08/11/2024 08:28 GMT+7

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ!

Nhiều bạn trẻ sống cảnh mồ côi cha mẹ, bị bỏ rơi, nương náu cửa chùa... có mặt trong lễ Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ tại Phú Yên sáng 8-11.

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 1.

Bạn Kpắ Hờ Rim (bên trái) và bạn Ksơr Hờ Hơn mặc trang phục truyền thống của dân tộc Ê Đê đến nhận học bổng - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sáng 8-11, tại TP Tuy Hòa (Phú Yên), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh Đoàn Phú Yên tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 180 tân sinh viên - học sinh - giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình còn đặc biệt trao 100 suất học bổng dành cho học sinh THCS và THPT mồ côi, miền núi và 20 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Phú Yên.

Tham dự lễ trao học bổng có bà Đinh Thị Thu Thanh - trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; ông Đỗ Thái Phong - phó chủ tịch HĐND tỉnh; bà Hồ Thị Nguyên Thảo - phó chủ tịch UBND tỉnh; ông Hồ Hồng Nam - phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên; ông Huỳnh Lữ Tân - bí thư Thành ủy Tuy Hòa; ông Trần Khắc Lễ - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh; ông Nguyễn Văn Tá - chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Yên.

Về phía đơn vị tài trợ có ông Nguyễn Sỹ Phục - phó giám đốc Quản lý vận hành hầm Đèo Cả; ông Dương Minh Danh - Công ty CP Đầu tư phát triển công nghiệp Sài Gòn - IDC.

Về phía ban tổ chức có nhà báo Nguyễn Phan - ủy viên ban biên tập, tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ; nhà báo Trương Bảo Châu - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ; anh Lương Minh Tùng - bí thư Tỉnh Đoàn Phú Yên; anh Võ Duy Kha - phó bí thư Tỉnh Đoàn Phú Yên.

Chị cả của 50 trẻ mồ côi trong chùa: Cả đêm không ngủ vì mừng có học bổng 

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 2.

Em Hồ Nhi Quyên - lớp 12 Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, thị xã Sông Cầu - mong muốn trở thành sư trụ trì chùa, nuôi dạy tiếp các em nhỏ mồ côi - Ảnh: MINH CHIẾN

Trong bộ đồ lam Phật tử, Hồ Nhi Quyên, học sinh lớp 12 Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, thị xã Sông Cầu, háo hức chờ đợi chương trình diễn ra. Quyên bị cha mẹ bỏ rơi lúc 2 tuổi trước cổng chùa Hải Sơn, may mắn em được sư trụ trì nhận nuôi từ đó đến giờ.

"Mình là chị cả của 50 em khác đang được nuôi tại chùa. Biết tin được nhận học bổng, mình vui mà cả đêm không ngủ được. Mình hy vọng rằng sau này sẽ học tiếp cao học Phật giáo và làm trụ trì tại chùa để nuôi dạy tiếp các em", Quyên nói.

Chưa nguôi nỗi đau mất cha, lại khóc mẹ qua đời vì COVID-19, nay là tân sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 3.

Tân sinh viên Lê Quang Đạt trao đổi tại chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cả khán phòng như trầm lắng khi đoạn clip của hai tân sinh viên Lê Quang Đạt - Trường đại học Bách khoa TP.HCM và Hồ Thị Bích Thuận - Trường đại học Phú Yên - được trình chiếu. Toàn bộ ánh mắt đổ dồn về phía màn hình, chăm chú dõi theo, khi ở đó rất nhiều người nhìn thấy hoàn cảnh tương tự của mình, ngoài sự xúc động, cảm thương còn có cả sự khâm phục cho ý chí vươn lên của những cô, cậu tân sinh viên.

"Chàng trai Bách khoa" Quang Đạt chưa nguôi nỗi đau mất cha, bạn lại tiếp tục mất mẹ ngay cao điểm dịch COVID-19 khi toàn xã hội đang giãn cách, không được vào TP.HCM chăm sóc mẹ. Ngày hai anh em Đạt đón mẹ trở về cũng là những ngày ngắn ngủi cuối đời của bà. 

Chỗ dựa cuối cùng của Đạt cũng mất đi, hai anh em Đạt thành trẻ mồ côi. Thương các cháu, cậu của hai em đón về nhà chăm sóc, nhưng người cậu cũng có gia đình, cuộc sống riêng phải lo, chỉ hỗ trợ Đạt được phần nào và nhất là khoảng trống tình thương khó có thể lấp đầy. 

Ngày Đạt đậu đại học, cậu vừa mừng vừa lo, mừng vì di nguyện của người chị gái khi muốn con học thành tài đã sắp thành, lo vì không biết xoay xở đâu đủ kinh phí để nuôi cháu.

Dù có thiếu đi hơi ấm tình thân, Đạt lại luôn mạnh mẽ, nỗ lực và sở hữu nhiều thành tích học tập đáng nể. 

Chặng đường 4 năm đại học phía trước với Đạt vẫn còn rất dài, nhưng cậu tân sinh viên lại tự động viên bản thân rằng dù cuộc sống tuy khó khăn vẫn sẽ luôn có cách vượt qua.

Đạt phải học vì không muốn trở thành trẻ mồ côi lần nữa.

Những khó khăn đã vượt qua khiến Đạt trở nên điềm tĩnh. Nói về động lực nào để vượt qua nghịch cảnh, tân sinh viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM Lê Quang Đạt nói: "Nếu cứ lo về hoàn cảnh của mình mãi thì không thể nào tiến lên được. Tôi cố gắng và không suy nghĩ nhiều đến hoàn cảnh của mình".

Đạt cho biết khi người thân hay tin bạn trúng tuyển vào Trường đại học Bách khoa TP.HCM, mỗi người đã chắt bóp cho cháu trai ít tiền làm lộ phí xa quê.

"Tôi rất biết ơn mọi người đã giúp đỡ tôi rất nhiều và tôi hứa sẽ cố gắng trong học tập để lo cho tương lai mình" - Đạt nói.

Cảnh đời hai tân sinh viên Lê Quang Đạt và Hồ Thị Bích Thuận - Thực hiện: MINH CHIẾN - NHÃ CHÂN - CHÍ KIÊN - DIỄM HƯỜNG - TRINH TRÀ

"Ở đâu có mẹ nuôi tôi, ở đó là nhà, tôi không muốn mồ côi lần nữa"

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 4.

Tân sinh viên Hồ Thị Bích Thuận - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cô sinh viên Bích Thuận đang sống cùng mẹ, nhưng Thuận và anh trai đều không phải là con ruột do bà sinh ra. Điều này được vợ chồng bà Ngô Thị Nở (64 tuổi) giấu kín nhiều năm vì sợ các con còn bé không hiểu chuyện lại tủi thân.

Vào năm 2006, bà Nở khi đó làm nghề trông trẻ, lúc này một người phụ nữ bế hai đứa trẻ một trai, một gái đến nhờ bà trông hộ. Vợ chồng bà đợi nhiều ngày mà người phụ nữ này không quay lại đón. Nghĩ là cái duyên, vợ chồng bà nhận nuôi hai đứa trẻ từ đó đến giờ.

Dù là con nuôi nhưng vợ chồng bà thương hai anh em Thuận như con ruột. Cuộc sống lúc này không mấy dư dả nhưng với Thuận đây là chuỗi ngày hạnh phúc. Nhưng biến cố ập đến khi ba nuôi bị bệnh hiểm nghèo vào đúng dịp Tết năm nay và mất sau 6 tháng. Mẹ nuôi của Thuận hoàn toàn suy sụp vì ông là trụ cột, chỗ dựa cho gia đình.

Cũng chính vì điều này, những khoản học phí đại học của Thuận như quá sức với mẹ nuôi, khi bà đã lớn tuổi không làm ra tiền, nay ốm mai đau.

Đôi lúc thấy bế tắc, Thuận muốn dừng việc học để ổn định hơn. Thuận sợ một ngày nào đó chỗ dựa cuối cùng là mẹ cũng rời bỏ mình mà đi, hai anh em Thuận thành trẻ mồ côi một lần nữa.

Nhưng mỗi lần đứng trước di ảnh ba, hay nghe tiếng ho khan của mẹ, Thuận lại tự nhủ phải bước tiếp. Với Thuận, việc cố gắng học tập không chỉ thực hiện ước mơ mà còn là cách để trả ơn cho tình thương, sự kỳ vọng của cha mẹ nuôi.

Tại sân khấu, Hồ Thị Bích Thuận nghẹn ngào chia sẻ động lực của mình là mẹ nuôi. Với cô, ở đâu có mẹ nơi đó chính là nhà.

Khi được MC hỏi về điều ước, Thuận thầm ước rằng: "Tôi ước ba nuôi tôi có thể sống lại, và mẹ nuôi tôi có thể khỏe mạnh như lúc trẻ".

Đến đoạn đọc dòng chia sẻ của mẹ Thuận, cả hội trường như lắng đọng.

"Tôi nhớ như in là vào tháng 8-2006, tôi có nhận giữ trẻ thì một người phụ nữ đi xe ôm và nói giọng không phải người địa phương đến, trên tay ôm theo một bé gái 2 tháng tuổi và một bé trai khoảng 22 tháng tuổi, nhờ tôi chăm. Lúc đó họ cũng không để lại số điện thoại hay thông tin gì. Chờ đến chiều tối, 2 đứa nhỏ càng lúc càng khóc lớn vì nhớ mẹ thì chồng tôi đi mua hai lon sữa về cho bú. Chúng tôi ráng đợi đến hôm sau, thậm chí cả tuần sau, nhưng người phụ nữ này không quay lại".

Bất chợt, bà Nở xuất hiện trên sân khấu. Khi lắng nghe những lời tâm sự của con gái, bà đầy xúc động và tự hào."Tôi rất hạnh phúc khi nghe những lời nói của con. Tôi mừng lắm. Con được ghi nhận học giỏi, xứng đáng với công dưỡng dục", bà Nở xúc động.

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 5.

Bà Ngô Thị Nở nghẹn ngào xúc động khi nghe được chia sẻ của con gái mình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Để ghi nhận nỗ lực vượt khó của Hồ Thị Bích Thuận - sinh viên ngành công nghệ thông tin, Trường đại học Phú Yên và Lê Quang Đạt - sinh viên ngành kỹ thuật ô tô, Trường đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, ban tổ chức chương trình học bổng Tiếp sức đến trường quyết định trao tặng 2 em suất học bổng đặc biệt 50 triệu đồng trong suốt 4 năm học.

Đồng thời, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam sẽ trao tặng 2 laptop dành cho 2 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn còn thiếu thiết bị học tập cho Nguyễn Quốc Huy - tân sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM và Lê Kiều Hân - tân sinh viên Trường đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 6.

Các tân sinh viên nhận học bổng suất đặc biệt và các sinh viên nhận laptop trong chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 7.

Các sinh viên xúc động khi xem video và nghe chia sẻ của hai bạn tân sinh viên - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 8.

Khó khăn của Nguyễn Quang Đạt và Hồ Thị Bích Thuận khiến nhiều người đồng cảm - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tranh thủ cắt cỏ cho bò trước, mặc áo người đồng bào đưa con đi nhận học bổng

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 9.

Hai cha con ông Trần Trung Trinh (55 tuổi, trú xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) và em Y Quốc (học sinh lớp 9 Trường THCS và THPT Nguyễn Trung Trực, huyện Sơn Hòa) đã có mặt tại điểm trao học bổng từ rất sớm. Hôm nay ông Trinh đã mặc chiếc áo truyền thống của người đồng bào cho Y Quốc mặc trong lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Sáng 8-11, hai cha con ông Trần Trung Trinh (55 tuổi, trú xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) và em Y Quốc (học sinh lớp 9 Trường THCS và THPT Nguyễn Trung Trực, huyện Sơn Hòa) đã có mặt tại điểm trao học bổng Tiếp sức đến trường từ rất sớm.

Từ xã Sơn Hà xuống TP Tuy Hòa hơn 40 cây số. Họ thức dậy từ lúc 4h sáng để kịp chạy xe.

Ông Trinh cho biết vợ ông là người đồng bào, qua đời đã 3 năm. "Gà trống nuôi con" một mình ông Trinh xoay xở, vay mượn đủ đường để nuôi Y Quốc nhưng cũng không thấm thía vào đâu.

"Hằng ngày tôi đi cắt cỏ cho bò để kiếm thêm thu nhập, hôm nào khỏe thì được 100.000 đồng, hôm nào mệt thì được cũng được 50.000 đồng, đủ mua ít rau và thịt để hai cha con ăn qua ngày.

Hôm qua tôi tranh thủ cắt cỏ để hôm nay có thời gian đưa cháu xuống thành phố nhận học bổng Tiếp sức đến trường" - ông Trinh bộc bạch.

Lấy chiếc áo truyền thống của người đồng bào từ trong một túi vải đựng cẩn thận, người cha 55 tuổi này cho biết hôm nay ông đã mang chiếc áo truyền thống của người đồng bào để Y Quốc mặc trong lễ trao học bổng.

"Đây là áo truyền thống của người đồng bào và chỉ được mặc trong những dịp quan trọng, lễ hội lớn. Hôm nay là ngày rất vui của cha con tôi nên tôi quyết định cho cháu mặc áo truyền thống" - ông Trinh nói.

"Cả đêm qua em và cha không thể chợp mắt được bởi vì quá mong chờ đến ngày hôm nay, em còn quá nhỏ nên chỉ dám hứa sẽ học tập thật tốt để sau này có tiền nuôi ba và xây dựng quê hương đổi mới" - Y Quốc nói.

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 10.

Phụ huynh đưa con đội mưa đến tham dự chương trình từ sớm - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 11.

Sáng 8-11, tại Phú Yên có mưa nhẹ, các em sinh viên, học sinh và phụ huynh đội mưa đến tham dự chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thầy giáo người dân tộc đi khoe khi được Tuổi Trẻ tiếp sức đến trường

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 12.

Thầy giáo Nay Lép (giáo viên thể dục Trường THPT Tôn Đức Thắng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) cho biết sẽ để dành một phần tiền được hỗ trợ để chia sẻ cho các em học sinh khó khăn mà thầy đang dạy - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Có mặt từ rất sớm tại điểm trao học bổng Tiếp sức đến trường, thầy Nay Lép (giáo viên Trường THPT Tôn Đức Thắng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) cho biết sau khi ra trường và đi dạy thì đây là lần đầu tiên thầy giáo này được nhận hỗ trợ từ các nhà hảo tâm.

Thầy Nay Lép cho biết mình mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tự thân một mình bươn chải để đến trường, khi vào giảng đường đại học thì may mắn được nhà trường tạo điều kiện, giúp đỡ trong học tập.

Thầy chia sẻ rằng sau khi nhận được thông báo triệu tập để nhận hỗ trợ từ chương trình Tiếp sức đến trường, thầy đã đi khoe với người thân và đồng nghiệp bởi vì quá hạnh phúc và bất ngờ.

"Số tiền được hỗ trợ tôi dành một phần để chia cho các học sinh khó khăn mà tôi đang dạy ở trường, và phần còn lại sẽ dùng để trang trải cuộc sống hằng ngày" - thầy nói.

Nữ học sinh người dân tộc Ba Na từng định học lớp 12 rồi nghỉ

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 13.

Em Nguyễn Thị Xuyến (người Ba Na, học sinh lớp 12 Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên) cho biết trước đây em đã có nghe đến học bổng Tiếp sức đến trường và từ lúc đó mong muốn nhận học bổng này đã hình thành trong tâm trí của em - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Nổi bật với trang phục truyền thống của người đồng bào Ba Na, Nguyễn Thị Xuyến (người Ba Na, là học sinh lớp 12 Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên) cho biết trước đây em đã có nghe đến học bổng Tiếp sức đến trường, và từ lúc đó mong muốn nhận học bổng này đã hình thành trong tâm trí của em.

Xuyến dự định chọn ngành kế toán tại một trường đại học ở TP Đà Nẵng để nuôi ước mơ bước chân vào giảng đường đại học.

Nữ sinh người Ba Na tâm sự vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều lúc em chỉ nghĩ học đến hết lớp 12 rồi trở về buôn làng với gia đình. 

Ba đã mất từ lúc Xuyến học lớp 5, còn mẹ thì làm nương rẫy nên cuộc sống bữa no bữa đủ. Vì khó khăn, mỗi tháng mẹ chỉ gửi cho Xuyến vài củ khoai, trái bắp. Tháng nào được mùa, mẹ Xuyến lại gửi thêm vài cân gạo.

"Thật sự tôi rất vui vì không ngờ mình được nhận học bổng của chương trình Tiếp sức đến trường. Số tiền này tôi sẽ tiết kiệm để dành vào giảng đường đại học. Tôi xin cảm ơn báo Tuổi Trẻ và các nhà tài trợ đã tạo điều kiện để tôi được bước tiếp trên con đường học vấn".

Bà Trương Bảo Châu - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ: Chúng ta có thể chọn cách suy nghĩ về đau thương của mình!

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 14.

Nhà báo Trương Bảo Châu, phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đại diện báo Tuổi Trẻ thay mặt gần 25.000 tân sinh viên cả nước nói chung, trên 600 học sinh, sinh viên, giáo viên Phú Yên nói riêng - là đội ngũ đã được tiếp sức đến trường 21 năm qua, gửi đến các đơn vị, các nhà hảo tâm, đông đảo bạn đọc trong ngoài nước đã đồng hành cùng Tuổi Trẻ lòng biết ơn không nói hết thành lời. 

21 năm và chưa dừng lại, tới khi nào còn tân sinh viên nghèo hiếu học không đủ tiền đóng học phí thì những tấm lòng nhân ái còn sinh sôi, kết nối, làm ấm áp cuộc sống này. 

Nhà báo Trương Bảo Châu, phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, nhận xét: "Thông điệp của những người giúp đỡ các tân học sinh - sinh viên nằm trong hai chữ: Cho đi! Vì vậy các bạn đừng lo lắng mình sẽ đáp trả cho ai và đáp trả thế nào, mà tự tin nhận giúp đỡ đầu đời trong niềm tin về lòng tốt của con người. 

Món quà nhỏ này là dành cho ước mơ của các bạn. Món quà thưởng cho những người dám học và dám tin một ngày mình không còn đói nghèo, tủi hờn". 

Nhà báo Trương Bảo Châu

Không ai trong chúng ta thay đổi được hoàn cảnh, đâu ai muốn mồ côi cha mẹ hay bị cha mẹ bỏ rơi, hay 12 tuổi đã thành lao động chính, không ai muốn sống trong căn nhà toàn người câm điếc, không ai muốn mẹ mắc tâm thần và chị cũng tâm thần… Nhưng chúng ta có thể chọn cách suy nghĩ về những đau thương này, biết ơn vì mình được sinh ra, có tuổi trẻ, có thể lựa chọn con đường đi này hay con đường khác.

Nhà báo Trương Bảo Châu khuyên, nếu sự hỗ trợ của cộng đồng còn nhỏ bé, các sinh viên khó khăn hãy mạnh dạn vay ngân hàng chính sách, vay người thân để đi học. Đó là thứ nợ đáng nợ nhất, giúp chúng ta đi đến cùng ước mơ của mình. 

"Mong các bạn sẽ trở thành những con người thật thà, tốt bụng, không cần trả ơn nhưng biết cảm ơn những người đã sinh thành và cưu mang mình. 

Báo Tuổi Trẻ và các nhà hảo tâm sẽ luôn cổ vũ các bạn. Nhưng sự cổ vũ lớn nhất chính là chúng ta phải tự cổ vũ mình. Hãy tạo ra những giá trị tốt đẹp dù nhỏ hay lớn, cho bản thân, cho người thân và cho quê hương Phú Yên xinh đẹp còn nhiều tiềm năng phát triển", bà Trương Bảo Châu nói.

Nhà báo Trương Bảo Châu - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ - phát biểu động viên các tân sinh viên, học sinh khó khăn - Thực hiện: TRẦN HOÀI - NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN

Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo: Các em hãy vượt khó, vươn lên, và biết ơn 

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 15.

Bà Hồ Thị Nguyên Thảo, phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bà Thảo nhận định các hoạt động của học bổng Tiếp sức đến trường là ngọn lửa tiếp sức mạnh, nghị lực cho người dân và học sinh, sinh viên và cả các thầy cô giáo tỉnh nhà vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên trong cuộc sống. 

Trước đó, vào cuối năm 2022, báo Tuổi Trẻ và Câu lạc bộ "Nghĩa tình Phú Yên" cũng đã phối hợp với tỉnh Phú Yên phát động phong trào "Hỗ trợ xây dựng 1.000 căn nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách" trên địa bàn tỉnh và tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.

"Đối với các em học sinh, sinh viên, học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ là sự truyền lửa, chuyển nhiệt huyết, qua đó tiếp thêm cho các em niềm tự hào về sự học, về ý chí vượt khó để vững vàng hướng đến một tương lai tươi sáng đang chờ đón các em. 

Và từ chương trình mang tính nhân văn sâu sắc này đã mở ra nhiều cơ hội cho các em tân sinh viên, học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Các em hãy vào đời với lòng biết ơn" - bà Thảo nói.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng gửi lời cảm ơn đến báo Tuổi Trẻ, Câu lạc bộ "Nghĩa tình Phú Yên" và các cơ quan, đơn vị đã phối hợp tổ chức chương trình hết sức ý nghĩa này. Bà hy vọng các đơn vị sẽ tiếp tục có những chương trình ý nghĩa tiếp theo cho học sinh, sinh viên Phú Yên trong thời gian tới.

Bà Hồ Thị Nguyên Thảo - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên mong chương trình tiếp tục tổ chức tại tỉnh nhà thời gian tới -Thực hiện: TRẦN HOÀI - NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN

Ông Dương Minh Danh, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp Sài Gòn - IDC, đại diện Câu lạc bộ Nghĩa tình Phú Yên: Vì quê hương Phú Yên, chúng tôi luôn tiếp sức cho các bạn

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 16.

Ông Dương Minh Danh, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp Sài Gòn - IDC - Ảnh: DUYÊN PHAN

Phát biểu tại lễ trao học bổng, ông Dương Minh Danh cho hay trong 4 năm qua, CLB Nghĩa tình Phú Yên đồng hành cùng với báo Tuổi Trẻ đã tiếp bước cho cả nghìn học sinh đến giảng đường. 

"Chương trình trao học bổng Tiếp sức đến trường có sức lan tỏa cao trên toàn quốc. Đây là sự công nhận cho nỗ lực vượt qua khó khăn, nghịch cảnh của các em. Học bổng ngoài ý nghĩa, vật chất còn ý nghĩa tinh thần. Nếu tôi quay trở lại quá khứ và may mắn nhận học bổng này, chắc chắn sẽ là món quà ý nghĩa rất lớn theo tôi đến suốt cuộc đời. Các bạn có quyền tự hào khi nhận học bổng này", ông Danh nói. 

Ngoài trao tặng các suất học bổng cho tân sinh viên, chương trình tại Phú Yên còn trao học bổng cho học sinh và thầy cô giáo. Vì việc học phải được tiếp sức ngay từ đầu. "Tiếng gọi quê hương luôn trong tâm trí mỗi người chúng ta, và những doanh nghiệp như chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ những bạn trẻ Phú Yên, tạo điều kiện cho các bạn học tập", ông nói.

Ông Dương Minh Danh, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp Sài Gòn - IDC, đại diện CLB Nghĩa tình Phú Yên quy tụ nhiều doanh nhân, doanh nghiệp, người Phú Yên xa quê giúp đỡ các gia đình, học sinh, sinh viên nghèo, khó khăn - Thực hiện: TRẦN HOÀI - NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN

Tỉnh Đoàn Phú Yên: Hạnh phúc quá vì số học bổng năm nay được tăng lên! 

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 17.

Ông Lương Minh Tùng - bí thư Tỉnh Đoàn Phú Yên - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ông Lương Minh Tùng - bí thư Tỉnh Đoàn Phú Yên - cho hay Tỉnh Đoàn cũng đã phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức nhiều lần chương trình trao học bổng Tiếp sức đến trường. Đơn vị cũng đã có văn bản gửi về các địa phương để tiếp nhận các hồ sơ sinh viên, học sinh và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. 

"Năm nay số lượng học bổng tăng lên, chúng tôi rất hạnh phúc, khi có nhiều cơ hội hơn với các em sinh viên, học sinh, giáo viên. Đồng thời việc xét chọn hồ sơ cũng tốn nhiều thời gian hơn nhưng việc thực hiện rất nghiêm túc, kỹ lưỡng", ông Tùng nói.

Mong ba mẹ sống lâu đến ngày mình có việc làm 

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 18.

Vợ chồng ông Trần Quốc Đạo (phường 5, TP Tuy Hòa) nghỉ bán bánh căn để đến chung vui cùng cô con gái Trần Thị Cẩm Duyên - Ảnh: MINH CHIẾN

Giá mà được nói với ba dù một chút: Con đã được tiếp sức đến trường

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 19.

Cô Hà Ngọc Mỹ Duyên (giáo viên Trường tiểu học Xuân Yên, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu) và em Phạm Hoàng Kha Vy lớp 4B có mặt tại hội trường từ sớm - Ảnh: DUYÊN PHAN

Có mặt từ sáng sớm, cô Hà Ngọc Mỹ Duyên (giáo viên, tổng phụ trách Đội, Trường tiểu học Xuân Yên, thị xã Sông Cầu) cho hay dẫn các học sinh đến nhận học bổng Tiếp sức đến trường.

"Phải thuê xe chở các em đi, cha mẹ các em cũng không có điều kiện đưa đón con. 6h30 chúng tôi xuất phát, nhưng 6h các phụ huynh đã chở con đến trường. Trời mưa lạnh nhưng các em rất háo hức, bản thân tôi cũng vui lây. Tôi cũng là người viết hồ sơ để xét học bổng cho các em, chắc rằng đây là kỷ niệm khó quên với các em".

Đi cùng với cô Duyên, em Phạm Hoàng Kha Vy (lớp 4B, Trường tiểu học Xuân Yên) khép nép chia sẻ ba em mất do dịch COVID-19, mẹ là người dân tộc thiểu số tại tỉnh Cao Bằng. Vy còn có một anh trai và một em trai.

"Biết được nhận học bổng, em chạy đi khoe khắp cả xóm. Không biết ba trên trời có biết em nhận học bổng không? Ba mất lúc giãn cách, nên cũng chẳng dặn dò em điều chi. Em chỉ mong ba nói chuyện với em một chút thôi cũng được", Vy nói.

Cùng con gái đến nhận học bổng, vợ chồng ông Trần Quốc Đạo (61 tuổi, phường 5, TP Tuy Hòa) đầy tự hào. Dù mắc bệnh cao huyết áp, vỡ mạch máu mũi phải điều trị, ông vẫn ráng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

"Hai vợ chồng tui bán bánh căn, bữa ni nó đi nhận học bổng thì dẹp bán luôn, đi nhận với con cho vui. Tui tự hào lắm. Không biết mình sống được bao lâu, mà nhìn con học giỏi, ngoan ngoãn là mãn nguyện lắm. 

Nhà tôi là hộ nghèo, còn căn nhà đang ở cũng là nhà tình thương. Con gái tôi đi học không được vợ chồng gửi tiền mà chỉ nhận tiền ăn mà khách hàng quẹt mã QR hay chuyển khoản qua mỗi lần ăn bánh căn", ông Đạo nói.

Ngước nhìn ba, tân sinh viên Trần Thị Cẩm Duyên (sinh viên ngành ngôn ngữ Trung, Đại học Công Thương TP.HCM) tâm sự bản thân muốn học ra trường sớm để lo cho cha mẹ. 

"Học bổng này là nguồn động lực để tôi cố gắng. Tôi đang ở trọ ghép với bạn cũng như đi làm thêm để trang trải sinh hoạt phí. Tôi chỉ mong rằng ba mẹ có thể ở bên tôi thật lâu, đợi đến ngày tôi có công việc làm ổn định", Duyên nói.

Sinh viên, học sinh và phụ huynh tới dự lễ trao học bổng - Thực hiện: TRẦN HOÀI - NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN

Không cha, mẹ bỏ cho dì, nghỉ học 2 năm kiếm sống rồi học lại: Tôi sẽ báo đáp ân tình 

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 20.

Bạn Ngô Như Bội, tân sinh viên Trường ĐH Văn Hiến - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tân sinh viên Ngô Như Bội (Trường đại học Văn Hiến) cho biết cô học trễ 2 năm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cô phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền để quay lại giảng đường đại học. "Tôi không có ba. Mẹ để tôi cho dì nuôi từ lúc 1 tuổi. Dì thì sức khỏe không tốt, bệnh tim và phổi bào mòn sức khỏe của dì.

Lúc còn học ở với dì, sáng đi học, chiều về thì tôi đi mò cua bắt ốc bán lại để kiếm tiền đóng học phí. Trong xóm ai nhờ gì tôi làm nấy. Tôi thương dì và rất khao khát được đi học. Tôi mong sau này có công việc ổn định để có thể báo đáp công ơn của dì", Như Bội kể.

Thầy hiệu phó hạnh phúc khi thấy học trò được Tiếp sức đến trường

 - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Bảo Toàn - phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh (phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) - cùng tân sinh viên Trường đại học Thái Bình Dương Lê Vũ Hoài Trinh (bên phải) và tân sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM Nguyễn Quốc Huy. Hai tân sinh viên Hoài Trinh và Quốc Huy là những nhân vật đã xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ về tấm gương vượt khó đến giảng đường, còn thầy Toàn là người đã giúp đỡ, đồng hành cùng các em trong suốt thời gian qua - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Thầy Nguyễn Bảo Toàn - phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh (phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) - là người đã đồng hành với học bổng Tiếp sức đến trường nhiều năm qua.

Thầy Toàn giúp đỡ rất nhiều học sinh khó khăn trên địa bàn tỉnh Phú Yên, trong đó có tân sinh viên Trường đại học Thái Bình Dương Lê Vũ Hoài Trinh và tân sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM Nguyễn Quốc Huy.

Cả Hoài Trinh và Quốc Huy đều là những nhân vật đã xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ với câu chuyện đầy nghị lực khi vượt qua nghịch cảnh để đặt chân vào giảng đường đại học.

Trong đó, Hoài Trinh ra đời đã không biết mặt cha, còn mẹ thì mất hơn 9 tháng trước. Một mình Hoài Trinh vừa làm chị, vừa "vào vai" cha mẹ để đùm bọc đứa em gái nhỏ chuẩn bị vào lớp 5 vượt qua dông gió cuộc đời.

Vượt qua nghịch cảnh, Hoài Trinh đỗ vào ngành kế toán của Trường đại học Thái Bình Dương (Khánh Hòa).

Còn Quốc Huy bị mẹ ruột bỏ rơi, lớn lên bằng chuỗi ngày được "chuyền" từ nhà này sang nhà khác nuôi, chàng tân sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM này đã nương nhờ nơi cửa Phật để tìm hy vọng "bắt" con chữ.

Thầy Nguyễn Bảo Toàn cho biết dù bản thân đã ra sức giúp đỡ Trinh và Huy rất nhiều nhưng thầy vẫn còn gia đình phải chăm lo nên mọi sự giúp đỡ đều có chừng mực và giới hạn.

"Bản thân tôi nghĩ làm việc thiện là cho đi, và cũng không mong cầu nhận lại, nhưng nhiều lúc bản thân cũng phải lo cho gia đình, tổ ấm vì vậy cũng không giúp được các em quá nhiều. Hôm nay được nhìn hai đứa học trò nhận học bổng Tiếp sức đến trường mà lòng tôi xốn xang, bao nhiêu kỷ niệm, cảm xúc với hai đứa học trò ùa về. Thật sự tôi rất cảm ơn báo Tuổi Trẻ cùng các nhà hảo tam đã hỗ trợ cho các em tân sinh viên vững bước trên ghế giảng đường đại học" - thầy Toàn xúc động nói.


Trao học bổng Tiếp sức đến trường cho các tân sinh viên, học sinh, giáo viên Phú Yên:

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 22.

Bà Hồ Thị Nguyên Thảo, phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cùng ông Lương Minh Tùng - bí thư Tỉnh Đoàn Phú Yên - trao học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 23.

Ông Nguyễn Hồng Minh - tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ - tặng quà các thầy cô - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 24.

Nhà báo Trương Bảo Châu, phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ và anh Võ Duy Kha - phó bí thư Tỉnh Đoàn Phú Yên - trao học bổng cho học sinh - Ảnh: LÂM THIÊN

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 25.

Ảnh: DUYÊN PHAN

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 26.

Ảnh: LÂM THIÊN

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 27.

Ảnh: LÂM THIÊN

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 28.

Ảnh: DUYÊN PHAN

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 29.

Ảnh: LÂM THIÊN

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 30.

Ảnh: LÂM THIÊN

Lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" trao học bổng cho 60 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, 100 suất dành cho học sinh THCS và THPT mồ côi, miền núi và 20 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Phú Yên với tổng kinh phí hơn 1,67 tỉ đồng do Câu lạc bộ "Nghĩa tình Phú Yên" tài trợ.

Mỗi suất học bổng dành cho tân sinh viên trị giá 15 triệu đồng. 2 suất đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/4 năm. Mỗi suất dành cho học sinh THCS và THPT là 5,5 triệu đồng/suất (gồm 5 triệu đồng tiền mặt và quà tặng trị giá 500.000 đồng).

Ngoài ra, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng cho tân sinh viên. Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam tài trợ 2 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập.

Nhân dịp chào mừng Ngày Nhà giáo 20-11, chương trình trao tặng 20 phần quà dành cho giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh Phú Yên. Mỗi phần quà trị giá 11 triệu đồng (gồm 10 triệu đồng tiền mặt và quà tặng trị giá 1 triệu đồng).

Đây là điểm trao thứ 10 trong chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2024 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 599 của báo Tuổi Trẻ.

Trước đó, từ năm 2021 đến năm 2023, Câu lạc bộ "Nghĩa tình Phú Yên" đã tài trợ cho hơn 200 tân sinh viên và hỗ trợ cho hơn 250 học sinh học sinh khó khăn, mồ côi, người dân tộc miền núi và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn vẫn bám trường bám lớp với tổng kinh phí hơn 4 tỉ đồng.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, Phú Yên; Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi Life Việt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ

Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 balo trị giá khoảng 250 triệu đồng; Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng.

Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên….

Cha mẹ bỏ em trước cổng chùa, là ‘chị cả’ 50 trẻ mồ côi: Được tiếp sức đến trường, cả đêm không ngủ! - Ảnh 31.

Vùng đất 'Ngày xưa có một chuyện tình' chào đón tân sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường - Ảnh 3. Tiếp sức đến trường SV Tây Nguyên: Nữ sinh không cha mẹ muốn bán bánh quanh giảng đường kiếm sống

Nước mắt đã rơi nhiều tại lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường 5 tỉnh Tây Nguyên tại Đà Lạt. Có SV bị ung thư quyết tâm giành giật tính mạng, có SV không cha mẹ quyết tâm bán bánh bột lọc ở trường để kiếm sống.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên