Người tài xế này cho biết ông đã từng lái xe cho Uber một thời gian dài trước khi chuyển sang Grab. Ảnh chụp trên đường ở khu vực Punggol, Singapore. Ảnh: LÊ NAM
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online tại văn phòng khu vực Đông Nam Á đóng tại Singapore về việc án phạt của CCCS sẽ gây khó khăn gì cho hoạt động của Grab hay không, ông Anthony Tan, CEO tập đoàn và đồng sáng lập Grab cho biết Grab "sẽ hợp tác và vượt qua án phạt này".
Ông Anthony Tan nói rằng hãng này hiểu rõ cạnh tranh tồn tại ở rất nhiều thị trường, và các chính phủ cũng muốn tạo thêm việc làm, và môi trường cạnh tranh...
"Chúng tôi cũng có những sai lầm nhưng tôi có thể khẳng định Grab sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ để tạo thêm nhiều việc làm, thêm nhiều sáng tạo và tạo thêm nhiều cơ hội kiếm tiền cho người dân cũng như các doanh nghiệp", ông Tan nói.
Chia sẻ với các đồng nghiệp Singapore trong sự kiện hãng này ra mắt nền tảng mới ngày 10-7, ông Anthony Tan ví von: "Trong mọi mối quan hệ, chẳng hạn quan hệ vợ chồng, có những lúc sẽ không đồng ý trên vấn đề nào đó. Nhưng cuối cùng thì hai bên cũng phải hiểu ra được và trưởng thành cùng nhau với cùng hy vọng cả hai vẫn tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân".
Ông Tan nói rằng chính phủ Singapore hiểu rằng Grab đóng vai trò quan trọng trên thị trường này vì Grab là một trong những công ty tuyển dụng nhiều nhân tài kỹ sư công nghệ thông tin ở Singapore.
Ông Anthony Tan, CEO tập đoàn và đồng sáng lập Grab tự tin khẳng định "Singapore cũng cần chúng tôi" - Ảnh: LÊ NAM
"Thực tế chính phủ Singapore cũng cần chúng tôi" ông Anthony Tan tự tin khẳng định với các phóng viên Singapore.
Hơn 90% lái xe Uber chuyển sang Grab
Trong một báo cáo của bộ trưởng Giao thông Singapore Khaw Boon Wan với thành viên Quốc hội bà Joan Pereira, đại diện khu vực Tanjong Pagar cho biết hơn 9.000 trong tổng số 10.000 lái xe Uber đã chuyển sang làm việc cho Grab.
Các lao động khác của Uber sẽ được chuyển sang làm việc cho Grab hoặc được đền bù hợp đồng nếu chọn nghỉ việc.
Grab cho biết đạt cột mốc 2 tỉ chuyến xe vào ngày 7-7-2018, sẽ là công ty Đông Nam Á đầu tiên đạt đến mức doanh thu 1 tỉ USD trước cuối năm 2018.
Trước đó, ngày 26-3, Grab tuyên bố mua lại toàn bộ hoạt động của công ty Uber tại Đông Nam Á và Uber có 27,5% cổ phần trong công ty mới sau vụ mua bán và sáp nhập này.
Hãng này cũng tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam và tích hợp các dịch vụ này vào nền tảng công nghệ tài chính và di chuyển đa phương thức của Grab.
Ngay sau đó, Ủy ban Cạnh tranh Singapore (CCCS) đã đề xuất biện pháp tạm thời (IMD) đối với việc sáp nhập của hai công ty này, đồng thời buộc phải "duy trì hoặc khôi phục cạnh tranh và đảm bảo các điều kiện thị trường".
Cơ quan này cho biết thương vụ Uber - Grab được thực hiện kiểu "giao dịch mà không báo trước".
Ngày 5-7, CCCS ra thông báo khẳng việc sáp nhập của Grab và Uber về thực chất là ngăn cản cạnh tranh và đề nghị phạt tiền cả hai công ty dịch vụ vận tải này.
Ủy ban cạnh tranh của Singapore cho biết đã tiến hành điều tra từ hai bên và cả bên thứ ba để có những chứng cứ khẳng định điều này.
CCCS cũng cho biết đã đệ trình một hình thức phạt tiền cả hai công ty Uber và Grab do đã thực hiện chuyển giao thay vì phải lường trước được khả năng cạnh tranh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận