Minh họa: DAD |
Không ai sống thay ta một cuộc đời
ThS tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) cho biết như trên khi trao đổi về câu chuyện của những bạn trẻ "sống bế tắc vì bất lực trong đối thoại với bố mẹ", không được làm điều mình thích (vì trái ngược ý muốn của bố mẹ), không được sống với đam mê tuổi trẻ...
Phân tích tâm lý của những người làm bố, làm mẹ, ThS Vũ Cẩm Vân cho rằng ngày nay, mỗi cặp vợ chồng thường có rất ít con nên họ thường dồn hết tình cảm và có khuynh hướng bảo bọc, lo lắng thái quá cho con.
Chính tâm lý bất an của bố mẹ làm những đứa con lo lắng và thiếu tự tin trong cuộc sống, không dám đưa ra những quyết định của riêng mình.
"Có nhiều bạn trẻ chia sẻ với tôi rằng họ có ước mơ của riêng mình nhưng chần chừ, không dám quyết định làm gì vì sợ bố mẹ không vui và có đôi khi do được bảo bọc quá lâu nên bản thân họ cũng không tự tin vào chính mình", ThS Vũ Cẩm Vân nói.
Bên cạnh đó, theo ThS Đào Lê Hòa An, ủy viên ban chấp hành Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, đôi khi cha mẹ không dành đủ thời gian để lắng nghe, thấu hiểu con mình. Trong mắt bố mẹ, con luôn còn bé bỏng và cần được chở che.
"Bản thân cha mẹ luôn muốn điều tốt nhất cho con nhưng đó là cách bố mẹ nghĩ chứ không phải điều con mong. Độ chênh về tuổi tác, cách nhìn, suy nghĩ dẫn đến việc không bắt sóng được về mặt cảm xúc của nhau", ông An phân tích.
Theo ông An, "đặc quyền" của tuổi trẻ là phải được vấp ngã, trải nghiệm, vùng vẫy, dấn thân. Nếu bố mẹ lại tước đi cái quyền đó bằng cách bao bọc, lo đường đi nước bước, sợ này sợ kia thì sức đề kháng, bản lĩnh, tự tin, kinh nghiệm, tầm nhìn của tuổi trẻ sẽ bị hạn chế.
Mặt khác, đôi khi có độ chênh giữa ước mơ, hoài bão với năng lực vốn có của các bạn trẻ. Nếu ước mơ không thực tế, khó trở thành hiện thực thì rất khó tạo được sự tin tưởng ở bố mẹ, dẫn đến việc họ ngăn cản.
Ngoài ra, nếu chỉ thích thôi mà không làm gì thì cũng chẳng thuyết phục được ai.
"Khả năng trình bày, thuyết phục chưa có, cộng thêm việc không hiện thực hóa ước mơ thành hành động cụ thể, rõ ràng như tìm hiểu, dấn thân, tìm chỉ dẫn, học kinh nghiệm từ những người có chuyên môn... sẽ dễ dẫn đến kết quả bố mẹ hoài nghi ước mơ của con", ông An nói thêm.
Làm gì để bố mẹ tin?
Đầu tiên, theo các chuyên gia, cả con trẻ và bố mẹ nên đặt mình vào vị trí của nhau để có sự thấu hiểu, đồng cảm nhiều hơn trước khi đối thoại.
ThS Đào Lê Hòa An nhắn nhủ với quý phụ huynh rằng bố không thể đi theo con trong suốt cuộc đời nên việc trang bị cho con bản lĩnh, tự tin là rất quan trọng, đó là điều theo đứa con trong suốt cuộc đời.
"Nên tạo khoảng không gian vừa đủ để con vẫy vùng, cho con cơ hội, điều kiện để con có những bài học đầu đời, để con cứng cáp vững vàng hơn trong cuộc sống sau này", ông An nói.
Từ phía các bạn trẻ, ThS Vũ Cẩm Vân khuyên các bạn hãy cứ mạnh dạn chia sẻ với bố mẹ ý định của mình bằng những kế hoạch, mục tiêu cụ thể. Nếu bố mẹ phản đối thì hãy cứ kiên nhẫn thuyết phục bố mẹ nhiều lần.
"Có thể bắt đầu bằng những hành động nhỏ, dành thời gian để tìm hiểu, trò chuyện, học kinh nghiệm từ những người thành công trong lĩnh vực đó, sau đó lập kế hoạch, bước đi cụ thể. Hãy chia nhỏ mục tiêu và chứng minh với bố mẹ dần dần bằng cách hoàn thành những mục tiêu nhỏ trước", ThS Hòa An nói.
Nếu không thể nói chuyện trực tiếp thì có thể viết thư, viết nhật ký, nhắn tin hay tìm người trung gian trò chuyện cùng bố mẹ để hai bên có thể thấu hiểu nhau hơn.
Theo ThS Vân, có thể nhờ những người có chuyên môn như thầy cô giáo, người thành công trong lĩnh vực mình đam mê hay chuyên gia tâm lý trò chuyện để bố mẹ hiểu rằng khi chọn ngành học không phù hợp, không đam mê, không đủ khả năng thì con sẽ lo lắng, bế tắc, hoang mang, không có cơ hội phát triển đam mê của mình", bà Cẩm Vân chia sẻ.
"Đến độ tuổi nào đó, khi phải chọn lại vì tương lai của mình, bạn trẻ đừng nghĩ rằng hành động đó là quay lưng với gia đình. Quan trọng là phải quyết tâm, từng bước tạo niềm tin, chứng tỏ với bố mẹ để bố mẹ cho mình cơ hội dấn thân vì hoài bão.
Phải liên lạc thường xuyên, cập nhật tình hình hiện tại để bố mẹ hiểu mình đang làm gì, như thế nào. Như thế sẽ tốt hơn là phụ thuộc vào quyết định của bố mẹ vì bố mẹ không đi với mình cả đời", bà Vân đúc kết.
Xem loạt bài về cha mẹ và con cái trên Nhịp sống trẻ: - Chữ hiếu giờ đã... khác xưa? - Ở trên đời này chỉ có mẹ và con |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận