11/04/2018 00:06 GMT+7

CEO Facebook Zuckerberg khai gì về vụ lộ thông tin người dùng?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO – Lần đầu tiên, giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg của Facebook phải điều trần trước Quốc hội Mỹ về vụ bê bối lớn nhất lịch sử 14 năm của mạng xã hội này.

CEO Facebook Zuckerberg khai gì về vụ lộ thông tin người dùng? - Ảnh 1.

Mark Zuckerberg và Thượng nghị sĩ Bill Nelson trong ngày 9-4- Ảnh: REUTERS

Trong sự kiện bắt đầu từ 2h15 trưa 10-4 (tức khoảng 2h rạng sáng nay 11-4 giờ Việt Nam), ông Zuckerberg sẽ có buổi điều trần đầu tiên với Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ và Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ.

Hai cuộc điều trần

Buổi điều trần này có tên gọi là "Sự riêng tư trên Facebook, Truyền thông xã hội và Việc sử dụng và dụng dữ liệu", với sự có mặt của Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Chuck Grassley (Đảng Cộng hòa) và Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông Thượng viện John Thune (Đảng Cộng hòa).

Sau buổi điều trần này, ông Zuckerberg sẽ tiếp tục phiên điều trần khác trước Hạ viện Mỹ vào 10h sáng 11-4 (tức 10h tối cùng ngày theo giờ Việt Nam).Ngày 9-4 (giờ Mỹ), ông Zuckerberg đã có cuộc họp với một số nhà lập pháp ở Mỹ tại Đồi Capitol, tức toà nhà Quốc hội Mỹ.

Sự hiện diện của ông Zuckerberg trong bộ vest đen tại Đồi Capitol là sự kiện đầu tiên, mở màn cho một tuần đầy căng thẳng của CEO 33 tuổi này, liên quan tới vụ bê bối làm lộ thông tin của 87 triệu người dùng Facebook.

Từ tháng 3, dư luận khắp thế giới xôn xao về chuyện những thông tin cá nhân trên đã lọt vào tay công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica. Điều này có nghĩa Facebook đứng trước dấu hỏi lớn về việc liệu họ có phản bội chính người dùng của mình hay không.

Thông tin từ Facebook có thể giúp ông Trump thắng cử? - Video: BBC

Ông Zuckerberg sẽ phải trả lời những câu hỏi nhiều người muốn biết như làm thế nào Facebook thu thập, phân tích và chia sẻ thông tin của người dùng.

Ngoài ra, các nhà lập pháp cũng muốn biết các thông tin trên nền tảng Facebook ảnh hưởng thế nào tới cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, vì Cambridge Analytica là công ty liên quan chặt chẽ tới chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump – người sau đó đắc cử Tổng thống.

Theo chương trình, "ông chủ" của Facebook sẽ khai với Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện.  

Ông Zuckerberg sẽ khai gì?

Trước các buổi điều trần này, phía Facebook đã công bố nội dung dự kiến xoay quanh lời khai của ông Zuckerberg trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện.

Trong đó, người đứng đầu mạng xã hội này đưa ra lời xin lỗi như sau:

"Rõ ràng giờ đây chúng tôi đã không hành động đúng mức để ngăn chặn các công cụ này (Facebook và một số tính năng của nó) bị sử dụng và tạo ra nguy hại. Nó đã chứng kiến những tin tức giả mạo, sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử và những nội dung gây thù hận, cũng như sự riêng tư của các nhà phát triển và dữ liệu. Đó là lỗi của tôi, và tôi xin nhận lỗi. Tôi đã tạo ra Facebook, tôi vận hành nó, và tôi chịu trách nhiệm cho những gì đang xảy ra ở đây".

Ngoài ra Zuckerberg cũng sẽ tập trung vào xử lý hai vấn đề cơ bản nhất liên quan tới vụ bê bối lần này bao gồm: Công ty Cambridge Analytica và nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Trong mỗi phần, ông Zuckerberg sẽ trình bày hai ý, bao gồm: "Chuyện gì đã xảy ra" và "Chúng tôi đang làm gì".

Đây được xem là những lời khai cụ thể nhất để Hạ viện Mỹ hiểu được chuyện gì đã xảy ra giữa Facebook và Cambridge Analytica, giữa Facebook với nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ, cũng như hiện tại công ty công nghệ này đang xử lý vấn đề như thế nào.

Theo nội dung dự kiến mà Facebook đưa ra, vấn đề Cambridge Analytica được hiểu như sau:

Năm 2007, Facebook ra mắt nền tảng mạng xã hội của mình kèm theo một tầm nhìn rằng tương lai sẽ có thêm nhiều ứng dụng đi vào xã hội.

Lấy ví dụ "lịch Facebook" sẽ giúp người dùng biết ngày sinh nhật của bạn bè có kết nối với mình, "bản đồ Facebook" sẽ cho biết nơi ở của bạn bè, và địa chỉ Facebook của người dùng sẽ đi kèm ảnh mà họ chia sẻ. Đó là một số thông tin cá nhân của người dùng.

Đến năm 2013, một nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge có tên Aleksandr Kogan đã tạo ra một ứng dụng cá nhân với nội dung hỏi đáp.

Ứng dụng này được 300.000 người dùng Facebook đồng ý (tự nguyện) chia sẻ một số thông tin trên Facebook của mình, cũng như thông tin từ bạn bè của họ nếu "phần cài đặt riêng tư của nhóm bạn bè ấy cho phép chia sẻ".

Cho đến năm 2014, Facebook đã thay đổi nền tảng để hạn chế đáng kể các thông tin người dùng đang chia sẻ. Đặc biệt các ứng dụng như của nhà nghiên cứu tên Kogan ấy cũng không còn quyền tiếp cận thông tin người dùng nữa.

Đến năm 2015, báo Guardian (Anh) đăng tin Kogan đã chia sẻ dữ liệu mà người này thu thập được trước đây cho công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica. Điều này đi ngược lại với chính sách của Facebook.

Tháng trước, khi vụ rò rỉ thông tin người dùng rộ lên, Facebook đã xem xét và sau đó lập tức cấm Cambridge Analytica sử dụng dịch vụ của mình.

Như vậy, theo bản nội dung của Facebook nêu trên, ông Zuckerberg sẽ "đổ lỗi" cho Cambridge Analytica, vì trong đó khẳng định công ty trên đã không giữ đúng lời hứa rằng sẽ xóa những dữ liệu người dùng mà họ đang sở hữu.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên