Nông dân Tunisia, Bassem Sahnoun, làm việc trên đồn điền xương rồng lê gai của mình ở Nabeul, Tunisia ngày 4-7-2024. Ảnh: reuters.com
Đó chính là cây xương rồng lê gai (Opuntia Ficus), một biểu tượng cho sự kiên cường và khả năng thích nghi trong môi trường khắc nghiệt.
Câu chuyện về cây xương rồng lê gai bắt đầu từ miền Nam khô hạn của Italy, nơi nông nghiệp đang phải đối mặt những thách thức chưa từng có. Trong bối cảnh cây ôliu - sản vật đặc trưng của vùng Puglia - bị tàn phá bởi dịch bệnh Xylella và biến đổi khí hậu, công ty khởi nghiệp Wakonda đã tìm ra giải pháp mới mẻ.
Ông Andrea Ortenzi đã nảy ra ý tưởng trồng xương rồng từ 20 năm trước, khi còn làm việc tại Brazil, nơi cây xương rồng được sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Trở về Italy, ông Ortenzi nhận ra rằng xương rồng không chỉ có thể thích nghi tốt với điều kiện khô hạn mà còn mang lại giá trị kinh tế vượt trội. Chính vì thế, vào năm 2021, ông đã cùng 4 người bạn sáng lập Wakonda, khởi động dự án đầy tham vọng: biến xương rồng lê gai thành cây trồng chiến lược của ngành nông nghiệp Italy.
Cây xương rồng lê gai có thể được xem là một "vị cứu tinh" cho nông nghiệp hiện đại. Không chỉ cứng cáp, cây xương rồng còn tiêu tốn lượng nước cực kỳ ít - chỉ bằng 1/10 so với cây ngô, một trong những cây trồng tiêu nước nhiều nhất hiện nay. Nhờ khả năng sinh trưởng mạnh mẽ trong điều kiện khô hạn, xương rồng lê gai có thể phát triển tốt ở những vùng đất không thuận lợi cho các loại cây trồng khác.
Hơn thế nữa, sản phẩm từ xương rồng cũng đa dạng và giá trị. Xương rồng có thể được chế biến thành thức uống năng lượng ít calo, giàu dinh dưỡng từ nước ép bẹ xương rồng. Ngoài ra, xương rồng còn là nguồn cung cấp thực phẩm giàu đạm cho gia súc, góp phần bổ sung vào chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững. Không dừng lại ở đó, phần thừa từ xương rồng sau khi chế biến còn được đưa vào các bể phân hủy sinh học để sản xuất khí methane - một loại nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường.
Điều đặc biệt trong mô hình của Wakonda là sự hợp tác chặt chẽ với nông dân địa phương. Ông Andrea Ortenzi chia sẻ rằng thay vì chiếm dụng đất canh tác, công ty này cam kết sẽ mua toàn bộ sản lượng xương rồng của nông dân trong vòng ít nhất 15 năm. Cách tiếp cận này không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân mà còn giúp giảm thiểu rủi ro do biến động thị trường.
Công ty còn hỗ trợ nông dân về mặt công nghệ, thiết bị và kiến thức, giúp họ phát triển cây xương rồng một cách hiệu quả và bền vững. Đây chính là sự kết hợp giữa đổi mới sáng tạo và truyền thống, giữa khoa học công nghệ và sự hiểu biết sâu sắc về nông nghiệp, tạo ra một chuỗi cung ứng nông sản không chỉ bền vững mà còn bảo vệ môi trường.
Cây xương rồng lê gai không chỉ là niềm hy vọng của nông dân Italy. Tại Tunisia, xương rồng chiếm tới 12% diện tích đất canh tác, mang lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn người dân, đặc biệt là phụ nữ. Còn ở Mexico, bẹ xương rồng đang được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất da thực vật, thu hút sự quan tâm của các thương hiệu lớn như Adidas và Toyota.
Chuyên gia Makiko Taguchi từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) khẳng định rằng ngành công nghiệp xương rồng đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt là trong các lĩnh vực thức ăn gia súc và nhiên liệu sinh học.
Đặc biệt, trong thời đại biến đổi khí hậu, khi đất đai trở nên cằn cỗi và thiếu nước, cây xương rồng lê gai đã chứng minh rằng loài cây này không chỉ là giải pháp nông nghiệp hiệu quả mà còn là một phương án bền vững cho tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận