"Từ ngày con lên lớp 8, tính tình cháu thay đổi hoàn toàn, lúc lầm lỳ, có khi không thèm trả lời khi ba mẹ hỏi.
Ba mẹ vào phòng mà không báo trước là bị vặn vẹo ngay, không khí gia đình nhiều lúc khá ngột ngạt" - chị Thanh Hoàng (quận 6, TP.HCM) kể lý do tìm đến lớp học Giúp con thành công với hy vọng cải thiện tình hình khi con "nổi loạn".
Học cách hiểu con
Lớp học Giúp con thành công chủ đề "Khi con nổi loạn" có đến hơn 50 cha mẹ có con đang độ tuổi ẩm ương.
Phụ huynh được chia thành từng nhóm khoảng năm người ngồi lại cùng chia sẻ các tình huống gia đình đang gặp phải khi con "nổi loạn". Ai cũng chia sẻ để những người còn lại cùng góp ý, gợi mở cách ứng xử cho nhau.
Anh Tuấn (ở Bến Tre) có con gái đang học lớp 9 kể con học đòi theo bạn bè, thích dùng hàng hiệu đắt tiền, không chịu dọn phòng, đến bàn học cũng tràn lan sách vở.
Ba mẹ nhắc thì con cáu, phản ứng lại và đề nghị ba mẹ không được vào phòng con. Có khi con còn chỉnh luôn cách nói của ba mẹ.
Còn chị Hằng (ở Tây Ninh) có con học lớp 8 học giỏi nhưng hơi ngạo mạn, xem thường bạn bè và những người xung quanh. Mức độ gắn kết của con trong gia đình cũng hạn chế hơn trước.
"Từ lúc con lên lớp 8 cứ dần xa cha mẹ. Cuối tuần cả nhà thường cùng nhau leo núi Bà Đen hoặc khám phá ngoại ô để tăng tính gắn kết nhưng nhiều lúc vẫn xảy ra mâu thuẫn giữa con với ba mẹ" - chị Hằng cho hay.
Mỗi nhà mỗi cảnh. Nhiều phụ huynh lo lắng chuyện con tập tành xài hàng hiệu, hút thuốc, chơi game, muốn chứng tỏ mình. Rồi họ chia sẻ nhau cách mình đang làm để gần con, uốn nắn con.
Đan xen với phần trao đổi từ những nghiên cứu thực tế, lớp học còn có những trò chơi, cùng nhau thiết kế bảng thông tin gia đình, giúp cha mẹ và con cái có thể bày tỏ cảm xúc thông qua những mặt cười, buồn, để các thành viên trong nhà hiểu tâm trạng của nhau từng ngày.
Hướng dẫn lớp học, anh Lương Dũng Nhân cho hay lớp học không nói quá nhiều về các con mà là dịp để ba mẹ tìm hiểu lại chính mình.
Thực tế là nhiều suy nghĩ, cảm xúc hay hành động của con xuất phát từ ảnh hưởng của ba mẹ. "Liên tục thay đổi chính mình tương ứng với hành trình lớn lên của con, ba mẹ mới có thể giúp con thay đổi một cách bền vững" - anh Dũng Nhân nói.
Theo anh Dũng Nhân, từ một góc độ khác, cha mẹ cần nhìn các hiện tượng của con một cách công bằng và bao dung, tránh tiêu cực hóa, bi kịch hóa vấn đề vì mọi chuyện đều có thể cải thiện với tâm trí tích cực, trái tim yêu thương và hành động kiên nhẫn.
"Có thể con đã trải qua thời gian dài trong những hoàn cảnh khiến con hình thành những vấn đề, chúng ta không thể bắt con thay đổi một sớm một chiều được" - anh Nhân gợi mở.
Cả học trực tuyến
Có khá nhiều khóa học miễn phí dành cho phụ huynh trên mạng xã hội, diễn giả sẽ tương tác với phụ huynh trực tuyến thường vào các ngày cuối tuần. Đa phần những lớp này hướng tới nhóm phụ huynh có con đang ở độ tuổi dễ "nổi loạn".
Thường bắt đầu từ những clip quảng bá ngắn với các tình huống con ương bướng, không nghe lời, nghiện game online, hỗn xược, vô cảm, vô trách nhiệm, thậm chí cãi hay đánh lại cha mẹ... như cách mở đầu cho các lớp này.
Mỗi khóa miễn phí cũng gọn chỉ từ 1-3 buổi. Sau khi nghe diễn giả trao đổi, mổ xẻ từ các tình huống, phụ huynh cũng có thể rút tỉa thêm cho mình kỹ năng ứng xử để đồng hành với con trong lứa tuổi bị cho là giai đoạn hơi khó dạy.
Nhưng thường diễn giả cũng sẽ mời chào các khóa chuyên sâu hơn và phải đóng tiền. Tuy nhiên, kinh nghiệm của kha khá ông bố bà mẹ là người tham gia nên tỉnh táo trước lời mời của những khóa chuyên sâu ấy vì khá tốn kém.
Chị Thanh Thủy (quận 7, TP.HCM) chia sẻ con trai học lớp 10 đôi lúc có hành vi, lời nói làm chị buồn lòng. Chính chị cũng nhận ra có khi đang áp đặt con phải thế này thế kia theo ý mẹ nên cháu mới phản ứng lại.
"Tôi nhận ra điều này nhờ từng tham gia khóa học miễn phí trên mạng xã hội. Tôi dần có suy nghĩ phải thay đổi bản thân, thích nghi với con, hành xử dung hòa nhất để tránh những xung đột trước đó" - chị Thanh Thủy chia sẻ.
Rèn cho con làm chủ cơn giận
TS Nguyễn Thành Nhân (Hệ thống giáo dục ATY) chia sẻ khi gặp thái độ nóng nảy, cha mẹ cần kiểm soát cảm xúc và làm gương cho con.
Sẽ có nhiều cách để làm bạn cùng con: dạy con nhận biết dấu hiệu cảnh báo, rèn cho con kỹ năng làm chủ cơn giận, dạy con bày tỏ cảm xúc, khen thưởng con khi có hành vi đúng mực, giám sát các chương trình hay trò chơi điện tử mà con tiếp xúc, cả áp dụng hình phạt nhẹ nếu con tiếp tục thái độ nóng nảy.
Cùng chia sẻ, anh Nhân nói khi con tỏ thái độ không nghe lời, cha mẹ cần xác định rõ kỳ vọng về sự vâng lời, đưa ra yêu cầu, áp dụng hậu quả nếu con vẫn không tuân thủ để rèn cho trẻ biết tôn trọng.
Đồng thời theo dõi, động viên khi con có tiến bộ nhưng cũng kịp thời xem xét và điều chỉnh phương pháp của cha mẹ.
Còn với thái độ thua cuộc xấu tính, cha mẹ cần chỉ ra ngay khi con có thái độ xấu khi thua cuộc, nhấn mạnh với con tinh thần thể thao và công bằng, dạy con cách khuyến khích và động viên người khác.
Mặt khác, hãy giúp con biết cách chấp nhận thất bại, có thể bày trò chơi gia đình để luyện tập, theo dõi và động viên khi con tiến bộ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận