Họa sĩ Đào Văn Hoàng ký họa tại núi Đá Dựng, Hà Tiên, Kiên Giang - Ảnh: NVCC |
Đoạn phim do anh Hoàng ghi lại là một trong nhiều phương pháp mà họa sĩ này dạy con gái về tình yêu và ý thức bảo tồn động vật hoang dã.
Dẫn con đi bắt cào cào
Bắt đầu vẽ tranh về động vật hoang dã từ năm 2000, họa sĩ Đào Văn Hoàng đã thực hiện nhiều dự án nghệ thuật cho các vườn quốc gia và tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực môi trường.
Đó không chỉ là công việc mà còn là đam mê của anh từ ngày trẻ. Khi đã là một người cha, anh Hoàng cho rằng “mình có trách nhiệm giáo dục con về bảo tồn”.
“Bản chất của giáo dục môi trường luôn cần thời gian. Đó là quá trình gieo vào trẻ em tình yêu thiên nhiên, để khi các em trưởng thành, ngồi ở những chiếc ghế quan trọng trong xã hội, các em sẽ cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định những dự án phá rừng, xây đập thủy điện hay công trình giải trí ảnh hưởng tự nhiên |
Họa sĩ Đào Văn Hoàng |
Ở ngay quận 2, TP.HCM, anh Hoàng cố gắng dẫn con đi bắt thằn lằn, cào cào, xem rắn, nuôi nòng nọc để con làm quen với tự nhiên trong những năm đầu đời.
“Mình đọc truyện, cho con xem phim về thiên nhiên, giúp con nhận biết các loài, phân biệt loài độc, loài lành và vai trò của chúng trong môi trường sống.
Khi con đã hiểu, tôi dạy con yêu và tôn trọng động vật hoang dã, đặc biệt là sự tự do của chúng. Khi trưởng thành, con sẽ đủ kiến thức và tình cảm để học cách bảo vệ động vật nói riêng, bảo tồn nói chung”.
Bé Phi Vân chơi đùa với trăn trong vườn quốc gia ở Madagascar - Ảnh: NVCC |
Bức vẽ vượn Cao Vít ở xã Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng do họa sĩ Đào Văn Hoàng thực hiện |
Không đơn thuần tái hiện vẻ đẹp tự nhiên, anh Hoàng thổi vào bức tranh những gam màu, câu chuyện cảm động về số phận của động vật hoang dã trước tác động từ con người và tự nhiên.
Công việc này cho phép họa sĩ chuyển tải thông tin khoa học và thực trạng môi trường một cách hấp dẫn, đầy cảm xúc.
Từng minh họa cho các ấn phẩm truyền thông giáo dục về môi trường, anh Hoàng cho rằng: “Làm quảng cáo và làm giáo dục đều cần những kỹ năng đặc biệt.
Anh có ý tưởng, thông điệp tốt nhưng chuyển tải nội dung khoa học nhàm chán, khô khan, hình thức qua loa, kênh tiếp cận cộng đồng không phù hợp thì hiệu quả giáo dục kém”.
Cầm trên tay cẩm nang hay quyển truyện tranh nhỏ xíu do anh thực hiện, học sinh (kể cả người lớn) đều sẽ tò mò về đời sống của những loài bò sát, linh trưởng, chim, cá và thấy chúng gần gũi cùng nhiều điều lý thú.
Đầu tư cho tương lai
Nhưng trên thực tế, các ấn phẩm truyền thông do các tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ thực hiện có số lượng rất hạn chế, chưa đủ phổ biến cho học sinh.
Với kinh nghiệm hơn 15 năm trong lĩnh vực này, anh Hoàng cho biết: “Làm giáo dục, nhất là giáo dục môi trường, như giọt nước bỏ biển.
Nhiều đơn vị, cá nhân đã nỗ lực nhưng sức lan tỏa chưa đủ sâu rộng, một phần do ngân sách hạn chế. Có lẽ người ta không thấy lợi ích trước mắt khi đầu tư vào giáo dục môi trường.
Rõ ràng, nếu anh góp tiền cho quỹ từ thiện, anh sẽ thấy ngay kết quả là một ai đó được cứu đói. Nhưng nếu anh đầu tư cho giáo dục, phải sau 10 năm, 20 năm mới hi vọng thấy kết quả”.
Khi được hỏi liệu có muốn con gái trở thành người làm công tác bảo tồn, anh Hoàng cho rằng: “Bảo tồn không phải điều gì to tát, không nhất thiết trở thành kiểm lâm mới làm bảo tồn được.
Với mỗi người, bảo tồn đơn giản là không tiêu thụ sản phẩm trực tiếp hay gián tiếp gây hại đến thiên nhiên hoang dã”.
Anh và gia đình vẫn có thói quen quan tâm mình đang tiêu thụ gì. Mỗi chiếc điện thoại ra đời, đâu đó một ngọn đồi bị san phẳng để vơ vét quặng kim loại. Mỗi gam “thần dược” làm ra là một cá thể gấu, tê giác, tê tê bị sát hại. Mỗi bàn gỗ mua về khiến thêm một cánh rừng bị đốn ngã.
“Ở những xứ đang phát triển như nước ta rất dễ bị cuốn theo cám dỗ tiêu thụ sản phẩm mới, đôi khi không cần thiết. Nhu cầu càng nhiều, người sản xuất càng đông, chúng ta tước đoạt thiên nhiên càng trầm trọng” - anh Hoàng trăn trở cho tương lai của Phi Vân.
Đào Văn Hoàng từng thiết kế không gian phòng trưng bày tại trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, Vườn quốc gia Cát Tiên, khu nghỉ dưỡng cho trẻ em nhiễm HIV (bệnh viện bệnh nhiệt đới); vẽ minh họa cho tài liệu giáo dục môi trường của các tổ chức WWF (World Wildlife Fund), WAR (Wildlife At Risk), FFI (Fauna & Flora International); tổ chức sự kiện giáo dục môi trường cho học sinh tiểu học tại Côn Đảo. Năm 2014, anh chính thức đi theo dòng tranh nghệ thuật về động vật hoang dã với tám triển lãm cá nhân tính đến nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận