11/10/2011 16:00 GMT+7

Cha mẹ già nua, con có nhẫn nại yêu thương?

CON GÁI HƯ (TP.HCM)
CON GÁI HƯ (TP.HCM)

TTO - Lá thư gửi con trong bài viết Cộng đồng mạng thổn thức với "Thư gửi con" nhanh chóng tiếp tục lay động nhiều bạn đọc.

Mong mỏi con cái "bao dung", "nhẫn nại yêu thương" khi mẹ cha về già như đã chạm tới những góc tâm hồn rất riêng mà cũng rất chung của nhiều người.

Có bạn đọc viết ra lời cảm ơn công lao trời bể của mẹ cha trong nước mắt; có bạn đọc chỉ mong mau đến tết để về nhà, xin được nhận cái tát từ cha mẹ để vơi nỗi ray rứt từng thờ ơ, "nặng nhẹ" với đấng sinh thành...

Bạn có nghĩ việc "bao dung", "nhẫn nại yêu thương" mẹ cha khi về già là điều không dễ làm tròn, đặc biệt là khi bạn bắt đầu đảm nhiệm nhiều vai trò?

pEp3as1X.jpgPhóng to
Khi bố mẹ già nua, con có thể nhẫn nại yêu thương? - Ảnh minh họa: từ Internet

Bao lâu rồi con không ăn cơm cùng mẹ?

Như mọi năm, mẹ lại quên sinh nhật của con gái. Phần vì mẹ già, phần vì mẹ không quan trọng chuyện sinh nhật của con cái. Và cũng như mọi năm, con gái luôn khóc và nhớ đến mẹ trong ngày sinh nhật. Con gái biết mình hư khi không thể nói yêu mẹ. Con gái và mẹ luôn yêu nhau thật nhiều qua những gì tâm sự.

Con gái muốn đặt hoa cho mẹ để cảm ơn mẹ đã sinh ra con gái, đã yêu con gái, đã giận con gái và đã không bao giờ từ bỏ con gái.

Con gái muốn dẫn mẹ đến nhà hàng đặc biệt nhất Sài Gòn để chia sẻ vui buồn cùng mẹ, để khóc cùng mẹ rằng sao mẹ con mình yêu nhau nhiều thế mà chẳng thể trò chuyện cùng nhau.

Nhưng con gái cũng biết khi hoa được giao đến nhà thì mẹ sẽ luôn nghĩ rằng hoa giao nhầm địa chỉ hoặc mẹ sẽ sực nhớ ra sinh nhật con. Con gái không gọi điện mời mẹ đi nhà hàng vì biết chắc mẹ sẽ lại từ chối vì không thích những nơi phù hoa đó, mẹ chỉ thích cơm gia đình.

Con gái tự nhiên không muốn mẹ nhớ đến sinh nhật của con gái nữa. Con gái chỉ muốn mẹ cười vui và hạnh phúc với tình cảm gia đình. Và con gái đã gửi cho mẹ một món quà dưới danh nghĩa là quà được chuyển từ chị hai đến mẹ. Con gái có thể tưởng tượng được mẹ vui với quà phương xa thế nào.

Con gái nhớ đến mẹ trong buổi sáng cà phê một mình tại quán cà phê quen thuộc. Con gái luôn yêu mẹ nhất trên đời, yêu mẹ nhiều hơn cả đứa con trai nhỏ của con gái và hơn cả bản thân. Con gái không làm bất cứ điều gì khác biệt vì một ngày sinh nhật cũng như mọi ngày, năm nay con gái không muốn mẹ nhớ sinh nhật con gái.

Bao lâu rồi con gái không ăn cơm cùng mẹ? Bao lâu rồi con gái không có hạnh phúc ngồi yên, nhắm mắt cũng biết mẹ đang dầm trái ớt xanh bé xíu vào chén nước mắm?

Bao lâu rồi con gái không về nhà ngủ trưa với mẹ, xem chương trình truyền hình “Chiếc nón kỳ diệu” rồi chê hết người này đến người kia, và rồi nghe mẹ mắng: “Mày mà vừa lòng được ai, xấu như ma chê quỷ hờn mà cứ ong ỏng cái mồm chê người dưng”.

Bao lâu rồi con gái không đùa cợt vô duyên như ngày mai con chết thì mẹ cúng cơm con món gì để nghe mẹ mắng: “Vả vào mồm mày đi”?

Bao lâu rồi con gái không được nghe mẹ chê cái áo đầm ngắn, cái bộ mặt son phấn như... phù thủy của con gái?

Và đêm qua, con trai của con gái đã gửi cho con gái một thông điệp: “Bà ngoại nói bà ngoại xin lỗi mẹ, bà ngoại lại quên sinh nhật mẹ. Bà ngoại kêu mẹ chủ nhật về nhà nấu ăn”.

Ôi con gái làm sao mà không khóc hả mẹ?

Xin tát con để con bớt ray rứt!

Đọc xong , tôi đã hoàn toàn không thể làm được việc gì khác ngoài việc gọi điện thoại về hỏi thăm bố mẹ. Lá thư đã đánh trúng tim tôi. Trong thời gian vừa qua, bố mẹ dày công vun xới mọi thứ cho gia đình của mình. Đến khi tôi lập gia đình, hình như việc quan tâm đến bố mẹ ngày càng ít. Đúng là bố mẹ càng lớn tuổi càng khó tính, vậy mà tôi đã thờ ơ, thậm chí còn nói nặng nhẹ với bố mẹ.

Bây giờ sống xa nhà, tôi mới thật sự cảm nhận được sự bất hiếu của mình. Bố mẹ ơi, xin hãy tha thứ những lỗi lầm của con. Thật đúng tới bây giờ con mới hiểu câu: "Cha mẹ thương con bằng trời bằng bể. Con thương cha mẹ con kể từng ngày". Của ngon bố mẹ để dành cho con, của không ngon bố mẹ đã âm thầm ăn hết. Trời ơi, tại sao con vô tư quá không chịu để ý gì hết, cứ nghĩ tại bố mẹ thích ăn như vậy.

Bố mẹ ơi, nếu con viết ra đây những lỗi lầm của con thì có lẽ không bao giờ hết được. Xin bố mẹ hãy khoan dung cho con. Tết này con sẽ về thăm bố mẹ, bố mẹ hãy tát con thật mạnh và hãy tha lỗi cho con!

Xin mẹ giúp con

Tôi đang sống với mẹ già gần 90 tuổi. Tôi nhận ra sự gần nhau giữa tác giả và mẹ tôi, và những gì tác giả nói lên có lẽ cũng là nỗi niềm của mẹ tôi, dù mẹ tôi chưa một lần nói ra, dù tôi chưa đáp đền trọn vẹn.

Thật đắng lòng khi bố mẹ dùng từ "giúp" khi nói với con. Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều, giúp những phút sống còn lại trong yêu thương và nhẫn nại... Ôi, nghe sao mà xót xa, chạnh lòng.

Mẹ ơi, hãy cho con xin lại từ "giúp" đầy trắc ẩn đó, vì đó là bổn phận của chúng con mà! Rồi đây con sẽ lắng nghe mẹ nói, dù mẹ "nói đi nói lại" bao nhiêu lần, như ngày bé, con hỏi đi hỏi lại mẹ mãi một điều.

Con sẽ không la mẹ sao lại để lon cổ trầu đầy ứ mà lẽ ra phải tự hỏi sao mình không đổ cho mẹ.

Con sẽ bớt "làm bạn" cùng tivi, Internet... để dành thời gian "làm con" nhiều hơn. Con sẽ không trách mẹ sao đòi ăn hoài một thứ, sao đã bảo hôm nay ăn món này bây giờ lại đòi món khác.

Con cũng sẽ không giấu chai rượu thuốc để mẹ ghiền phải đi tìm.

Với mẹ giờ đây, cuộc sống chỉ cần sự sẻ chia, nụ cười, tình thương từ con cháu. Con sẽ cố gắng, xin mẹ hãy... giúp con!

Bạn có đang cảm thấy ray rứt khi lúc nào đó trong cuộc sống đã không đủ "bao dung", cảm thông với sự già nua của bố mẹ? Theo bạn, trong cuộc sống ngày nay, những người con có cần tự trang bị những kiến thức, kỹ năng để làm tròn chữ hiếu?

Mọi ý kiến vui lòng gửi theo công cụ dưới bài hoặc về email [email protected]. Vui lòng sử dụng font chữ có dấu tiếng Việt.

CON GÁI HƯ (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên