04/01/2020 08:35 GMT+7

Cha, con và tình thương vượt lên cái chết

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Đêm cuối năm, tiết trời Gia Lai lạnh buốt, một người phụ nữ Ba Na đau đớn tột cùng khi bị dân làng ép buộc phải tự tay giết chết chính đứa con mình đứt ruột đẻ ra!

Cha, con và tình thương vượt lên cái chết - Ảnh 1.

Ông Tuing ngày ngày đưa Qua đi học cùng các cháu của mình - Ảnh: BÔNG MAI

Nhờ trái tim ấm tình thương của bố Tuing và những tấm lòng vượt qua hủ tục, Ya Qua chẳng còn là hài nhi mong manh đợi chết trong rừng thuở nào. Giờ em đã là cô học trò lớp 2, lanh lợi, hiền lành và hồn nhiên tựa nhánh hoa rừng.

Không nỡ tự tay giết con, cũng không thể chống lại hủ tục truyền đời hằn sâu vào tâm trí người làng, người mẹ đứt ruột ôm con để vào chốn rừng sâu. Cũng từ nơi rừng thiêng nước độc này, đứa trẻ sơ sinh được trao ban một cuộc đời mới.

Ngọn nến nhỏ trước bão đêm

Chập choạng tối, núi rừng mờ sương lạnh, chúng tôi đến làng Pi Ơm ở huyện Đăk Đoa, Gia Lai tìm gặp ông Tuing (57 tuổi) đã cứu bé thơ thoát khỏi hủ tục khủng khiếp. Nhà vắng bóng người, chúng tôi rảo khắp các con đường đất đỏ trong làng, rồi tới khe nước để tìm nhưng vẫn không thấy ông.

Mãi đến 20h tối, chúng tôi mới gặp Tuing. Ngồi trên chiếu, người đàn ông Ba Na rắn rỏi, nước da đen sạm này từ từ lật mở ký ức gắn liền với Ya Qua (8 tuổi), đứa con nuôi thương yêu đang chơi đùa ở nhà trên. Giọng trầm đục lẫn tiếng thở dài, ông Tuing kể khi cha ruột Qua mới mất, chị Bleng (đã đổi tên) cũng nhận ra một sinh linh bé nhỏ đang thành hình trong bụng.

Nỗi đau mất chồng chưa nguôi thì nỗi đau khác lại ập đến, dân làng kết luận chị phạm tội ngoại tình "bởi chồng mất thì không thể nào vợ mang thai". Họ không tin chị đã thụ thai với chồng trước khi anh ấy tử nạn vì động kinh. 

Thai nhi, món quà kết tinh từ tình yêu vợ chồng, bỗng trở thành cái cớ để người ta khinh miệt. Từ người phụ nữ góa bụa đáng thương, người làng lại phạt, bắt chị đền tội.

Hủ tục ấn xuống. Nhà quá nghèo, chị đành vay mượn tiền và bán cả ruộng rẫy để mua trâu, mua rượu cho làng đâm cúng, ăn uống. 

Nỗi uất ức, tủi nhục ngày càng lớn, chị vẫn cố chịu đựng vì con. Nhưng bấy nhiêu chưa đủ, người ta còn quyết dồn người đàn bà đáng thương này vào bước đường cùng. Họ ép chị sau khi sinh phải nhanh chóng giết chết con mình.

"Già làng kể tối mơ thấy nếu giết bé thì làng không sập, không bị chết người nên già làng biểu mẹ đẻ phải giết bé, nhưng cô ấy không nỡ tự tay giết con mình" - ông Tuing xót xa. 

Không thể chống lại tục lệ, chống lại già làng, ngày con chào đời cũng là ngày chị biết đứa trẻ này bị buộc phải chết. Day dứt, không cách nào tự tay giết chết con, nhưng để con càng lớn, tục lệ càng đuổi theo, bám riết, bóp nghẹt cuộc đời hai mẹ con.

Đớn đau đến xé lòng, chị đành ôm con chạy vào rừng, đặt con ở lại rồi đẫm nước mắt loạng choạng chạy về. Giữa núi rừng hoang lạnh và nhiều thú dữ, số mệnh đứa bé như ngọn nến trước bão. 

"Nhưng rồi có người đi săn vô tình thấy bé đã bế tới làng, tìm trả lại cho mẹ. Ở rừng, bé đói, khóc, muỗi chích đầy người, miệng đã đầy đất" - ông Tuing buồn kể.

Biết đứa trẻ này bị người ta tước quyền sống, nhất là chính tại ngôi làng bé sinh ra nên những người đi săn đã nỗ lực hỏi 7 người ở những làng khác nhau để tìm gia đình mới cho bé. Nhưng vì lý do kiêng cữ, sợ xui rủi, không một ai dám nhận nuôi đứa trẻ này.

Cha, con và tình thương vượt lên cái chết - Ảnh 3.

Bé Qua giờ đã đọc, viết thành thạo - Ảnh: BÔNG MAI

Tình thương của người đàn ông xa lạ

Đó cũng là một ngày trời lạnh trước Tết Nguyên đán 2011, ông Tuing đang oằn mình kéo ống nước nặng trĩu tưới từng gốc cà phê. Bất ngờ có cuộc gọi đến, ông bỏ dở tất cả, chạy xe máy một mạch gần 80km tới nơi xảy ra chuyện đau buồn. Không cho già làng phát hiện, ông Tuing chạy từ rẫy xuống, chị Bleng và nhóm người đi săn cũng lặng lẽ chạy lên.

Bước qua ranh giới ngôi làng người mẹ đau khổ sinh sống, ông Tuing dang tay đón đứa trẻ đang thoi thóp sắp chết vào lòng để sưởi hơi ấm của mình. Cũng từ giờ phút ấy, ông chính thức trở thành cha nuôi của bé gái này. Ông đặt tên con là Qua, hi vọng trắc trở đã qua, từ nay con có cuộc đời mới, được chở che, không ai ép con phải chết nữa.

Thời điểm nhận Qua làm con, ông Tuing phải chạy ăn từng bữa nhưng vẫn cố làm mướn thêm để có tiền mua sữa cho Qua. Nuôi trẻ vốn khó, nuôi đứa trẻ vài tháng tuổi, không có mẹ ruột ở bên, đau ốm liên miên lại càng khổ trăm bề.

"Ban ngày làm cực, ban đêm con khóc, con đau mình đều thức. Hồi đầu không quen, rồi lần lần cũng quen" - ông Tuing cười, tình thương con vượt qua tất cả. Vừa tâm sự, ông vừa hướng mắt về phía tiếng cười nói của ba bé gái. Thì ra ngoài Qua, ông còn cưu mang thêm hai cháu nội nhỏ tuổi hơn Qua, trong đó có cháu nội bị mẹ bỏ đi.

Để vừa có tiền sống vừa tiện chăm sóc con nuôi và cháu ruột đều dưới 10 tuổi, người đàn ông Ba Na chân chất có khi dẫn Qua và cháu đi rẫy cùng. Những đứa trẻ nằm ngủ ở chòi, ông tranh thủ làm cà phê, chốc chốc lại ngó vào. Mấy năm gần đây cà phê mất mùa, rớt giá, có oằn mình làm thêm cũng chẳng kéo lại nổi nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai người đàn ông nhân hậu.

Nhìn cách ông Tuing hết mực lo lắng cho ba đứa trẻ, có người cảm thông, yêu mến nhưng cũng có người cười cợt. "Mình đi làm, mang mấy đứa nhỏ theo, người ta chọc ông già tóc bạc sinh đôi, sinh ba" - ông Tuing cười kể.

Trong lúc trò chuyện, người vợ có gương mặt hiền lành luôn ngồi cạnh lắng nghe. Bà cũng là người ủng hộ chồng xé bỏ hủ tục để nhận nuôi Qua. Muốn Qua được đến trường, vợ chồng ông phải tất tả chạy hàng kilômet và gặp nhiều chuyện khó xử ở nơi Qua sinh ra để làm giấy khai sinh.

Ngày mới ùa đến, một buổi sáng trời trong. Chúng tôi chơi đùa cùng Qua và những đứa trẻ trong làng tại sân nhà rông. Chân tay lấm lem đất đỏ, ánh mắt rạng rỡ, Qua thầm thì dù đã biết quét nhà, phụ giúp bố mẹ một số việc nhưng em vẫn thấy cần làm nhiều hơn, em cầu mong bố mẹ thật khỏe mạnh.

Tết Nguyên đán lại khẽ thoảng đến hiên nhà, đánh dấu 9 năm tròn kể từ cái đêm định mệnh xoay chuyển cuộc đời bé thơ. Nắng trải vàng trên lối nhỏ đã nở cỏ hoa...

Mong không còn trẻ nào bị như Qua

Đi qua gần hết cuộc đời, ông Tuing tâm sự: "Ngoài chuyện buồn của Qua thì nhiều nơi vẫn lạc hậu lắm, vẫn còn người bỏ em bé. Khi mẹ chết thì bỏ con hoặc chôn con theo mẹ".

Ông nói giờ chỉ mong mình có sức khỏe để bươn chải, làm ra tiền lo cho Qua và hai cháu gái ăn học đàng hoàng. Ông luôn cầu nguyện mọi người được an lành, thương yêu mạng sống các hài nhi để không còn những đứa trẻ bị tước quyền sống như Qua.

Hủ tục sát hại người thân chỉ vì danh dự ở Pakistan Hủ tục sát hại người thân chỉ vì danh dự ở Pakistan

TT - Bị bắn hai lần, trói chặt trong bao tải và ném xuống kênh chỉ vì dám yêu và kết hôn theo ý muốn cá nhân, thiếu nữ 18 tuổi Saba Maqsood ở thành phố Hafizabad, Pakistan đã tố cáo và kể lại câu chuyện thương tâm của mình sau khi được cứu thoát.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên