Tại diễn đàn lãnh đạo 2024 với chủ đề "Lãnh đạo kiến tạo tương lai", ông Lê Trí Thông - tổng giám Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) - đã khẳng định phát triển bền vững là con đường duy nhất để có một doanh nghiệp trường tồn.
Vì vậy, vấn đề hiện nay không phải là băn khoăn có làm hay không mà phải có tính toán chiến lược nhằm tạo ra giá trị hoàn lại.
PNJ đang hiểu "phát triển bền vững" như thế nào?
Theo ông Lê Trí Thông, phát triển bền vững đã có trong chiến lược của doanh nghiệp, vì thế, câu chuyện ở đây là chọn bền vững như thế nào khi PNJ có đặc thù sản xuất riêng.
"PNJ thực hành phát triển bền vững theo 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên Hiệp Quốc. Một trong số đó là tạo ra những sản phẩm nâng cao chất lượng cuộc sống, cân bằng giới hay giáo dục", CEO của PNJ chia sẻ với gần 500 doanh nghiệp tại sự kiện.
Vì xuất thân là công ty làm đẹp, PNJ hướng đến mục tiêu làm đẹp cho con người, làm đẹp cho cuộc đời không chỉ qua trang sức mà còn hướng đến giá trị con người, giúp ích cho cộng đồng gắn sứ mệnh "Làm đẹp cho nguời".
Vậy phát triển bền vững có tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp hay không?
Ông Lê Trí Thông cho rằng cần tiếp cận phát triển bền vững như là một dạng đầu tư cho lâu dài chứ không phải là tiêu tiền hay chi phí. Cái khó của các doanh nghiệp đó là giải bài toán cơm áo gạo tiền và cần một chi phí dài hạn để cam kết với chiến lược phát triền bền vững.
Và PNJ đã hoá giải cái khó bằng việc chọn ra cách làm riêng, gắn phát triển bền vững với giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Có những khoản đầu tư chúng ta không thu lời về ngay, những giá trị hữu hình, vô hình là bài toán mà ban quản trị cần phải tính ra được.
Ở khía cạnh quản trị, các công ty Việt Nam phát triển vững nhưng để bền thì lại là câu chuyện khác. Doanh nghiệp Việt Nam "vững" nhờ có khách hàng, có doanh số, lợi nhuận nhưng để đi đường xa và "bền" thì phải có sự cân bằng. Như một cỗ xe có động cơ mạnh thì các thiết bị hỗ trợ khác cũng phải chính xác, chuẩn tương ứng. Muốn vậy phải có hệ thống kiểm soát, chăm sóc tương ứng. PNJ đã nhận ra điều này và đang thuê các công ty tư vấn hoàn thiện mô hình quản trị của mình.
Ông Lê Trí Thông đúc kết: đầu tư thì phải nhận được kết quả, nhưng với phát triển bền vững quá trình này kéo dài hơn, trước tiên phải tác động được lên tư duy người lao động.
Tìm ra triết lý để thực hiện phát triển bền vững
Năm 2023, PNJ được Brand Finance công nhận là Thương hiệu trang sức giá trị nhất Việt Nam. Giá trị thương hiệu của PNJ năm 2023 là 428,43 triệu USD, tăng 17% so với năm 2022 và tăng 44% so với năm 2020. Bài toán cần làm gì để đưa thương hiệu PNJ lên 1 tỉ USD đã được chủ tịch UBND TP.HCM đặt ra trong buổi gặp lãnh đạo doanh nghiệp này.
Theo ông Lê Trí Thông, nếu phát triển vững mà không bền thì sẽ rất khó đạt mục tiêu này. Ở PNJ trong những năm qua, các lãnh đạo có cụm từ "SD to HD", nôm na là "soi đạo và hợp đời". Ở đây, nếu xem ESG mang tính đạo thì không phải cứ làm lớn là "đắc đạo" mà phải tìm được triết lý của mình hợp với thực tế của doanh nghiệp, dựa trên năng lực phù hợp.
Với suy nghĩ như vậy, phát triển bền vững là xu hướng mà doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tìm thấy nhiều lợi ích cho phát triển của mình. Không nên thực hiện ESG như một phong trào, mà cần xem nó là một phần của chiến lược kinh doanh.
Chia sẻ góc nhìn này, bà Lê Hoàng Uyên Vy - Đồng sáng lập Do Ventures - cho rằng bản thân các nhà đầu tư cũng sẽ ưu tiên những doanh nghiệp có tầm nhìn và có thể phát triển bền vững với cam kết lâu dài. Và thực tế, nhiều doanh nghiệp đã được quỹ lựa chọn tuy nhiên lại không đáp ứng được tiêu chí ESG mà quỹ đề ra và mất cơ hội tăng vốn.
Bà Cao Thị Ngọc Dung - chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) PNJ - cho rằng năm 2024 tiếp tục bức tranh thế giới VUCA sau COVID-19 với những diễn biến ngày càng khó lường và phức tạp.
Bất ổn địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới, nhiều cuộc chiến tưởng sẽ không thể xảy ra đã bùng nổ và còn kéo dài chưa hồi kết. Điều này càng khiến các nhà hoạch định chính trị, xã hội, kinh tế không khỏi đau đầu.
Trong khi đó, những thách thức từ biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. Sự xuất hiện của các công nghệ mới, đặc biệt là Generative AI, càng gia tăng khả năng xuất hiện khả năng phát triển bứt phá trong các ngành kinh doanh truyền thống.
Những tác động của Trí tuệ nhân tạo (AI) lên phương diện nhân sự trong tổ chức còn là sự hoang mang về tương lai nghề nghiệp của chính họ vì sự thay đổi về tính chất của công việc diễn ra càng nhanh hơn với cuộc chuyển đổi số 4.0.
Bà Dung cũng cho biết nhờ có niềm tin cùng giá trị cốt lõi, bà đã dẫn dắt PNJ vượt qua những khó khăn, đồng thời niềm tin cũng cho nhà lãnh đạo sẽ xây dựng được PNJ trở thành một doanh nghiệp trường tồn.
HAWEE Leaders Forum là Diễn đàn thường niên do Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) sáng lập và tổ chức, nhằm định hình năng lực lãnh đạo & kiến tạo tương lai Việt Nam, thông qua các hoạt động Kiến tạo - Kết nối - Xây dựng nền tảng cho các nhà Quản lý và lãnh đạo.
Diễn đàn đem đến tư duy của những chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, những câu chuyện từ thực tiễn lãnh đạo của các tổ chức với mong muốn sẽ góp phần tạo nên thế hệ lãnh đạo có đủ nội lực, trí tuệ và tầm ảnh hưởng cho Việt Nam và khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận