09/04/2025 17:49 GMT+7

Cha đẻ thuế đối ứng nói ông Trump tính thuế sai

Giáo sư kinh tế Brent Neiman nói mức thuế đối ứng mà Tổng thống Trump dùng công thức của ông và cộng sự để tính toán là không đúng.

thuế đối ứng - Ảnh 1.

Brent Neiman, giáo sư kinh tế tại Đại học Chicago, người từng làm việc cho Bộ Tài chính dưới thời chính quyền Biden - Ảnh: NEW YORK POST

Theo tờ New York Post, giáo sư kinh tế Brent Neiman của Đại học Chicago nói rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đã sử dụng công trình nghiên cứu của ông và cộng sự để tính thuế đối ứng với 180 đối tác thương mại trên toàn cầu, tuy nhiên mức thuế đã bị tính sai.

Ông Neiman cho biết mức thuế của Tổng thống Trump lẽ ra phải thấp hơn khoảng 4 lần so với mức công bố nếu nghiên cứu của ông công bố vào tháng 3-2021 được thực hiện đúng.

Giáo sư Neiman còn kể lại phản ứng đầu tiên của ông vào ngày 2-4, khi Tổng thống Trump công bố mức thuế nhập khẩu đối ứng lên đến 50%, ông đã sững sờ: "Làm thế nào mà họ tính được mức thuế lớn như vậy?".

“Một ngày sau, tôi nhận ra sự việc này liên quan trực tiếp đến cá nhân mình. Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) công bố phương pháp được vận dụng để tính thuế, rồi trích dẫn nghiên cứu học thuật do bốn nhà kinh tế học thực hiện, trong đó tôi là đồng tác giả, dường như để chứng minh cho những con số ấy”, ông Neiman chia sẻ.

“Vấn đề là họ đã hiểu sai. Rất sai” - vị giáo sư nhấn mạnh.

“Ngay cả khi xét theo giá trị thực tế, những phát hiện của chúng tôi cho thấy mức thuế được tính toán phải nhỏ hơn rất nhiều - có lẽ chỉ bằng 1/4”.

Vị giáo sư nói sai lầm lớn nhất của đội ngũ cố vấn cho ông Trump là sử dụng công cụ thuế đối ứng nhằm hướng đến xóa bỏ thâm hụt thương mại song phương với hầu hết đối tác kinh tế.

Ông khẳng định thâm hụt thương mại giữa hai nền kinh tế có thể xảy ra do rất nhiều yếu tố, hoàn toàn không liên quan đến bảo hộ mậu dịch.

Cha đẻ thuế đối ứng nói ông Trump tính thuế sai - Ảnh 3.

Đài CNN phát sóng bài phân tích của tiến sĩ Stan Veuger - người cho rằng có lỗi trong phương trình mà Nhà Trắng sử dụng để tính thuế - Ảnh: CNN

"Chỉ số thâm hụt không thể hiện được sự cạnh tranh không công bằng, chứ đừng nói đến là chứng minh có cạnh tranh bất công. USTR nói rằng họ tính toán mức thuế để có thể loại bỏ hoàn toàn thâm hụt thương mại với từng đối tác. Nhưng liệu đó có phải là một mục tiêu hợp lý không?", ông Neiman viết.

Vị giáo sư đưa ra ví dụ: “Sự mất cân bằng thương mại giữa hai quốc gia có thể xuất hiện vì nhiều lý do không liên quan gì đến chủ nghĩa bảo hộ. Người Mỹ chi nhiều hơn cho quần áo sản xuất tại Sri Lanka so với người Sri Lanka chi cho dược phẩm và tua bin khí của Mỹ. 

Vậy thì sao? Mô hình đó phản ánh sự khác biệt về tài nguyên thiên nhiên, lợi thế so sánh và trình độ phát triển”.

Phản ứng của ông Neiman được đưa ra sau khi Tổng thống Trump công bố mức thuế đối ứng với tất cả các quốc gia, có hiệu lực từ ngày 9-4.

Nhà Trắng cho mức thuế này là “có đi có lại”, đồng thời giúp thu hẹp thâm hụt thương mại, thúc đẩy sản xuất của Mỹ và tăng nguồn thu cho chính phủ.

Không chỉ giáo sư Neiman, tiến sĩ Stan Veuger cũng có một bài phân tích được phát trên Đài CNN ngày 9-4 về phép tính mà chính quyền Tổng thống Donald Trump sử dụng để tính thuế quan và cho rằng có lỗi trong phương trình này.

Cha đẻ thuế đối ứng nói ông Trump tính thuế sai - Ảnh 4.Hậu trường quyết định áp thuế đối ứng: Ông Trump không nao núng dù thế giới chao đảo

Báo Washington Post (Mỹ) dẫn một loạt nguồn tin tiết lộ hậu trường vụ ông Trump quyết định áp thuế đối ứng lên hàng loạt quốc gia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên