Và chỉ chờ có vậy, không khí quanh bàn cà phê rổn rảng hẳn với những câu chuyện thiếu xăng vốn đang là thời sự.
Mà nói đâu xa, từ ngày xảy ra tình trạng khan hiếm xăng, ngay quán cà phê cóc của dì Năm ở tận hẻm này của phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM, dì Năm kiêm thêm việc làm "giám đốc cây xăng cục gạch".
Được bàn cà phê chúng tôi "phong chức giám đốc", Năm cười tít: "Tụi bây đừng cà khịa, Năm kê đứng cục gạch ở lề đường, lấy tờ nhựt trình cuốn hình cái phễu cắm vào mà giúp được bộn người nha. Mà hổng có quan trọng lời lãi, bán vậy cũng giúp bà con qua đường thiếu xăng".
Từ chuyện của dì Năm, nhìn quanh thành phố tôi chợt giật mình bởi hình ảnh "cây xăng cục gạch" lề đường của một thời bao cấp, thời "ngăn sông cấm chợ" tưởng đã lùi xa nay lại xuất hiện trở lại ở một số nơi.
Thậm chí báo chí thông tin cả ở Hà Nội, dọc đường Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình) chỉ dài gần 1,7km nhưng đã có gần 20 chai nhựa được đặt sát mép vỉa hè và ghi dòng chữ "bán xăng".
Hình ảnh, sự việc này làm tôi nhớ lại một thời khốn khó "gạo châu củi quế" năm xưa. Những năm đầu thập niên 1980, dường như đa số cả xã hội đều khó khăn chứ không riêng gì nhà tôi nghèo.
Bà tôi ở Thủ Đức cũng nghèo nên đành lấy tuổi già ra đánh cược với việc bán xăng lậu "cục gạch". Có lần mấy chú công an vừa ập đến, bà cuống cuồng xách can xăng sau nhà chạy trốn. Đang ngồi cạnh, tôi cũng với vội chai xăng để lề đường chạy theo bà.
Nhắc nhớ chuyện xưa để thấy cả người bán và người mua xăng dầu đều khổ. Nay thiếu xăng chỉ người tiêu dùng phải xếp hàng, chầu chực là khổ. Xưa thiếu xăng dầu là do thị trường của chúng ta chưa mở.
Nay đã mở toang cửa mà việc thiếu hụt xăng dầu trong thị trường những ngày vừa qua lại diễn ra. Đó là một điều bất thường. Thế nhưng lãnh đạo Bộ Công Thương lại viện lý do việc điều hành thị trường xăng dầu liên quan đến nhiều bộ, ngành nên gặp khó khăn.
Từ đó, các bộ, ngành đổ qua đổ lại trách nhiệm và người dân vẫn phải chờ chực để đổ từng lít xăng, hoặc không ít người dân chấp nhận trả tiền nhiều hơn cho việc đổ xăng ở "cây xăng cục gạch".
Bởi không có xăng thì dân không thể ra đường. Dù với lý do nào được đưa ra thì việc để đứt gãy nguồn cung xăng tại một số tỉnh thành lớn là trách nhiệm của Bộ Công Thương.
Sáng 5-11, tại phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên được mời giải trình về vấn đề xăng dầu.
Ông Diên tiếp tục liệt kê ra những khó khăn cũng như bất cập trong ngành xăng dầu mà chưa đưa ra được giải pháp cụ thể để giải quyết tình hình thiếu xăng cấp bách hiện nay. Chẳng lẽ cứ để nhiều nơi người dân cứ luẩn quẩn với tình trạng khan hiếm xăng như hiện nay mãi?
Chẳng lẽ cái cảnh "cây xăng cục gạch" vốn khổ cực mà chúng ta đã giã từ mấy chục năm sau bao nhiêu nỗ lực trở lại một số nơi như vậy không đủ làm chúng ta đau?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận