11/09/2024 07:19 GMT+7

Cha mẹ nợ vì bò chết hết, con gái hứa tự kiếm học phí, ‘xin đừng kêu con bỏ đại học’

Cô tân sinh viên ngành báo chí Trường đại học Cần Thơ Nguyễn Thị Như Ý nhiều năm nhịn ăn sáng để dành dụm tiền đi học. Vừa nhập trường, cô lại vội vàng kiếm việc làm thêm.

Thực hiện: LAN NGỌC - NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN - NHÃ CHÂN

Đường vào nhà của Nguyễn Thị Như Ý ở phường Long Hưng (quận Ô Môn, TP Cần Thơ,) là lối đi nhỏ qua ruộng chỉ vừa một chiếc xe chạy. Trời nắng còn đỡ, chứ mưa xuống khá lầy lội khó đi.

Vỡ nợ đành khuyên con nghỉ học

Cha mẹ nuôi bò vỡ nợ 200 triệu, con gái hứa tự kiếm học phí ‘chỉ xin đừng kêu con bỏ đại học’ - Ảnh 4.

Thành tích học tập tốt của Như Ý suốt 12 năm qua được lưu lại bằng rất nhiều bằng khen - Ảnh: LAN NGỌC

Anh Nguyễn Văn Thành (cha Như Ý) kể, hồi đó hai vợ chồng cưới nhau rồi ở chung nhà với cha mẹ ruột anh. "Sau đó, tôi thuê nhà trọ ở vợ chồng mần ăn chăm sóc nhau. Chúng tôi dọn ra nhà trọ cũng được thời gian dài. Dần dà, bao nhiêu chi phí phải lo, đến khi không có tiền thuê nhà trọ nữa. Ngày đó nghèo lắm không đất, không nhà. Chỉ còn cách "tận dụng" cái chuồng nuôi bò dựng mái che lên rồi vào ở. Nói là cái nhà nhưng nó không vách, trống trơn cả tứ phía, lọt thỏm bên trong duy nhất cái giường và cái tủ do bà ngoại của Như Ý cho…", anh Thành nhớ lại.

Chỉ gần 4 năm qua, gia đình Ý mới được sống trong căn nhà có mái nhà, vách tường do ông bà nội Như Ý sửa sang lại cho.

Sau khi có nhà mới, vợ chồng anh Thành cũng sửa lại cái chuồng, mua bò về nuôi. Nào ngờ cái xui rủi cứ đeo bám miết, cả 4 con bò nuôi đều bị bệnh mà chết. Chị Hường (mẹ Như Ý) kể, đợt đó bò chết, vợ chồng cũng chạy ngược xuôi hỏi mượn thêm tiền để tái đàn lần nữa. Lần này, tái đàn 5 con bò khác, nhưng nuôi chưa được bao lâu chúng lại bị bệnh rồi chết hết.

Chuyện chăn nuôi "vỡ trận" làm gia đình phải gồng gánh số nợ hơn 200 triệu đồng. Hiện cả nhà sống dựa vào tiền lời ít ỏi từ việc bán gà, vịt ngoài chợ hàng ngày của mẹ Như Ý.

Đều đặn 2h sáng mỗi ngày, vợ chồng anh Thành mua gà, vịt về làm sạch rồi mang ra chợ bán lẻ. Trung bình mỗi bán được 4-5 con gà, vịt. Hôm nào ế, họ bán đến khoảng 11h trưa mới về. Rảnh rỗi chút anh Thành đi soi ếch, đặt lợp bắt cá đồng về bán phụ thêm.

"Nhà không có tiền, tôi đành ngậm đắng định cho Như Ý nghỉ học luôn, nhưng con nhất quyết không chịu", chị Hường xót xa nói.

Cha mẹ nuôi bò vỡ nợ 200 triệu, con gái hứa tự kiếm học phí ‘chỉ xin đừng kêu con bỏ đại học’ - Ảnh 2.

Tan học, Như Ý vội ra chợ phụ mẹ bán gà, vịt - Ảnh: LAN NGỌC

"Xin đừng kêu con bỏ học"

"Con nói sẽ vừa học vừa làm thêm, cha mẹ không cần lo nhưng đừng kêu nó nghỉ học luôn là được", chị Hường kể.

Thỉnh thoảng được mẹ cho 10.000- 20.000 đồng, Như Ý cất vào trong cặp không dám ăn sáng, vì biết rằng đấy là số tiền để Ý tiếp tục được học. Dù bụng đói cồn cào mệt lả, Như Ý vẫn nhịn để dành. "Tôi cũng giấu nhẹm chuyện mình nhịn ăn. Mẹ hỏi ăn sáng chưa, tôi cứ trả lời kiểu lấp lửng cho qua. Bạn rủ đi ăn, tôi cũng từ chối khéo. Có lúc đói, bụng "đánh trống" quá trời, tay chân bủn rủn nhưng tôi ráng chịu. Tôi không sợ đói mà chỉ sợ không được đến trường thôi", Như Ý tâm sự .

Ý thức được hoàn cảnh khó khăn, Như Ý rất siêng năng học tập. 12 năm liền cô đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường.

Để có tiền phụ mẹ, Ý còn làm MC chương trình, tham gia các kỳ thi học sinh giỏi và phong trào văn hóa văn nghệ do trường phát động. Như Ý luôn đầu tư và nhiệt huyết với cuộc thi tham gia rồi lấy tiền khen thưởng bỏ heo đất dành dụm từng ngày đi học.

Cha mẹ nuôi bò vỡ nợ 200 triệu, con gái hứa tự kiếm học phí ‘chỉ xin đừng kêu con bỏ đại học’ - Ảnh 2.

Sau giờ học, Như Ý phụ giúp cha công việc đặt lợp - Ảnh: LAN NGỌC

Đi làm thêm kiếm 14.000 đồng/giờ, bao giờ mới đủ thực hiện ước mơ?

Cha mẹ nuôi bò vỡ nợ 200 triệu, con gái hứa tự kiếm học phí ‘chỉ xin đừng kêu con bỏ đại học’ - Ảnh 1.

Như Ý tận dụng ánh sáng trước cửa phòng trọ để học và đọc sách - Ảnh: LAN NGỌC

Như Ý gầy nhom, gương mặt xanh xao, nhưng ẩn sâu trong đôi mắt cô là quyết tâm khát khao được học thành tài.

Trúng tuyển vào ngành báo chí của Trường đại học Cần Thơ với số điểm ấn tượng 28,44 điểm, Như Ý đã chạm tay đến với ước mơ thoát nghèo bằng con đường học tập và trở thành một phóng viên. Ngày lên TP Cần Thơ tìm nhà trọ và làm thủ tục nhập học, Ý chỉ vỏn vẹn mấy bộ đồ cũ và 3 triệu đồng tiền dành dụm. Tiền ăn hằng ngày còn thiếu hụt, không xe đạp, cô lựa chọn đi bộ đi học và làm thêm.

Như Ý trọ sâu trong con hẻm ở TP Cần Thơ. Căn phòng chỉ tầm 9m2, không bàn, không quạt, chỉ vỏn vẹn một bóng đèn chiếu sáng.

"Tôi nhờ người thân tìm dùm phòng trọ nào rẻ tiền, có chỗ tá túc là được mà không quá xa trường, để tôi đi bộ đi học", Như Ý nói.

Khó khăn, vất vả cũng chẳng nghĩ, điều Như Ý sốt ruột và lo lắng nhất là tiền học phí, sinh hoạt phí của 4 năm đại học.

Cha mẹ nuôi bò vỡ nợ 200 triệu, con gái hứa tự kiếm học phí ‘chỉ xin đừng kêu con bỏ đại học’ - Ảnh 3.

Như Ý đi học suốt 3 năm phổ thông chỉ với duy nhất một bộ áo dài - Ảnh: LAN NGỌC

Hiện tại Như Ý xin phụ bán bánh mì, thù lao được trả là 14.000 đồng/giờ. Sau khi nhập học có thời khóa biểu học, cô sắp xếp đi phụ bán bánh mì và xin làm thêm việc phụ bán quán nước. Những ngày qua ở phòng trọ, Như Ý hay ăn mì gói, bữa cơm đạm bạc với cơm trắng, rau luộc và dưa mắm.

"Với 14.000 đồng/giờ làm thêm chắc sẽ không đủ đóng học phí, nhưng tôi ráng làm nhiều giờ để tích góp. Nhất quyết tôi phải lấy được tấm bằng đại học", cô nói.

Thầy Lê Minh Tôn - giáo viên dạy ngữ văn, tư vấn tâm lý học đường của Trường THPT Thới Long cho biết, Như Ý có chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn của em. Như Ý là học sinh chăm ngoan, lễ phép, có thành tích học tập xuất sắc của trường.

"Em không ngại khó khăn, chỉ mong được đổi đời bằng con đường tri thức. Em định vừa học vừa làm thêm trang trải việc học. Tôi là giáo viên dạy em, tôi hiểu rõ hoàn cảnh và rất khâm phục ý chí vượt khó, lòng quyết tâm của em. Nghịch cảnh như thế, nghị lực vượt khó của em rất lớn rất cần được tiếp sức đến trường", thầy Minh Tôn nói.

Cha mẹ nuôi bò vỡ nợ 200 triệu, con gái hứa tự kiếm học phí ‘chỉ xin đừng kêu con bỏ đại học’ - Ảnh 9.

Ngày khăn gói lên Cần Thơ nhập học, Như Ý chỉ có mấy độ quần áo cũ. Cô mang theo ý chí thay đổi tương lai bằng con chữ - Ảnh: LAN NGỌC

3 năm phổ thông có duy nhất có bộ áo dài đến trường

Ba năm học phổ thông trôi qua với Như Ý có vô vàn khó khăn. Tiền ăn sáng và tiền khen thưởng, cô dùng làm tiền đóng học phí và tiền ôn thi tốt nghiệp THPT.

Đặc biệt, trong 3 năm học phổ thông, cô chỉ bận mỗi một chiếc bộ áo dài đến trường. "Trường tôi quy định mặc áo dài 2 ngày/tuần, nên những ngày còn lại được mặc đồ thường. Áo dài mặc xong về tôi giặt liền, mình giữ kỹ chút là mới hoài luôn", Như Ý khoe áo dài với chúng tôi.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Tiếp sức đến trường: Mẹ nhận mình cả đời thất học, con gái điểm thi hạng 26 toàn tỉnh Quảng Trị- Ảnh 4.

Mời bạn quét mã QR này để đăng ký, giới thiệu tân sinh viên khó khăn cần tiếp sức đến trường. Chương trình nhận thông tin đến hết ngày 20-9-2024

Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: hoặc quét mã QR.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Nhập học với 2 triệu đồng - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.

Mồ côi mẹ lúc 5 tuổi, ba bỏ đi, cô gái Giẻ Triêng vẫn vào đại học - Ảnh 8. Cuộc đời có phép nhiệm màu: Tôi là Lê Thảo Duyên - tân sinh viên báo chí Đại học Huế!

Nhân vật chương trình Tiếp sức đến trường báo Tuổi Trẻ 2024 - Lê Thảo Duyên, cô gái 19 tuổi với 4 lần đeo tang người thân, đã gửi đến bạn đọc bài viết như một lời tri ân. Duyên vừa nhập học, trở thành tân sinh viên báo chí ĐH Khoa học - Đại học Huế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên