Theo báo SCMP ngày 18-9, sự việc chỉ vỡ lở sau khi cô con gái tình cờ tìm thấy giấy báo nhập học lúc đang sắp xếp lại các bức ảnh hồi cô còn nhỏ tại nhà cha mẹ. Lúc này đã 17 năm trôi qua.
"Không được đi học tiếp là điều hối hận nhất cuộc đời"
Cô gái đáng thương là Wang Yanxia, 32 tuổi, Trung Quốc. Sau khi học hết lớp 9 vào năm 2006, cô nghỉ học vì tưởng mình bị trường cấp ba từ chối.
Thế nên khi nhìn thấy giấy báo nhập học của một trường thuộc tỉnh Sơn Đông, cô như chết lặng.
Trong video đăng tải lên mạng Douyin của Trung Quốc (mạng xã hội giống TikTok), Wang kể đầu óc cô "trống rỗng" khi nhìn thấy giấy báo nhập học. Việc không được theo học tại ngôi trường mơ ước với chuyên ngành thể thao là điều cô hối hận nhất cuộc đời.
Wang trước đây là vận động viên đầy triển vọng và từng tham gia thi đấu ở hạng hai quốc gia. Nhưng cô đã phải từ bỏ khát vọng và đi làm công nhân nhà máy vì tưởng mình rớt cấp 3.
Wang sau đó hỏi cha tại sao ông giấu giấy báo nhập học. Cha cô ban đầu tỏ ra xấu hổ, cuối cùng ông trả lời cô rằng: "Nói với con lúc đó cũng vô dụng. Cha không có khả năng cho con đi học tiếp".
Một số giấy tờ khác cho thấy gia đình cô vào thời điểm đó sẽ phải trả khoảng 1.070 USD cho học phí và chi phí khác. Theo chồng cô Wang, cha mẹ vợ anh đều là người khuyết tật và không có đến 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.300 USD) tiền tiết kiệm.
Wang cho biết mình hiểu rõ tình hình tài chính gia đình khi đó và sẽ không nhất quyết đòi đi học tiếp. Tuy nhiên, cô đau lòng vì cha đã không nói với cô sự thật.
Nạn nhân của trọng nam khinh nữ?
Video của Wang thu hút hơn 5 triệu lượt xem trên Douyin và làm bùng nổ tranh cãi về vấn nạn phân biệt và "trọng nam khinh nữ" tại quốc gia tỉ dân.
"Cô ấy có thể tự mình từ bỏ việc học, nhưng người cha đã lấy đi quyền lựa chọn của cô. Ông ấy không chỉ giấu thư nhập học, mà còn giấu đi cả tương lai của con gái mình", một người dùng Weibo bình luận.
"Tôi có thể hiểu được cha cô Wang. Nếu thật sự ích kỷ, ông ấy đã vứt giấy nhập học đi chứ không giữ lại", một ý kiến khác cho biết.
Một số ý kiến cho rằng việc Wang còn một em trai là điển hình của truyền thống "trọng nam khinh nữ" tại Trung Quốc.
Nhiều bài đăng trên mạng xã hội và báo chí tại Trung Quốc cho thấy nhiều trường hợp con gái trong gia đình bị cha mẹ bắt phải chi trả học phí và chi phí sinh hoạt cho anh hoặc em trai.
Năm 2021, một trợ lý tòa án tại thủ đô Bắc Kinh trả lời báo Beijing Youth Daily (nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh) rằng việc phụ nữ phải bỏ học "để dành" cho em trai đi học hoặc phải hỗ trợ tài chính cho em trai sau kết hôn vẫn còn phổ biến ở xã hội Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận