Để con trẻ học online hiệu quả, phụ huynh cần chuẩn bị tốt môi trường và trang thiết bị học tập - Ảnh: NH.HUY
Cha mẹ đừng ôm hết tất cả mọi việc và nghĩ rằng nếu không có mình thì con trẻ sẽ không thể học trực tuyến được. Chắc chắn phụ huynh vẫn lo lắng nhưng đừng biến lo lắng ấy thành căng thẳng để áp lực với con cái, người thân, ảnh hưởng đến công việc.
Thế giới mạng Internet có nhiều cám dỗ, dễ cuốn người học ra khỏi dự định ban đầu khi mở máy. Do đó, phụ huynh cần rèn cho học sinh khả năng tự lập, tự kiểm soát bản thân, thực hiện đúng tiến độ học tập, giải trí đã xác lập, không táy máy tay chân.
TS TRẦN ĐỨC THUẬN
- ThS Nguyễn Thanh Huân (Trung tâm đào tạo Kỹ năng sống Ý Tưởng Việt):
Chuẩn bị nguồn lực và khai thác hiệu quả
Đừng quên rằng nguồn lực quan trọng để đồng hành cùng chúng ta có thể là ông, bà, người thân ở cùng trẻ hoặc người hàng xóm thân cận mà phụ huynh có thể nhờ cậy được.
Trong trường hợp không có các nguồn lực này hoặc trẻ còn quá nhỏ, dưới 12 tuổi, phụ huynh không nên để trẻ ở một mình nếu không có sự quan sát của người lớn và cần có kế hoạch thay thế giờ làm việc, nơi làm việc để đảm bảo rằng trẻ luôn an toàn và có sự để mắt của người lớn xung quanh.
Việc dành thời gian hướng dẫn trước cho con thuần thục rất cần thiết. Tùy thuộc vào độ tuổi, trình độ nhận thức, phương tiện sẵn có của gia đình mà phụ huynh tiến hành việc "đào tạo" sao cho phù hợp nhất. Làm mẫu và cho trẻ hoặc người hỗ trợ thao tác đi thao tác lại nhiều lần đến khi nhuần nhuyễn.
Việc này cần tiến hành và chuẩn bị sớm trước khi phụ huynh đi làm. Đừng để mọi chuyện quá gấp gáp khi người trong cuộc chưa được chuẩn bị tâm thế, chưa có kỹ năng học trực tuyến sẽ khiến quá trình "chuyển giao" trở thành áp lực và bài xích, tạo cảm giác không an tâm, lo lắng cho trẻ.
Ngoài ra, người lớn chúng ta cần phải kiểm tra kỹ và bố trí gọn gàng về đường điện, hướng dẫn trẻ không tự ý tác động vào ổ điện, luôn báo với người lớn khi phát hiện có bất thường. Không mang nước, đồ ăn vào phòng học, tránh tình trạng nước đổ hoặc không tập trung trong quá trình học.
Đương nhiên phải kiểm tra, xem xét thường xuyên và không chủ quan dù có tốn thời gian đi nữa.
Cha mẹ cũng cần lên thời khóa biểu cho con và nhắc nhở con qua camera... sao cho hiệu quả. Dù chúng ta đi làm nhưng cũng đừng cắt đi kênh hỗ trợ cho trẻ và người hỗ trợ, hãy thường xuyên gọi điện thoại nhắc nhở, hướng dẫn và động viên cùng nhau. Những kênh hỗ trợ này có thể là giáo viên, người hỗ trợ kỹ thuật của các phần mềm học trực tuyến...
Hãy ghi rõ phương thức liên lạc và cách yêu cầu sự hỗ trợ: khi nào, báo ai, việc gì. Từ những kênh hỗ trợ này sẽ giúp cho trẻ và người hỗ trợ (nếu có) tự tin hơn khi chúng ta đi làm. Phụ huynh cũng có thể trang bị camera tại nhà để có thể kịp thời nhắc nhở, quan sát trẻ.
- TS Trần Đức Thuận (phó trưởng khoa giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm TP.HCM):
Rèn khả năng kiểm soát bản thân
Học tập trực tuyến là một xu hướng đáp ứng được nhu cầu học tập suốt đời của nhiều người. Để học tập trực tuyến đạt hiệu quả, nhất là khi người lớn đi làm, học sinh cần chăm chỉ, trách nhiệm, có năng lực tự chủ và tự học.
Hiện nay, các ứng dụng học tập trực tuyến được giáo viên phổ thông ưa chuộng như: Zoom, Google Meets, MS Teams đều có video clip hướng dẫn chi tiết trên YouTube. Phụ huynh và học sinh nên xem hướng dẫn và thực hành nhiều lần để thành thạo các thao tác, kỹ thuật.
Trẻ bây giờ rất thông minh, giỏi bắt chước, nên phụ huynh có thể tin tưởng trẻ tự thực hiện được các thao tác kỹ thuật. Nếu có điều kiện, phụ huynh nên đầu tư cơ sở vật chất cho trẻ.
Chẳng hạn, thiết bị mới với pin còn tốt sẽ an toàn hơn, giảm nguy cơ cháy nổ do vừa sử dụng vừa cắm sạc, thiết bị có màn hình cảm ứng sẽ dễ sử dụng hơn nhưng giá thành thiết bị cũng cao hơn.
Một đường truyền cáp quang phát WiFi có thể ổn định, tiết kiệm hơn sử dụng các gói 4G trên điện thoại khi trẻ phải thường xuyên mở webcam, xem video clip; nhưng khi cúp điện thì điện thoại có đăng ký 4G phù hợp hơn.
Gia đình nên chuẩn bị chu đáo cho con các điều kiện thiết bị, đường truyền phù hợp đảm bảo kết nối tốt với các nền tảng dạy học trực tuyến.
Giảm kỳ vọng, tăng chủ động
Việc học trực tuyến sẽ tăng cường tính chủ động, tự học ở người học trong quá trình khám phá kiến thức nếu trẻ có sự tập trung và tự lập, kiểm soát bản thân hiệu quả. Vì thế, thay vì tập trung vào việc trẻ có hoàn thành các nhiệm vụ, trẻ có phát biểu tích cực hay không thì phụ huynh cần dành thời gian để hướng dẫn trẻ cách tự học, tự chuẩn bị bài vở trước giờ học.
Phụ huynh cũng có thể dành thời gian buổi tối để hướng dẫn con hoặc cùng con tham gia vào các dữ liệu học tập khác từ clip, game được chia sẻ rộng rãi nhằm khơi gợi sự thích thú học tập của trẻ, để trẻ có "nếp" học tập tốt. Phụ huynh có thể treo phần thưởng hoặc đánh giá tích cực để giúp trẻ duy trì thói quen học tập tốt.
Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phụ huynh yên tâm hơn trong khi đi làm mà con ở nhà học trực tuyến, nhưng quan trọng nhất vẫn là phụ huynh cần chủ động để được tư vấn những khó khăn nhất định nhằm hướng đến sự hợp tác hiệu quả.
ThS Nguyễn Thanh Huân
- TS Lê Văn Út (trưởng phòng khoa học và công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng):
Không mang căng thẳng công việc về nhà
Khi phụ huynh đi làm, để con học trực tuyến hiệu quả ở nhà, phụ huynh cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp.
Thứ nhất, phụ huynh phải giải tỏa tâm lý cho học sinh để các con hiểu việc học trực tuyến là một vấn đề bình thường trong tình hình mới. Từ đó các con sẽ yên tâm hơn, tập trung tốt vào việc học.
Thứ hai, ngoài tìm hiểu hướng dẫn học trực tuyến từ nhà trường để đồng hành cùng con, phụ huynh không nên để những căng thẳng (nếu có) trong công việc và cuộc sống ảnh hưởng đến các con vì việc này dễ làm cho trẻ khó tập trung vào việc học, đặc biệt là việc học trực tuyến.
Một học sinh lớp 8 huyện Bình Chánh, TP.HCM học trực tuyến trên điện thoại. Ba em luôn theo dõi để xử lý sự cố rớt sóng - Ảnh: TỰ TRUNG
Phụ huynh cũng nên lưu ý các giải pháp ngăn ngừa việc con có thể bị sa đà vào các hoạt động giải trí từ các thiết bị công nghệ khiến con mất tập trung trong học tập.
Để khuyến khích con tự giác học tập tốt khi cha mẹ vắng nhà, phụ huynh cũng cần động viên theo kiểu khen thưởng hoặc phạt và phải lấy khen thưởng làm "nòng cốt". Cách tiếp cận phạt của phụ huynh cần có sự khuyến khích ở trong đó.
Ví dụ, nếu học tốt và ngoan thì sẽ được thưởng, ngược lại nếu học không tốt thì sẽ không được thưởng chứ không nên phạt các con. Từ đó, các con sẽ ít bị tâm lý, chủ động và cố gắng học tập để nhận phần thưởng hơn là chịu các hình phạt khiến tâm lý trẻ chán học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận