28/09/2020 07:43 GMT+7

Cây xanh ngã đè người đi đường: Đã đến lúc cho cây lâu năm 'nghỉ hưu'?

LÊ PHAN
LÊ PHAN

TTO - Tại TP.HCM hiện nay có hàng trăm cây cổ thụ được trồng từ thời Pháp. Sau các tai nạn cây xanh, nhiều ý kiến cho rằng cây cũng cần 'nghỉ hưu' như con người, cần phải trồng thay mới để giảm thiểu nguy cơ tai nạn 'từ trên trời rơi xuống'.

Cây xanh ngã đè người đi đường: Đã đến lúc cho cây lâu năm nghỉ hưu? - Ảnh 1.

TP.HCM cần có phương án cho cây xanh “nghỉ hưu”, thay cây mới để đảm bảo an toàn. Trong ảnh: hàng cổ thụ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đô thị không thể vắng bóng cây xanh, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu ngày một phức tạp như hiện nay. Vấn đề thay mới cây xanh đô thị ở TP.HCM như thế nào cần được nghiên cứu nghiêm túc, khoa học và lộ trình thực hiện để có được sự đồng thuận từ người dân.

Không tính được tuổi cây

Đường Trần Quang Khải (Q.1) hiện có hàng chục cây dầu cổ thụ cao 20-30m, phần thân thẳng đuột vươn cao hơn tòa nhà 4-5 tầng, đường kính gốc hơn 1m. Tương tự hàng dầu trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có độ cao không kém cạnh, thậm chí có cây đường kính thân còn lớn hơn. 

Hay tại đường Nguyễn Đình Chiểu, hai cây sọ khỉ (xà cừ) cao khoảng 40m, gốc cây nơi to nhất có thể đạt 3m cũng đứng sừng sững bao năm nay. Đường Trần Quốc Thảo, quận 3 cũng có hàng lim xẹt cao khoảng 30m, cành lá sum sê.

Ngoài ra nhiều tuyến đường khác như An Dương Vương, Ba Tháng Hai, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thị Minh Khai... cũng có rất nhiều cây cổ thụ trồng dọc hai bên đường.

Khi được hỏi cây có từ bao lâu thì không ai biết rõ. Nhiều người cao tuổi cho hay mấy chục năm trước đã thấy cây rồi. Ngay cơ quan chức năng cũng không nắm rõ được số tuổi của các cây cổ thụ này. Do được trồng lâu năm cộng với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều cây cổ thụ bị xâm hại nhưng chưa có quy định thay mới như thế nào và hướng dẫn thay mới cụ thể nên trong mùa mưa bão vẫn thường xảy ra các tai nạn cây xanh thương tâm.

Hiện nay, ngành cây xanh chủ yếu duy tu thăm khám các khiếm khuyết, sâu bệnh rồi đề xuất thay mới từng cây chứ chưa có nghiên cứu về việc thay thế đại trà, cho các cây cổ thụ được "nghỉ hưu". 

Và ngay cả việc thăm khám cây cũng rất thủ công, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Nhân viên cây xanh sẽ quan sát trên thân cây để phát hiện mối mục hoặc nhìn cành lá để xác định cây còn tươi hay có dấu hiệu héo úa. Có những cây dù xanh tốt bên ngoài nhưng bên trong đã mục ruỗng, hư hại hoặc bộ rễ mục nằm dưới lòng đất mà không phát hiện được.

Trước đây Công ty Công viên cây xanh TP.HCM đã thử nghiệm dùng máy siêu âm để phát hiện các dấu hiệu sâu bệnh của cây xanh. Thời điểm máy đưa vào thử nghiệm năm 2013, nhiều chuyên gia lâm nghiệp cho rằng máy này hiệu quả hơn đối với việc kinh doanh gỗ, không thích hợp để chăm sóc cây xanh đô thị. Riêng việc định tuổi của cây hầu như chưa thực hiện được.

Cây xanh ngã đè người đi đường: Đã đến lúc cho cây lâu năm nghỉ hưu? - Ảnh 2.

Hàng cây dầu cổ thụ tại đường Trần Quang Khải, quận 1, TP.HCM mọc cao hơn tòa nhà 4-5 tầng - Ảnh: LÊ PHAN

Đang đợi duyệt đề án

Ông Vũ Văn Điệp - giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - cho biết Sở Xây dựng đã tổ chức hội thảo nghiên cứu về quản lý cây loại 2-3 (cây cổ thụ - PV) và đã lập đề án báo cáo UBND TP, đang trình Thành ủy TP phê duyệt.

Trước nay việc thay thế cây xanh đường phố chủ yếu dựa vào cây có sâu bệnh, mục ruỗng, cản trở giao thông... hay không. Đề án này đã tính toán tới việc thay thế các cây cổ thụ lâu năm trên đường phố và trồng mới các cây khác có bóng mát nhưng tán cây thấp hơn để đảm bảo an toàn đường phố. 

Tuy nhiên việc thay mới không thể thực hiện ồ ạt mà phải có lộ trình, đặc biệt là trước khi thực hiện thì thông tin tới người dân biết để tránh các luồng ý kiến phản ứng do chưa có đủ thông tin. Còn cụ thể lộ trình thay thế ra sao, cây nào được chọn đang được các chuyên gia Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Bách khoa hỗ trợ nghiên cứu.

Theo ông Điệp, hiện tại khi một cây cổ thụ qua khảo sát buộc phải đốn hạ để đảm bảo an toàn cũng được thông tin về địa phương, đến tận tổ dân phố. Người dân tại địa phương nắm thông tin nên không phản ứng nhưng người đi đường ngang qua chụp ảnh đăng lên mạng là dư luận phản ứng.

Nhưng khi đốn hạ cây cổ già cỗi, hư hỏng và trồng cây mới, liệu cây có thể phát triển được trong điều kiện nhà cao tầng và cây cao xung quanh che khuất? Ông Lê Công Phương - giám đốc Công ty Công viên cây xanh TP.HCM - cho biết việc đốn hạ máy móc có thể hỗ trợ không gây ảnh hưởng tới người dân. Đối với việc trồng mới sẽ có chọn lọc cây phù hợp với đô thị, thích ứng với điều kiện thiếu sáng, thiếu đất và có hướng chăm sóc cho cây phát triển.

Tuy nhiên, theo ông Phương, phải có tính toán trồng các cây phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu và xu hướng phát triển của thành phố. Nếu chọn sai trồng một thời gian không phù hợp, phải đốn hạ sẽ lại gây phản ứng trong dư luận. 

"Nước ngoài cũng có tổ chức thay mới cây xanh nhưng không phải đốn hàng loạt và còn tùy vào vị trí trồng ở đâu. Họ tổ chức đốn hạ thay mới các cây ở vùng ven hoặc các vị trí trồng làm thảm xanh chứ không đốn hàng loạt ngay trên đường phố. Cần phân biệt rõ vấn đề này tránh so sánh khập khiễng", ông Phương nói.

Thay thế dần, không làm đồng loạt

Ông Phương cho biết nếu đề án thay mới cây xanh được duyệt, nhìn ở góc độ chuyên môn những cây nào nguy hiểm sẽ cho thay thế dần chứ không nên cho thay hàng loạt.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Thi, khoa sinh học - công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết không ủng hộ việc thay thế hàng loạt các cây cổ thụ. Thực tế có nhiều cây lớn trên đường phố có thể sống hàng trăm năm. Tuổi thọ mỗi loài cây khác nhau, chưa có nghiên cứu cụ thể, không thể cho thay hàng loạt.

"Các cây cổ thụ ở đô thị đều là những cây có bộ rễ rất chắc nhưng con người góp phần làm cây xanh mất an toàn. Có trường hợp cây trong công viên Tao Đàn rễ tốt nhưng vẫn bật gốc, do đó phải tùy trường hợp chứ không phải cứ cây cổ thụ lâu năm là phải thay thế. 

Như Singapore có hệ thống cây xanh phát triển, những vấn đề TP.HCM đang gặp phải, 30 năm trước họ phải đối mặt. Họ chia sẻ rằng cần phải có một đội ngũ chuyên nghiệp chuyên đi thăm khám, giám sát khoảng 200 người. Lực lượng này tách rời với lực lượng chăm sóc bảo dưỡng. TP.HCM chưa có nên việc quản lý còn rất khó, ngoài ra trang thiết bị cũng chưa đáp ứng được việc chăm sóc, phát triển cây xanh", bà Lan Thi chia sẻ.

Theo bà Lan Thi, không nên thay thế cây xanh đồng loạt mà phải tùy trường hợp. Cây nào hư hại thì thay, cây nào khỏe mạnh phải bảo tồn. Cây xanh cùng loài trồng vị trí khác nhau nhưng sức sinh trưởng cũng khác nhau, do đó phải nghiên cứu từng trường hợp cụ thể. 

"Thay thế chỉ có thể thay xen kẽ, cuốn chiếu mới hiệu quả. Hiện nay hàng loạt cây dầu trên đường Ba Tháng Hai cũng được đưa vào diện xử lý do khi làm cống khiến bộ rễ cây bị xâm hại. Nhưng nếu tổ chức đốn cây này chắc chắn dư luận sẽ phản ứng nên cơ quan chức năng đang nghiên cứu cách xử lý hợp lý nhất", bà Lan Thi nói.

TP.HCM có hơn 154.000 cây xanh

Năm 2019, công tác quản lý nhà nước về cây xanh ở TP.HCM được chuyển từ Sở Giao thông vận tải về Sở Xây dựng. Số liệu thời điểm này cho thấy trên địa bàn TP có 122,84ha công viên; 206,85ha mảng xanh, trong đó có 154.822 cây xanh các loại.

Nhiều tuyến đường trên địa bàn TP hiện vẫn còn rất nhiều cây cổ thụ được trồng từ thời Pháp như: sao, dầu, sọ khỉ... Để phát triển cây xanh đô thị, TP.HCM đã ban hành được danh mục 28 loại cây cấm trồng trên đường phố, trong đó sọ khỉ là cây thuộc danh mục cấm trồng.

Gắn nơ "thương tiếc" lên cây sắp bị chặt

Thời điểm năm 2014, khi TP.HCM có quyết định cho đốn hạ hàng cây sọ khỉ trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1 để xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 đã vấp phải sự phản ứng của người dân. Theo Sở GTVT TP.HCM (đơn vị quản lý cây xanh lúc bấy giờ), có 258 cây xanh sẽ bị chặt hạ và di dời vì ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng thi công cầu. Trong tổng số cây trên đường Tôn Đức Thắng, có 115 cây di dời và 143 cây bị đốn hạ.

Lúc đó một nhóm bạn trẻ đã gắn nơ vàng lên cây bày tỏ sự thương tiếc khi cây phải nhường chỗ cho xây dựng công trình.

3696826 1(read-only)

Hàng xà cừ cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng, TP.HCM trước khi bị chặt - Ảnh:T.L.

Thăm dò ý kiến

Sau các tai nạn ngã cây xanh ở TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng cần thay các cây lâu năm ở thành phố bằng những cây mới. Bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Cây dầu cổ thụ ở Bình Thạnh khỏe mạnh nhưng bị đốn hạ vì Cây dầu cổ thụ ở Bình Thạnh khỏe mạnh nhưng bị đốn hạ vì 'cản trở giao thông'

TTO - Cây dầu tại góc đường Phan Đăng Lưu - Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, TP.HCM đã được đốn hạ vì gây cản trở giao thông.

LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên