỳnh trong phim Cha tôi, người ở lại - Ảnh: VTV
Tuy nhiên với những người đã xem và yêu thích bản gốc Lấy danh nghĩa người nhà thì Cha tôi, người ở lại vẫn còn thua xa lắm.
"Bản Trung tôi xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần. Các bản Việt làm lại phim nước ngoài thường khó có thể qua được bản gốc.
Nhìn anh lớn (nhân vật Nguyên) ở bản Trung diễn nội tâm như vậy, anh lớn ở bản Việt có vẻ không tới. Nhưng thôi cứ chờ đợi phim xem sao".
"Nếu không có bản Trung thì phim 10 điểm. Nhưng có bản Trung rồi sẽ bị so sánh và đánh giá thì còn 2/3 thôi. Nữ chính đóng không tới như bản Trung", các ý kiến được viết lại.
Cái khó phim làm lại
Trong buổi ra mắt phim, đạo diễn chia sẻ rằng Cha tôi, người ở lại chỉ lấy tứ, mô hình câu chuyện. Anh đề nghị biên kịch khai thác tối đa bản sắc văn hóa, màu sắc xã hội Việt Nam.
"Tôi nghĩ câu chuyện giống nhau nhưng cách thể hiện được kể với những con người khác nhau. Vì vậy phim có những nét tương đồng và nét khác biệt so với bản gốc", đạo diễn nói.

Cảnh trong phim Cha tôi, người ở lại - Ảnh: VTV
Cha tôi, người ở lại bổ sung vào danh sách dài phim Việt làm lại từ kịch bản nước ngoài.
Ngay như thời điểm hiện tại VTV9 phát sóng phim Hạnh phúc bị đánh cắp, THVL1 phát Sống để yêu thương đều có kịch bản gốc của Hàn Quốc. Phim Cô đừng hòng thoát khỏi tôi đang sản xuất cũng có kịch bản từ Hàn Quốc.
Việc mua kịch bản nước ngoài về làm lại đáp ứng nhu cần sản xuất nhanh, an toàn cho các nhà làm phim truyền hình Việt.
Tuy nhiên quá trình Việt hóa đòi hỏi người làm phim phải đưa màu sắc văn hóa, xã hội, chính trị của nước bạn thành câu chuyện Việt. Điều này đòi hỏi thời gian và công sức sáng tạo lớn từ biên kịch, đạo diễn.
Phần lớn khán giả Cha tôi, người ở lại bày tỏ chung mong muốn phim không đi theo vết xe đổ của những bộ phim làm "hỏng" phim gốc như Hậu duệ mặt trời, Gia đình là số 1 (phần 2), Mối tình đầu của tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận