09/06/2024 05:30 GMT+7

Cha mẹ có con tự kỷ: Chấp nhận để buông khổ

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Vân Anh, từng khổ sở vì có con tự kỷ, và nhiều người mẹ đồng cảnh ngộ cuối cùng đã nhận ra cần chấp nhận con mình đặc biệt, không đòi con giống các bạn ngoài kia thì sẽ "buông được khổ".

Nem (Hà Đình Chí) - trẻ tự kỷ tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh: Tòhe

Nem (Hà Đình Chí) - trẻ tự kỷ tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh: Tòhe

Hai cuộc trò chuyện trực tiếp và online, trong nước và xuyên biên giới, giữa các mẹ có con tự kỷ, người tự kỷ và các chuyên gia tâm lý do Tòhe tổ chức nhân triển lãm Chèo méo vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ở đó, tiếng nói người trong cuộc được cất lên, đầy yêu thương, chia sẻ và cảm thông.

Cha mẹ ổn, con cái mới ổn

Là một thạc sĩ tâm lý, chị Nguyễn Thị Vân Anh đã quá ngỡ ngàng khi nhận tin bác sĩ chẩn đoán con mình có hội chứng tự kỷ khi con 3 tuổi.

Thời điểm nhận tin hơn chục năm trước, dù là một thạc sĩ tâm lý, chị cũng không có nhiều hiểu biết về người tự kỷ, xung quanh cũng không có nhiều thông tin, nên rất vật vã, khổ tâm.

Gần như dành hết thời gian, tâm trí, sức lực cho con, nhưng nhiều khi chị rơi vào cảm giác bất lực, mất hết niềm tin vào bản thân, vào các thầy cô, vào các trung tâm hỗ trợ, mất cả niềm tin vào sự tiến bộ của con mình.

Nhưng một ngày sực tỉnh. Chị nhận ra phải chấp nhận con mình đặc biệt, phải giữ niềm tin con sẽ ổn thì mới bình tâm hơn, mới "buông được khổ" trong hành trình cùng con.

Chị Nguyễn Lan Phương - mẹ của Nem, nghệ sĩ tự kỷ có triển lãm cá nhân đầu tiên ở Việt Nam - cũng từng rất buồn khi con chị được chẩn đoán tự kỷ năm 2006.

Kể lại chuyện mình năm xưa, chị Phương ước có sự thay đổi trong nhận thức về người tự kỷ để không còn những ông bố bà mẹ như vợ chồng chị khi nhận tin con tự kỷ. Bản thân chị đã phải đọc rất nhiều tài liệu từ nước ngoài, các lý thuyết khác nhau để có thể có phương pháp đúng, phù hợp hỗ trợ con.

Về phần mình, chị cũng tự tìm đến các bà mẹ cùng cảnh ngộ trong Mạng lưới tự kỷ Việt Nam để san sẻ, nâng đỡ nhau, để giữ tinh thần mạnh mẽ, không rơi vào bi quan, tiêu cực.

Chị cho biết nuôi con tự kỷ rất vất vả, nên chị thấy ở Việt Nam nhiều cha mẹ cảm thấy tự thương hại mình. Tuy nhiên khi sang Bỉ sống cùng Nem, chị đã thấy những bố mẹ sống với con tự kỷ nặng, cuộc sống tất nhiên khó khăn, nhưng họ không hề bị tiêu cực.

Chị mong rằng rồi đây cái nhìn của cha mẹ có con tự kỷ sẽ thay đổi, sẽ không coi quá trình đồng hành với con là vất vả, khổ sở, để gia đình luôn là chốn bình yên, hạnh phúc cho tất cả thành viên.

TS Nguyễn Thị Chính (Viện Tâm lý, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) từng làm việc với chuyên gia Pháp trong một dự án hỗ trợ cha mẹ có trẻ tự kỷ ở Việt Nam cho biết vấn đề sức khỏe tâm thần của cha mẹ trẻ tự kỷ chưa được quan tâm giải quyết đúng mực.

Nhưng thực ra điều này rất cần thiết bởi cha mẹ ổn thì các con mới ổn. Nếu cha mẹ căng thẳng lo âu, sẽ rất khó cho con mình tiến bộ. Điều này không chỉ đúng với các cha mẹ có con tự kỷ.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh từng cảm thấy khổ sở khi biết con tự kỷ, nay chị mở trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ - Ảnh: T.ĐIỂU

Chị Nguyễn Thị Vân Anh từng cảm thấy khổ sở khi biết con tự kỷ, nay chị mở trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ - Ảnh: T.ĐIỂU

Hiểu đúng về tự kỷ, chấp nhận con mình đặc biệt

Theo các chuyên gia và kinh nghiệm của các mẹ có con tự kỷ, một trong những điều khiến cha mẹ ổn để nuôi con tự kỷ ổn đó là cha mẹ phải hiểu đúng về tự kỷ, chấp nhận con mình đặc biệt.

Là một kiến trúc sư, tiến sĩ, giảng viên Trường đại học Xây dựng Hà Nội, chị Lan Phương đọc rất nhiều tài liệu nước ngoài về tự kỷ. Một lý thuyết chị đọc được cho biết bộ não của người tự kỷ là bộ não khác người không tự kỷ.

Thế giới có xu hướng công nhận sự đa dạng thần kinh, giống như cuộc sống cần đa dạng giống loài. Tự kỷ không phải là một bệnh cần can thiệp y tế.

Thời gian đầu, chị Lan Phương cũng khủng hoảng và tìm mọi cách để con "bình thường". Nhưng hiện nay chị "đang học cách chấp nhận con là con như thế đó".

Cho nên, theo chị, cha mẹ rất cần nâng cao kiến thức, hiểu biết về tự kỷ thì mới có thể giúp đỡ được con mình. Đồng thời, nhận thức về người tự kỷ trong xã hội cần được nâng cao để cuộc sống của người tự kỷ và gia đình họ được dễ dàng hơn.

Harvey Range đang làm việc cho một quỹ từ thiện, từng đến những trường học ở Anh để nói chuyện cho mọi người hiểu thế nào là tự kỷ, cũng như chia sẻ cảm giác của một người tự kỷ sống giữa những người không tự kỷ...

Harvey cho biết anh được chẩn đoán tự kỷ năm 3 tuổi. Lúc ấy ở Anh cũng không có nhiều người hiểu đúng về tự kỷ. Lớn hơn, Harvey biết giải thích về bản thân cho cha mẹ tốt hơn, khiến cha mẹ hiểu mình hơn.

Khi đến trường, thầy cô, bạn bè không biết đối xử với anh thế nào. Anh không có bạn bè, cảm thấy lạc lõng, thậm chí bị bạn bè bắt nạt.

Sau năm 13 tuổi, tình trạng này mới chấm dứt với Harvey, khi xã hội ở Anh lúc đó đã có những hiểu biết tốt hơn về người tự kỷ.

Vì vậy, với công việc hiện tại của mình, Harvey ước mọi người hiểu rõ hơn về tự kỷ, để những người tự kỷ khác không phải có những trải nghiệm ấu thơ như anh đã từng.

Gần 40 tuổi, một giảng viên đại học mới biết mình thuộc phổ tự kỷ

Chị Trịnh Phương Thảo, một giảng viên đại học 40 tuổi, cho biết chị mới được chẩn đoán thuộc phổ tự kỷ gần đây. Việc được chẩn đoán tự kỷ giúp chị mở ra những hiểu biết mới về bản thân, lý giải cách thức não bộ mình hoạt động khác với phần lớn những người khác.

Điều này đã giúp chị "nhẹ gánh" rất nhiều những trăn trở, hoài nghi, hiểu lầm và tự trách bản thân mình trước kia, giúp mình biết thương và hiểu mình hơn.

Tế bào gốc: phương pháp mới trong can thiệp cho trẻ tự kỷTế bào gốc: phương pháp mới trong can thiệp cho trẻ tự kỷ

Ngày 4-5, Hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện European Wellness phối hợp cùng Mạng lưới tự kỷ Việt Nam đồng tổ chức hội thảo “Phương pháp mới trong can thiệp cho trẻ tự kỷ” nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh và chuyên gia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên