Tôi chuyển cho đứa em gái lâu nay vẫn đưa con đi chích ngừa ở VNVC Hoàng Văn Thụ. Nó xem và mừng húm, nhắn: "Từ nay em khỏi đi xa rồi!".
Hiểu được tầm quan trọng của vắc xin đối với sức khỏe nên đám trẻ trong nhà tôi đều được chích đủ các mũi cơ bản. Mọi người thường lấy câu chuyện về người cô họ của chúng tôi để nhắc nhở nhau.
Cô tôi xưa thanh tú lắm nhưng thật buồn vì sau một đợt sốt, đôi chân từ từ teo quắt lại. Giờ thì nhìn cảnh cô tập tễnh bưng hủ tiếu trong cái quán nhỏ của mình, ai cũng thấy xót xa. Phải chi hồi đó vắc xin phổ biến hơn thì cô hẳn đã có một cuộc đời khác, tươi đẹp hơn rồi.
Ấy vậy mà đã có một thời điểm chúng tôi rất hoang mang, hoài nghi về vắc xin.
Đó chính là những tháng ngày dịch COVID-19 bùng phát ở thành phố. Chúng tôi nghỉ làm ở nhà, suốt ngày quanh quẩn cầm điện thoại theo dõi tình hình dịch.
Tràn ngập trên các trang mạng ngày đó là hình ảnh các bệnh viện dã chiến, y bác sĩ, nhân viên y tế với những bộ đồ bảo hộ bít bùng, là Sài Gòn với những con đường góc phố vắng đến rợn người, là dòng người rồng rắn chờ test với khẩu trang kín mặt... Thông tin về vắc xin cũng rất nhiều.
Đã có những trường hợp sốc phản vệ sau tiêm. Lại có tin tiêm nghĩa là vô tình để lại một hình xăm kỹ thuật số giúp một số tổ chức bí mật theo dõi chúng ta (!) Rằng vắc xin sẽ là nguyên nhân gây ra vô sinh, tai biến, viêm cơ tim...
Rồi thêm làn sóng phản ứng đối với vắc xin của hãng gì đó nữa, họ bảo vắc xin ấy không hiệu quả... Hoang mang lắm nên tiêm chủng hay không với chúng tôi là một câu hỏi vẫn treo lơ lửng.
Duy chỉ có cha tôi, năm đó đã hơn 80, không xài smartphone, thì nghĩ khác. Cha tôi nói: "Ba tin Nhà nước mần cái gì cũng có tính toán, sanh mạng con dân có phải chuyện nhỏ đâu...".
Rồi đùng một cái, nhà hàng xóm sát vách chúng tôi có người bị nhiễm COVID-19. Sáng dậy giật mình thấy sợi dây phường giăng ngang cửa.
Bên đó có mấy người làm ở công ty mai táng nên thuộc diện chích ngừa ngay trong đợt đầu. Người bệnh nằm trên gác, có thể nghe được tiếng ho của họ. Lo lắng thật sự bởi COVID-19 thì ra không phải là một cái gì mơ hồ, nó hiện hữu và đang ở rất gần.
Cha gọi tôi: "Con chở ba đi tiêm chủng cho tụi nó bắt chước theo đi!".
Giữa trưa, cha con lặng lẽ dắt xe ra khỏi nhà. Đường sá vắng ngắt, nhà hai bên đóng cửa im ỉm, nắng chói chang, vài chiếc xe vù qua.
Từ nhà đến trung tâm y tế quận đi qua 4 chốt kiểm tra, giấy thông hành là thư mời của phường dành cho người cao tuổi. Hình ảnh bộ đội với quân phục nghiêm túc, súng ống trên vai đứng thành nhóm trên đường khiến tôi rùng mình, cảm nhận được độ nguy hiểm của tình hình...
Chúng tôi thỉnh thoảng treo những bịch thức ăn "săn" được trên hàng rào nhà hàng xóm rồi nhá máy cho họ. Hồi hộp, lo lắng, nhưng trái với điều chúng tôi suy đoán, họ đã vượt qua mà không lây nhiễm dính chùm cho nhau. Ai cũng nói nhờ có vắc xin.
Một niềm tin dần hồi phục trong lòng chúng tôi. Phần chúng tôi thấy nể cha, thấy lập luận của cha tuy đơn giản mà chắc chắn, hành động cũng thật dứt khoát. Cuối cùng thì mấy anh chị em đã có quyết định của mình.
Khi thành phố đã phủ vắc xin tương đối thì biểu đồ các ca nhiễm và tử vong cũng dần đi xuống. Không ai có thể phủ nhận vai trò của vắc xin trong việc ngăn chặn dịch leo thang. Chúng tôi may mắn bình an đi qua mùa dịch để gia đình một lần nữa lại đặt niềm tin vào vắc xin.
Xin cảm ơn những người ngày đêm vất vả trong phòng thí nghiệm, những người nhiệt tâm mang vắc xin đến với muôn nơi, vì một cộng đồng khỏe mạnh.
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống tiêm chủng VNVC đang tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 6 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ [email protected]. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email, số tài khoản và số điện thoại liên lạc; Hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì (5 triệu đồng/giải); 20 giải ba và 100 giải khuyến khích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận