Nghiên cứu ở Thuỵ Điển được đăng trên tập san nổi tiếng PLOS ONE đánh giá tinh trùng của 104 thanh niên Thuỵ Điển từ 17 đến 20 tuổi, sau đó đối chiếu việc hút thuốc từ những người cha trong thời gian thụ thai các thanh niên này.
Nghiên cứu cũng đo nồng độ các chất có nguồn gốc nicotine có trong máu mẹ vào thời điểm mang thai (máu lưu trữ khoảng 20 năm trước trong lúc khám thai).
Kết quả cho thấy nam giới có cha hút thuốc, tinh trùng giảm cả về mật độ lẫn số lượng. Mật độ giảm 41%; tổng số tinh trùng giảm 51% so với nam giới có cha không hút thuốc.
Các tác giả lập luận: khi nam giới hút thuốc trong giai đoạn thụ thai, khói thuốc có thể gây đột biến một số gen ở tinh trùng. Phôi thai hình thành mang sẵn những gen này. Khi các bé trai lớn lên, khả năng sản xuất tinh trùng suy giảm do thừa hưởng các gen đột biến từ cha hút thuốc.
Giải thích này cũng trùng hợp với một số nghiên cứu khác từng cho biết nam giới hút thuốc, tinh trùng có DNA bị đứt gãy nhiều hơn. Nó cũng củng cố thêm cho các nghiên cứu trước đây chứng minh con gái có cha hút thuốc, dự trữ buồng trứng giảm nhanh hơn các phụ nữ bình thường.
Nghiên cứu gây bất ngờ bởi "di chứng" mang tính lâu dài của khói thuốc chứ không dừng lại ở những cảnh báo mang tính "tại chỗ" kiểu ai hút người nấy chịu.
Nó cũng cho thấy mức độ nguy hiểm của khói thuốc vượt xa những nghiên cứu trước đây chỉ nhấn mạnh thai nhi bị ảnh hưởng nếu mẹ hút hoặc hít phải khói thuốc lá.
Đây cũng có thể là nguyên nhân quan trọng làm tình trạng hiếm muộn có xu hướng ngày càng gia tăng trên thế giới, trong đó có vấn đề suy giảm số lượng tinh trùng của nam giới đang được báo động.
Việt Nam có tỉ lệ nam giới hút thuốc khá cao so với thế giới. Thống kê từ các trung tâm điều trị hiếm muộn lớn ở Việt Nam từng báo cáo trên 90% nam giới trong các cặp vợ chồng hiếm muộn có ít nhất một chỉ số tinh dịch đồ bất thường.
Khả năng sinh sản của các thế hệ nhiều khả năng giảm sút kéo theo tổn hao chi phí điều trị y tế bởi những nguyên nhân tưởng chừng rất nhỏ " khói thuốc".
Câu nói " đời cha ăn mặn, con khát nước" quá đúng cho kết quả nghiên cứu này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận