Hai cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Leng vận động hai học sinh có ba mẹ mất do sạt lở núi về trường học lại - Ảnh: LÊ TRUNG
Con đường dẫn vào Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) nhếch nhác, đầy bùn lầy, sạt lở bủa vây, cầu cống đứt gãy, ngổn ngang. Hôm
17-11, khi chúng tôi đến, điểm Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Leng vẫn còn ngổn ngang bùn đất, rều rác sau trận lũ quét kinh hoàng chiều 28-10.
Vận động học sinh đi học lại
Thầy Bùi Quang Ngọc, hiệu trưởng nhà trường, kể rằng sau trận lũ quét, thống kê thiệt hại gần 1 tỉ đồng. Sau lũ, việc đầu tiên là tất cả thầy cô trong trường bắt tay vào dọn dẹp các phòng bán trú, phòng học. Cả một tuần ròng rã họ dọn sạch bùn non, chuẩn bị phòng học, nhà bán trú đón học trò của mình trở về trường.
Sau sạt lở núi, lũ quét, dân mất người thân, nhà cửa, tài sản nên chưa thể yên tâm cho con đến lớp. Thế là những thầy cô ở trường quyết tâm vận động bằng được để trò đến trường. Cô Lê Thị Phi Yến cho biết những ngày trước, giáo viên phải chia nhau mỗi tốp hai, ba người băng rừng, lội bùn bì bõm đến từng thôn vận động học sinh ra lớp. Đến chiều 17-11 có vài chục học sinh ra trường, ở bán trú để học.
"Lớp nhiều nhất thì khoảng 7 em, có lớp chỉ 1 em, nhưng các cô vẫn quyết tâm vừa dạy vừa vận động phụ huynh đưa con em ra trường" - cô Yến nói.
Sáng 18-11, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Leng lại vang tiếng trống trường, rộn tiếng ê a đọc bài của học trò sau 22 ngày nghỉ học. Thầy Ngọc cho biết dù vẫn còn nhiều ngổn ngang nhưng nhà trường vẫn quyết tâm không để cho học sinh nào phải bỏ học sau thảm họa.
Dỗ dành, động viên
Trên con đường đất bùn lầy nhão nhoẹt dẫn vào Trà Leng, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng vô cùng xúc động. Nhiều thầy cô ở Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Leng lái xe máy băng qua bùn lầy, sạt lở chở học sinh về trường để ở bán trú, tiếp tục theo học. Đó là những học trò vừa trải qua thảm cảnh sạt lở núi kinh hoàng ở nóc Ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng. Nơi đây 13 ngôi nhà đã bị sạt lở vùi lấp.
Cô Hà Thị Phương Ly và Lê Thị Minh Na, giáo viên nhà trường, mấy ngày nay dùng chiếc xe máy cà tàng của mình lăn lộn với bùn lầy đưa học sinh về trường. Hai cô chở em Hồ Văn Đệ (lớp 9) và Hồ Thị Yến Chi (lớp 6) từ điểm tạm trú về trường cách đó hơn 5km. Cả hai học sinh đều có cha mẹ tử nạn trong vụ sạt lở chiều 28-10.
Cô Ly kể rằng những học sinh đó bị ám ảnh sau thảm họa lở núi, dường như trong suy nghĩ các em muốn bỏ học. "Ba mẹ mất hết, em buồn quá" - Đệ nói, nước mắt giàn giụa. Những lúc như vậy, thầy cô phải dỗ dành, động viên các em đến trường, không được bỏ chữ. "Cha mẹ mất rồi, thầy cô sẽ là điểm tựa" - cô Ly an ủi.
Quyết không để học sinh bỏ học
Ông Phan Quốc Cường - chủ tịch UBND xã Trà Leng - cho biết thống kê ở địa phương có khoảng 21 học sinh là con các hộ bị ảnh hưởng do bão số 9 vừa qua, trong đó có nhiều em mất cha, mẹ, nhà cửa chẳng còn do sạt lở núi, lũ quét. "Trước mắt chúng tôi vận động các cháu trở lại trường, sau đó bằng nhiều nguồn sẽ hỗ trợ các cháu ăn học. Chúng tôi quyết không để cháu nào phải bỏ học giữa chừng" - ông Cường nói.
20-11 vẫn dạy học
Cô giáo Trường tiểu học số 2 Quảng Phước (xã Quảng Phước, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) cùng học trò trong ngày 20-11 - Ảnh: P.TUẦN
Ngày 20-11, chúng tôi trở lại hai ngôi trường tiểu học ngập sâu nhất và lâu nhất tỉnh tại xã Quảng Phước (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế). Ngôi trường vẫn còn ngổn ngang, bề bộn sau nhiều trận lũ liên tiếp từ đầu tháng 10 đến nay.
Cô Đoàn Thị Ngọc Lan, hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Quảng Phước, cho biết hai hôm nay khi nước vừa rút, sân trường ngập ngụa bùn non, thầy cô phải xắn tay cùng phụ huynh cào bùn non, giội nước sân trường nhưng vẫn chưa xong. Do trường ở vùng trũng, phía hạ lưu sông Bồ nên từ đầu tháng 10 đến nay trường nghỉ vì lụt, bão hơn 4 tuần. Đến bây giờ vẫn chưa dọn dẹp, khắc phục vệ sinh sân trường xong.
Theo cô Lan, vì ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt nên năm nay ngày 20-11 nhà trường vẫn dạy học bình thường để các em kịp chương trình. Cuối ngày
20-11, trường dành 1 tiết cuối để gặp mặt ngắn chúc mừng thầy cô, năm nay trường cũng xin phép không nhận hoa chúc mừng như mọi năm.
Các trường vùng lũ ở huyện Quảng Điền và Phong Điền vẫn dạy học bình thường để kịp chương trình, tạm gác lại những buổi tọa đàm, kỷ niệm 20-11 như mọi năm. Có nhiều trường chỉ dành cuối ngày 20-11 chúc mừng thầy cô, có trường tạm gác lại để khắc phục hậu quả bão lụt.
Thầy Hoàng Phước Viết, Trường tiểu học Phong Chương (huyện Phong Điền), tâm sự: "Năm nay trường bị thiệt hại nặng do các trận lũ tháng 10 vừa qua. Hôm nay 20-11 nhưng trường vẫn dạy học bình thường. Thầy cô được ban giám hiệu chúc mừng ngày 20-11 bằng những tấm thiệp điện tử.
Chương trình tọa đàm kỷ niệm cũng dời lại sang năm nhằm tiết kiệm kinh phí và thầy cô có thời gian tập trung dạy bù cho học sinh. Dù có chút buồn nhưng khi nhiều học trò cũ nhắn tin chúc mừng thì hạnh phúc lắm".
Có lẽ năm nay là ngày 20-11 buồn nhất của thầy cô Trường tiểu học Phú Thuận (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), khi trước đó 5 ngày cơn bão số 13 đã thổi tốc nguyên mái tôn dãy phòng học của trường. Đến ngày 20-11, trường chỉ mới cơ bản dọn dẹp xong những đống bêtông đổ nát và cây cối ngã rạp ở sân trường, chứ chưa thể lợp lại dãy phòng học cho các em.
PHƯỚC TUẦN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận