Ngày 25-8 (giờ Việt Nam), truyền thông Pháp loan tin ông Durov, người được mệnh danh "Mark Zuckerberg của Nga", bị lực lượng chức năng Pháp bắt giữ tại Paris.
Giáng một đòn mạnh
Dù chính quyền Pháp chưa thông báo chính thức nhưng báo chí nước này đều khẳng định ông Durov bị bắt vì cáo buộc liên quan vận chuyển ma túy, bắt nạt trên mạng, lan truyền thông tin sai, tội phạm có tổ chức, dung túng khủng bố...
Những cáo buộc nhắm vào ông Durov đặc biệt ở chỗ ông không phải người trực tiếp thực hiện những hành vi này. Thay vào đó, Paris cho rằng nền tảng Telegram do ông sở hữu và điều hành đã buông lỏng việc kiểm duyệt nội dung và tạo điều kiện để tội phạm thực hiện những hành vi trên.
Ngay từ những ngày đầu thành lập hồi năm 2013, Telegram đã được ông Durov quảng bá là nền tảng ưu tiên tính riêng tư, bí mật và quyền tự do ngôn luận. Do đó Telegram rất hiếm khi kiểm duyệt những nội dung được đưa lên đây. Điều này giúp Telegram trở thành công cụ được tin dùng cho việc thể hiện quan điểm cá nhân, song cũng vô hình trung là hình thức liên lạc yêu thích cho các tổ chức tội phạm.
Vụ bắt ông Durov lập tức giáng một đòn mạnh vào các bên ủng hộ quyền tự do ngôn luận trên mạng. Nhiều tháng gần đây, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang có nhiều bước đi mạnh mẽ nhắm vào các mạng xã hội phổ biến nhằm hạn chế tình trạng phát tán thông tin sai lệch cũng như bảo vệ an ninh các nước thành viên. Tuy nhiên, các hoạt động xử lý ở cấp độ lãnh đạo mạng xã hội chỉ dừng ở mức điều trần trước cơ quan có thẩm quyền.
Trong lúc Chính phủ Pháp giữ im lặng, nhiều bên đã lên tiếng chỉ trích nước đi trên. Ông Dmitry Agranovsky, luật sư của ông Durov, chê trách "sự khôi hài" của quyết định trên: "Nó giống như đổ lỗi cho hãng xe vì xe của họ được dùng để phạm tội, hoặc đổ lỗi cho họ vì xe gây tai nạn".
Không chỉ "người nhà", không ít người có tiếng trong lĩnh vực truyền thông cũng lên tiếng bênh vực ông Durov. Sau khi thông tin về vụ bắt bớ ông Durov xuất hiện, chủ mạng xã hội X Elon Musk liên tục đăng các bài viết kêu gọi tự do ngôn luận cùng lời kêu gọi "Trả tự do cho Pavel". Ông chủ Tesla châm biếm: "Đến năm 2030, bạn có thể bị xử tử ở châu Âu vì bấm "thích" một bức ảnh chế".
Ông Robert Kennedy Jr. - ứng viên tổng thống Mỹ vừa rút lui - cũng bày tỏ quan điểm: "Pháp vừa bắt ông Pavel Durov, nhà sáng lập kiêm CEO nền tảng liên lạc mã hóa, không bị kiểm duyệt Telegram. Nhu cầu bảo vệ quyền tự do ngôn luận chưa bao giờ cấp bách như thế".
"Pavel Durov là tù nhân chính trị"
Đặt tự do ngôn luận sang một bên, vụ ông Durov bị bắt còn được quan tâm vì đây là tỉ phú người Nga sở hữu nền tảng Telegram được sử dụng phổ biến tại Nga trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây lên cao do cuộc chiến Nga - Ukraine.
Tất cả những điều trên đều cho thấy dù ít hay nhiều, ông Durov và Telegram vẫn có vai trò nhất định đối với an ninh thông tin của Nga. Từ khi Matxcơva triển khai "chiến dịch quân sự đặc biệt" tháng 2-2022 đến nay, Telegram luôn là công cụ mạnh mẽ được các mạng lưới quân sự Nga tin dùng.
Nhà khoa học chính trị Sergey Markov - đồng minh thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin và là người chắp bút nhiều bài phát biểu cho Điện Kremlin - nhận định: "Binh sĩ quân đội Nga tích cực sử dụng Telegram trên chiến trường. Do đó vụ bắt ông Durov có thể là nỗ lực của Pháp và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm kiểm soát hệ thống liên lạc và khống chế quân đội Nga ở Quân khu Đông Bắc".
Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vladislav Davankov cũng khẳng định việc phương Tây bắt ông Durov nhằm tiếp cận các thông tin được Telegram nắm giữ - điều "không được phép diễn ra" với Matxcơva.
Nặng nề hơn, nghị sĩ Duma Quốc gia Maria Butina còn chỉ trích: "Ông Pavel Durov là tù nhân chính trị, nạn nhân của cuộc săn phù thủy ở phương Tây. Giờ đây họ có một con tin và họ sẽ tìm cách uy hiếp Nga. Họ sẽ uy hiếp tất cả người dùng Telegram, sau đó không chỉ tìm cách kiểm soát mạng xã hội này mà còn chặn nó ở Nga".
Trong khi đó, mối quan hệ giữa CEO Telegram và Matxcơva tương đối phức tạp. Dù là người Nga nhưng ông đã bỏ xứ tha hương từ năm 2014 sau khi bị bãi nhiệm CEO mạng xã hội VKontakte (đối thủ chính của Facebook ở Nga) do ông đồng sáng lập. Từ đó đến nay, ông sống tại nhiều nơi và đã nhập tịch ở ba nước: Pháp, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Saint Kitts & Nevis.
Việc ông Durov để mất VKontakte được cho là do ông từ chối chia sẻ thông tin về những người biểu tình Ukraine trong sự kiện EuroMaidan cho tình báo Nga và chặn truy cập trang cá nhân của nhân vật đối lập Alexei Navalny. Bản thân quyết định thành lập Telegram cũng liên quan đến hai vụ việc này.
Tối 26-8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết khẳng định trên mạng xã hội X: "Đây hoàn toàn không phải là quyết định chính trị. Các thẩm phán là người quyết định".
Telegram lên tiếng
Đăng trên mạng xã hội X ngày 26-8 giờ Việt Nam, Telegram khẳng định nền tảng này tuân thủ quy định của EU, bao gồm đạo luật dịch vụ kỹ thuật số. Biện pháp kiểm duyệt của nền tảng đạt tiêu chuẩn của ngành và vẫn liên tục cải thiện.
"CEO Pavel Durov không có gì để giấu và vẫn thường xuyên di chuyển trong châu Âu" - Telegram tuyên bố.
"Gần 1 tỉ người dùng trên toàn cầu sử dụng Telegram làm phương tiện giao tiếp và là nguồn thông tin quan trọng. Chúng tôi đang chờ đợi một giải pháp nhanh chóng cho tình hình này", Telegram cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận