21/07/2017 10:20 GMT+7

Cha mẹ lơ là, con sa vào game online

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Vừa say sưa chơi game online, miệng rít phì phèo điếu thuốc, nữ game thủ Kim Chi (20 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết mình đã nghỉ học từ năm lớp 7 vì nghiện game.

Nữ game thủ Kim Chi vừa cày game, vừa hút thuốc lá - Ảnh: NGỌC HIỂN
Nữ game thủ Kim Chi vừa cày game, vừa hút thuốc lá - Ảnh: NGỌC HIỂN

Suốt tám năm nay, ngoài cô gái “Bos-pikachu”(tên của nhân vật trong game) thì Chi chẳng có ai là bạn. Mỗi khi buồn Chi chỉ biết ngủ, chơi game hoặc hút thuốc lá bởi cha mẹ buôn bán ở chợ trời suốt ngày, chẳng mấy quan tâm đến con cái.

Còn với cô gái N.T.M.H. (16 tuổi, quận 11, TP.HCM) thì game online là cả một bước trượt dài. Từ chỗ là một nữ sinh học lực giỏi, em rớt cả học lực và hạnh kiểm xuống trung bình và cuối cùng bị đuổi học. Cha mẹ ly hôn từ năm H. 3 tuổi, em lớn lên cùng bà nội và họa hoằn lắm mới thấy được mặt cha mẹ.

Từ năm lớp 6, H. bắt đầu sa vào game online Zing Speed. Ở nhà có sẵn máy tính, H. chơi xuyên đêm và từng vào top 5 cả nước trong số hàng ngàn người chơi game này. Thứ hạng cao trong game cũng tỉ lệ nghịch với bảng xếp loại hạnh kiểm, học lực năm lớp 8 của H. chỉ đạt trung bình.

Khi bà nội cắt Internet, H. ra tiệm chơi và trốn luôn ở tiệm. Đến độ tiệm chuyển đến địa điểm mới H. cũng đi theo và kết quả là bị đuổi học năm lớp 9. “Nhờ bị đuổi học mà em được cha mẹ quan tâm nhiều hơn, ít ra cũng gọi điện nhiều hơn trước” - H. nói.

Ông Đặng Lê Anh - phó viện trưởng Viện IVS (trường nội trú dành cho học sinh cá biệt và nghiện game) - cho biết mấu chốt của việc học sinh nghiện game online nằm ở nhận thức của phụ huynh. Theo ông, những bạn trẻ sa đà vào game online là hệ quả của một quá trình giáo dục sai lầm, các em thiếu tình thương, sự quan tâm của cha mẹ nên tìm đến game để thay thể.

“Game không đơn thuần là trò chơi giải trí mà còn mang tính sinh tử, hủy hoại nhân cách, tương lai của một đứa trẻ. Phụ huynh phải hiểu được tính chất độc hại của game để có sự quan tâm, hướng dẫn con tham gia những hoạt động thể chất ngay từ khi con bắt đầu manh nha chơi game online” - ông Anh nói.

Ông Nguyễn Đức Thọ, chánh thanh tra Sở TT-TT TP.HCM, cho biết Nhà nước đã có quy định về dán nhãn độ tuổi trên các đầu game để đảm bảo các em chơi những loại game phù hợp với độ tuổi, sự phát triển tâm sinh lý. Tuy nhiên, việc các em chơi game nào, có phù hợp với độ tuổi hay không lại rất khó kiểm soát và phụ thuộc vào sự trung thực của người chơi và nơi cung cấp dịch vụ Internet.

Do đó, ông Thọ khuyến cáo bên cạnh sự quản lý của Nhà nước, phụ huynh phải là người theo sát, uốn nắn con cái khi bắt đầu có dấu hiệu sa vào game online.

Hãy lắng lại đôi chút trong cuộc sống hối hả này để chia sẻ những khoảnh khắc, những câu chuyện mà bạn nghe thấy hoặc những điều cần góp ý. Xin mời bạn gửi những sẻ chia, cảm nhận của mình về địa chỉ: [email protected] hoặc [email protected]. Cảm ơn bạn!

 

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên