Anh Võ Minh Quân và dự án IMP: Khát vọng xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử - Video: TRƯƠNG KIÊN - MAI HƯƠNG - TÔN VŨ
* Điểm khác biệt ở dự án khởi nghiệp của anh là gì?
- Anh Võ Minh Quân: IMP Marketing cung cấp các dịch vụ digital marketing (marketing kỹ thuật số) cho các nền tảng thương mại điện tử toàn cầu. So với các công ty cùng ngành, chúng tôi có các khác biệt sau:
Nhóm khách hàng chủ lực của IMP là những công ty bán hàng cho các thị trường ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu, đặc biệt là các công ty Việt Nam đã bán hàng được cho thị trường toàn cầu và muốn mở rộng quy mô và doanh số.
Bên cạnh việc thu hút người mua mới, chúng tôi giúp các đối tác gia tăng lợi nhuận bằng cách tăng giá trị tạo ra được từ các khách hàng hiện tại như là tăng số lần mua hàng và tăng giá trị của đơn hàng. Qua đó, IMP cũng giúp cho đối tác giảm bớt sự lệ thuộc vào quảng cáo, tránh được tình trạng tắt quảng cáo là không còn hiệu quả.
IMP chia khách hàng thành nhiều phân khúc khác nhau theo đặc điểm và hành vi mua hàng, cài đặt các kịch bản tự động tương tác với khách hàng và gửi đi các thông điệp cá nhân hóa, phù hợp với chân dung và hành vi của từng người.
* Theo anh, đâu là thử thách đáng kể nhất IMP từng đối mặt?
- Mô hình kinh doanh quá phụ thuộc vào nhân sự. Chúng tôi không sở hữu tài sản, trang thiết bị, công nghệ… của riêng mình. Trong khi đó, ngành này cần các nhân sự năng động, có chuyên môn, khả năng tư duy và kỹ năng làm việc nhóm cao. Những bạn như vậy thì thường lại không gắn bó với một chỗ quá lâu. Việc này tạo ra áp lực lớn về chuyện tuyển dụng, đào tạo.
Rào cản về ngôn ngữ, văn hóa và sự thấu hiểu người dùng. Điều này rất quan trọng khi triển khai các hoạt động marketing cho các nước khác.
Hiểu rõ điều này, IMP có xây dựng các quy trình để nắm chặt chẽ mô hình kinh doanh, sản phẩm - dịch vụ và đối tượng mục tiêu của từng dự án. Công ty luôn chú trọng chuyện phải phối hợp chặt chẽ với đối tác và tôn trọng góc nhìn khác biệt của họ.
* Đại dịch COVID-19 có tác động nhiều đến start-up của anh?
- Khi đại dịch xảy ra, một trong những việc đầu tiên mà các doanh nghiệp làm là cắt giảm chi phí. Marketing là một trong những mảng bị cắt ngân sách đầu tiên. Có nhiều khách hàng lâu năm phải dừng dự án, hoặc giảm quy mô, hoặc trì hoãn việc triển khai vô thời hạn…
Nhiều khách hàng của IMP phải đóng cửa, dẫn tới việc kết thúc sớm dự án. Có các trường hợp khách hàng cũng không thanh toán được cho những hạng mục đã triển khai.
Bên cạnh đó, mọi người cũng không thể lên văn phòng làm việc được, nên việc giao tiếp, phối hợp cũng bị ảnh hưởng. Tình thế lúc đó đúng "ngàn cân treo sợi tóc".
* Khi đó, công ty chọn giải pháp nào?
- IMP chọn không cắt giảm nhân sự hay cắt giảm lương, mà rà soát và cắt giảm các khoản chi phí thuộc nhóm không thiết yếu. Chúng tôi cũng cắt giảm các dự án không hiệu quả.
Trong rất nhiều hướng đi thử nghiệm, chúng tôi tìm thấy một hướng rất phù hợp với các năng lực cốt lõi của công ty và đúng cái thị trường cần. Đó chính là trở thành một đối tác digital marketing, giúp các công ty thương mại điện tử toàn cầu gia tăng lợi nhuận bằng cách áp dụng công nghệ, dữ liệu và phương pháp tiếp thị tinh gọn để gia tăng doanh thu, giảm chi phí, và khai thác tốt hơn cơ sở dữ liệu…
Và đây chính là hướng đi mà IMP đang và sẽ theo đuổi trong thời gian tới.
* Thất bại nào ý nghĩa nhất trong hành trình khởi nghiệp?
- Trong rất nhiều khó khăn và thất bại, chúng tôi có thể quy về ba nhóm chính là tài chính (tiền), con người và mô hình kinh doanh.
Đơn cử có một năm thời điểm cận Tết, tôi không đủ tiền để trả lương và thưởng cho nhân viên. Trên giấy tờ thì công ty vẫn có lời, nhưng tôi không quản lý tốt dòng tiền. Hậu quả là tôi phải vét hết tiền cá nhân và vay mượn bạn bè 200 triệu đồng ngay trước Tết để giữ lời hứa không trả lương chậm cho nhân viên (cho tới bây giờ, tôi vẫn giữ được lời hứa này).
Sau lần đó, tôi đã cấp tốc đi học các lớp về kế toán và tài chính dành cho lãnh đạo để "vá" các lỗ hổng kiến thức.
* Tham vọng của anh trong những năm tới?
- Tham vọng là chúng tôi, bao gồm các đối tác chiến lược, sẽ xây dựng được một hệ sinh thái về thương mại điện tử ở quy mô toàn cầu. Trong đó, sẽ có các công ty dịch vụ về digital marketing, phát triển thương hiệu…
Và lý tưởng nhất là chúng tôi có thể hợp tác với nhiều đối tác khác trong và ngoài nước để thúc đẩy việc xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam ra nước ngoài, bán cho người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới.
Hiện tại chúng tôi đã và đang trên con đường hiện thực hóa tầm nhìn. IMP là đối tác của Google, Meta, và Klaviyo... Chúng tôi cũng phối hợp với các đại diện của Amazon và Alibaba để bán một số sản phẩm "made in Vietnam" sang Hoa Kỳ.
Mời đặt câu hỏi và đăng ký dự talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp"
Hội đồng thẩm định đã chọn được 22 start-up tiêu biểu cùng một giải start-up truyền cảm hứng và giải start-up xanh của Tuổi Trẻ Start-up Award 2023. Các dự án này nhận khoản hỗ trợ kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, Ngân hàng ACB, Thái Bình Group, Volvo, IDICo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân golf Thủ Đức... Trong đó, dự án được trao giải đặc biệt trị giá 100 triệu đồng từ GIBC.
Lễ vinh danh các start-up tiêu biểu sẽ diễn ra tại talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp" với chủ đề "Trong khủng hoảng, tìm thấy cơ hội?" tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM ngày 26-4. Nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler - lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ - là diễn giả chính tại sự kiện này.
Ngoài ra còn có các diễn giả: ông Phạm Phú Ngọc Trai - nhà sáng lập và chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh và Hội nhập toàn cầu (GIBC); ông Don Lam - tổng giám đốc và cổ đông sáng lập VinaCapital; bà Nguyễn Thị Diệu Hằng - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (BSSC); ông Lê Yên Thanh - sáng lập và CEO Phenikaa MaaS, Forbes Under 30; bà Phạm Khánh Linh - sáng lập và CEO Logivan, Forbes Under 30.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận