Phóng to |
Hai cha con dò bài sau buổi thi môn vật lý - Ảnh: L.Trang |
Người cha ấy trở về từ chiến trường Buôn Ma Thuột. Di chứng của chất độc da cam in hằn lên cơ thể những đứa con. Nguyễn Minh Phú (1990) cụt hai tay từ khi lọt lòng. Nguyễn Minh Thọ (1993) thì còi xương, ốm yếu.
Trong những trang viết được ghi bằng nét chữ nghiêng, đều và đẹp, ông kể câu chuyện nhỏ của đời mình. Những ngày đi bộ đội trong Nam ngoài Bắc. Về bốn người con trong gia đình, trong đó Phú là người con đặc biệt nhất. Khi Phú ra đời, bác sĩ gọi là quái thai vì thấy đầu to, mắt sâu, người nhỏ. Hộ lý quên cả cắt rốn vì sợ. Đến 4 tuổi Phú vẫn chưa biết đi, biết nói, cứ nằm lăn lóc trên giường như củ khoai, sống qua ngày bằng nước cơm.
“Hằng ngày đi qua trường mẫu giáo xem các bạn học, chạy nhảy vui chơi, về nhà cháu hỏi: “Thấy họ có tay răng con không có tay như họ?”. Bố mẹ đau xót và trả lời: ”Con sinh ra nhỏ yếu quá nên không có tay. Hôm nào mẹ mua tay về lắp cho con”, cháu mừng lắm... Hằng ngày cháu thường trốn nhà ra trường xem các bạn học. Về nhà cháu đòi cha mua cho một cái bảng gỗ để đi học. Mỗi lần ra trường cháu thường đeo bảng vào cổ, ngồi ăn cơm cháu cũng đeo bảng, thậm chí ngủ quên vẫn đeo bảng ở cổ. Cháu xem các bạn tập thể dục rồi thụt cái cùi tay cụt theo nhịp...”. Đó là một đoạn xúc động trích từ cuốn nhật ký của người cha trong quãng thời gian khá dài vun đắp cho niềm say mê học tập của đứa con tật nguyền.
Thế mà sau 12 năm cắp sách đến trường, đứa con ấy lại có thể theo cha vào TP.HCM dự thi vào Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), với ước mơ trở thành một người khuyết tật thành công như “hiệp sĩ công nghệ thông tin” Nguyễn Công Hùng.
Vào Sài Gòn, lạ nước lạ cái, hai cha con được sinh viên Tiếp sức mùa thi đưa đến một nhà trọ trên đường Nguyễn Tri Phương. Chủ nhà và những thí sinh, phụ huynh khác ở chỗ trọ ra sức giúp đỡ hai cha con bằng tình cảm nồng nhiệt. Ở trường thi, đâu đó vẫn còn những ánh mắt tò mò, hiếu kỳ, nhưng người cha may mắn nhận được rất nhiều sự đồng cảm từ những phụ huynh là cựu chiến binh. Nhường một lối đi, xách giùm túi xách, tặng hai cha con tờ báo, chai nước..., dường như những tấm lòng ở cổng trường thi - của những người cha, người mẹ - luôn rộng mở... Phú đi thi về thì được cha giúp thay áo quần, dò lại bài làm. Buổi tối được các bạn đưa đi chơi, thăm thú thành phố. Đó là những cảm nhận của người cha suốt những ngày đầu đưa con lên thành phố dự thi.
Không chỉ nhận sự giúp đỡ của mọi người, hằng ngày ông “xung phong” nhận nhiệm vụ đi mua cơm về cho thí sinh và phụ huynh ở chung phòng trọ. Ông nói năng lưu loát, đi nhiều nên hiểu biết nhiều, hễ rảnh rỗi là ông ngồi tâm tình với con và các thí sinh khác trong phòng về những câu chuyện đền ơn đáp nghĩa, về công ơn cha mẹ, về đạo làm người... Một chân ông không co lại được nên đi lại, đứng ngồi rất khó khăn. Trên người nhìn đâu cũng thấy sẹo lồi sẹo lõm. Tai trái của ông không còn nghe được nữa kể từ lúc trở về từ chiến trường. Lúc cơn đau đầu tái phát cũng là lúc ông bị quên dần ký ức.
Nhìn hoàn cảnh của hai cha con, không ít người tỏ ý muốn xin cho Phú một học bổng, xin vào một trường nào đó mà không phải thi hay hỗ trợ chuyện học hành cho Phú để gia đình đỡ khổ. Rất lạ lùng, người cha ấy nói: “Nếu cứ nghĩ mình khuyết tật để trông chờ vào chuyện đặc cách thì sẽ mất dần ý chí. Cứ phải làm hết sức mình trước đã”. Rồi quay qua con, ông dặn dò: “Cha mẹ trồng cây 12 năm qua chỉ chờ ngày hái trái, trái ngọt trái ngon là ở các con đó”.
Phú cũng khá căng thẳng với kỳ thi năm nay. Mất tới ba năm để tập viết bằng chân trước khi vào lớp 1 nên em học trễ hơn bạn bè. Thọ, em trai Phú, đã bỏ học từ năm lớp 11 vì khi đó kinh tế gia đình khó khăn, phải đi làm để nhường anh trai vốn đã thiệt thòi cái suất được đến trường. Cha mẹ đều đã già, lại đau yếu suốt, kinh tế gia đình trông vào mảnh ruộng con con. Mọi hi vọng của gia đình đều trông chờ vào Phú. Không có tay nhưng đôi chân của Phú vẫn có thể viết, vẽ, giặt giũ, tự cắt tóc cho mình, xâu kim, khâu vá, giúp mẹ nhen lửa, xóc lúa... một cách rất khéo léo. Tuy nhiên, Phú lo lắng vì “cứ viết lâu là chân lại bị mỏi, tê cứng nên không thể làm bài nhanh như các bạn được”.
Kể chuyện đưa Phú đi thi, người cha nói: “Hồi nhỏ cháu bị bạn bè trêu chọc, vào lớp bị gọi là thằng cụt, có đứa còn vén áo của cháu lên cho các bạn khác chế nhạo. Lớn lên đi đến đâu người ta cũng tò mò chỉ trỏ. Cháu cũng tự ti, mặc cảm chứ. Nhưng rồi tôi nói với cháu: Khi con bước đến trường thi, với bạn bè đồng trang lứa, người ta nhìn con với đôi mắt khác”. Nói về cuộc đời của Phú, ông chỉ vỏn vẹn dùng câu nói của người xưa: “Đức năng thắng số, có phúc có phần”.
Người cha ấy tên Nguyễn Quỳnh Lộc (58 tuổi) ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Một người cha bình thường, giản dị trong vô số phụ huynh tay xách nách mang đưa con lên thành phố dự thi đại học của mùa thi đông đúc này. Hình ảnh hai đôi chân - một đôi chân của người cha đã kinh qua bom đạn nay không còn nguyên vẹn, một đôi chân của con có thể làm thay công việc của đôi tay - giữa đường phố Sài Gòn tấp nập sau mỗi buổi thi như một bằng chứng sinh động về nghị lực phi thường của con người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận