Anh hùng lao động Hồ Quang Cua chia sẻ với Tuổi Trẻ Online chiều 1-2 - Ảnh: KHẮC TÂM
Chiều 1-2, sau khi dạo một vòng khu khảo nghiệm lúa giống tại thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, ông Hồ Quang Cua chia sẻ sau khi gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, ông chịu áp lực ghê gớm, nhiều đêm không ngủ được.
"Đối với nhiều người, sau khi thành công việc nào đó, người ta nghĩ đến những chuyện lớn lao hơn. Còn tôi thì không, đau khổ lắm" - ông Cua trải lòng.
"Cha đẻ" gạo ngon nhất thế giới cho biết sau ngày được vinh danh, từ trên xuống dưới đều "chỉ đạo" phát triển giống lúa ST25.
"Nhưng đâu phải muốn nhanh là được. Gần 30 năm qua, tôi đã dành nhiều tâm huyết, không có bất cứ điều kiện gì để có thành quả như hôm nay. Bây giờ tiếp tục giao nhiệm vụ lớn lao này, ai mà lãnh cho nổi" - ông Cua chia sẻ.
Ông Cua cho biết năm vụ sản xuất giống lúa thơm liên tiếp đều bị "lên bờ xuống ruộng", huề vốn. Tuy nhiên ông vẫn động viên vợ con tiếp tục đeo đuổi, cảm thông.
"Tiền để lại cho con chưa chắc đã tốt. Tài sản của tôi là thành quả nghiên cứu lúa thơm. Đây là cái tôi để lại cho đời nên đã mạnh dạn làm" - ông Cua nói.
Trước câu hỏi có doanh nghiệp muốn ngỏ ý mua quyền sở hữu hai giống ST24 và ST25, ông Cua cho biết đối với một giống lúa có tầm vóc phổ canh tác rộng rãi trên phạm vi cả nước nên chăng phải thuộc sở hữu quốc gia để có điều kiện phát triển rộng rãi.
Qua đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có thể điều phối phát triển, nhằm mục đích nâng cao giá trị hạt gạo của Việt Nam.
Ông Cua cho biết thời gian qua có nhiều đoàn quan chức, doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất của Thái Lan đăng ký tham quan trại lúa giống, làm việc nhưng ông đều từ chối.
Gần 30 năm lai tạo, nghiên cứu lúa thơm, hiện ông đã có 6 giống được đặc cách công nhận giống lúa quốc gia, gần nhất là ST25.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận