Trong khuôn khổ chương trình hội thảo "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt" do báo Tuổi Trẻ phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Sóc Trăng, ngày 11-12, đoàn chuyên gia của Trung tâm ASEAN - Nhật Bản đã đến thăm quan trại sản xuất giống của doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và mô hình lúa - tôm tại xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Cùng tham gia với đoàn có nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng.
Sau khi thăm quan nhà máy chế biến gạo, khu sản xuất lúa giống của doanh nghiệp là gia đình ông Cua và mô hình sản xuất lúa - tôm, các chuyên gia trao đổi với ông Cua về quy trình chế biến gạo, làm sao giữ được chất lượng tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng; việc chia sẻ lúa giống cho nông dân thực hiện như thế nào và hiệu quả của mô hình sản xuất lúa - tôm.
Anh hùng lao động Hồ Quang Cua cho biết, từ năm 2000, khi Nhà nước có chủ trương cho sản xuất luân canh một vụ lúa - một vụ tôm sú, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể.
Giống lúa thơm ST25 phù hợp với cơ cấu vùng, nên có hàng trăm ngàn ha bén duyên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
"Nhờ cơ cấu mùa vụ luân canh, năng suất nuôi tôm và trồng lúa đều tăng đáng kể. Nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá luân canh lúa - tôm là mô hình độc, lạ và hiệu quả, chưa có quốc gia nào làm được", ông Cua cho biết.
Theo lãnh đạo huyện Mỹ Xuyên, địa phương có trên 17.000ha canh tác theo mô hình lúa - tôm, trong đó có đến 50% diện tích canh tác giống lúa thơm ST25.
Không chỉ góp phần cải tạo môi trường, trồng lúa thơm ST25 trên nền đất nuôi tôm còn cho năng suất cao, trên 6 tấn/ha/vụ. Lúa ST25 thời gian qua bán được giá nên người nông dân đạt lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha/vụ.
Ông Hồ Quang Cua cho biết, thu hoạch, chế biến và đóng gói chỉ là một khâu trong chuỗi sản xuất lúa thơm. Để có hạt "ngọc" thon dài, bóng và chất lượng cao, đòi hỏi khâu chọn giống rất quan trọng. Do vậy, ông và các cộng sự không ngừng nghỉ để chọn lọc, nghiên cứu để giữ ổn định chất lượng.
Theo ông Cua, sau khi ST25 được công nhận là giống quốc gia, ai cũng có thể khai thác giống lúa thơm này để nhân rộng và chung sức làm rạng danh gạo Việt Nam. "Doanh nghiệp gia đình tôi cũng bắt tay xây dựng thương hiệu gạo ông Cua. Tuy nhiên chúng ta cần khai thác làm ăn đúng quy định pháp luật", ông Cua nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận