* Làm rõ nghi vấn tạo cháy để trục lợi
Phóng to |
Bộ quần áo đặc chủng cách nhiệt được lực lượng cảnh sát PCCC sử dụng trong vụ cháy cây xăng 2B Trần Hưng Đạo ngày 3-6 - Ảnh: N.Khánh |
Hàng loạt vấn đề về quy hoạch ngành xăng dầu, với những “bom xăng” trong nội ô đang tồn tại thì xử lý thế nào.
Loại bỏ những cây xăng không nằm trong quy hoạch
Ông Võ Văn Quyền, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết từ năm 2012 Sở Công thương Hà Nội đã không cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho cửa hàng xăng dầu ở địa chỉ 2B Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Theo đó, cây xăng này chỉ cấp phát, phục vụ nhu cầu xăng dầu cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng chứ không được mua, bán xăng dầu vì cây xăng dầu này không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định tại nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.
Tuy nhiên, nhiều phóng viên tham dự cuộc họp báo cho biết từng mua xăng ở cây xăng này. Ở góc độ của cơ quan quản lý, ông Quyền cho rằng đến nay chưa phát hiện việc cây xăng 2B Trần Hưng Đạo đã bán xăng cho người dân. Nếu Cục Quản lý thị trường phát hiện bất kỳ cây xăng dầu cấp phát cho quân đội mà bán xăng sai đối tượng thì sẽ xử lý.
Để tăng cường kiểm soát thị trường xăng dầu, ông Quyền cho biết ngay sau khi xảy ra vụ cháy nổ ở cây xăng nói trên, Bộ Công thương đã có công văn yêu cầu Sở Công thương khẩn trương rà soát quy hoạch mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên địa bàn. Qua đó kiên quyết loại bỏ những cửa hàng xăng dầu không nằm trong quy hoạch. Các sở công thương cần phát hiện và có chế tài xử lý đối với các cửa hàng vi phạm các điều kiện về kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt, kiên quyết rút giấy phép kinh doanh các cửa hàng xăng dầu vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Đồng thời, Sở Công thương chủ động phối hợp với cơ quan PCCC thường xuyên tổ chức kiểm tra phòng chống cháy nổ tại các điểm kinh doanh xăng dầu.
“Đối với các cây xăng chưa đúng trong quy hoạch, có thể về diện tích đất cho cây xăng có nhỏ hơn theo quy định nhưng các thương nhân kinh doanh xăng dầu vẫn phải đảm bảo chấp hành đúng quy định về chất lượng xăng dầu, quy định về PCCC... Còn về trách nhiệm quản lý chất lượng, số lượng... và việc phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu, tại dự thảo nghị định thay thế nghị định 84 mà Bộ Công thương đang lấy ý kiến, có nhiều nhận định cho rằng cần xác định trách nhiệm rõ cho từng đơn vị như thương nhân kinh doanh xăng dầu, cơ quan quản lý và cả chính quyền địa phương” - ông Quyền nói.
Xuất hiện hiện tượng tạo cháy giả
Ngày 5-6, thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi - giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội - cho biết qua công tác nhận định và dự báo, sở nhận định trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay có nguy cơ xuất hiện các hiện tượng tạo cháy giả, tự gây cháy từ các đơn vị nhằm tận dụng bảo hiểm để trục lợi.
“Những trường hợp này khi xảy ra cháy mặc dù thiệt hại nhiều của cải nhưng họ tỏ ra không xót xa lắm, như vậy là có vấn đề. Cái này chúng tôi chưa kết luận được nhưng sẽ có công tác nghiệp vụ để làm rõ. Thời gian tới, trong công tác nắm tình hình, công tác điều tra sở sẽ lưu tâm chú ý. Tới đây sau khi thành lập cơ quan điều tra riêng của PCCC sẽ làm rõ, sâu hơn vấn đề này” - ông Nghi nhận định.
Với dư luận cho rằng một bộ quần áo chữa cháy có giá thành tới 300 triệu đồng là quá đắt so với giá bán trên thị trường hiện nay, đại tá Nguyễn Văn Sơn - phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội - cho hay bộ quần áo này có nhiều dạng, một là amiăng thường hoặc amiăng có tráng kim loại phản nhiệt xuất xứ từ nhiều nước như Đức, Pháp, Nhật, Mỹ... Đầu tư vào trang bị một bộ quần áo đầy đủ cũng là đắt tiền vì gồm có ủng, mũ trùm, áo. Riêng mũ buộc phải trùm kín cả phần mũi, có kính phản nhiệt như loại mũ của thợ luyện kim, còn áo vừa phải mặc vừa, vừa phải đủ diện tích để đeo cả bình dưỡng khí. Phải đồng bộ như vậy mới đủ cho chiến sĩ chữa cháy được.
Liên quan tới vụ hỏa hoạn tại cây xăng 2B Trần Hưng Đạo, mấy ngày qua hình ảnh có chiến sĩ bị lửa bắt vào người đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, kế đó lan truyền trên nhiều trang mạng đã gây xúc động lớn cho nhiều độc giả, tuy nhiên cũng có luồng thông tin cho rằng chiến sĩ gặp nạn là do bắt nguồn từ cách xử lý thiếu chuyên nghiệp. Lý giải vấn đề này, thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi cho rằng đó là trường hợp bất khả kháng. “Anh em được huấn luyện theo quy trình chuyên nghiệp, thường xuyên nên nói nghiệp vụ kém là chưa đúng. Mọi người phải hiểu là trong hoàn cảnh cấp bách, nhịp độ chữa cháy khẩn trương, việc giẫm vào chỗ trơn trượt hay vấp vào chướng ngại vật như đường ống, trụ bơm nước té ngã là khó tránh khỏi. Chưa kể tại hiện trường thời điểm đó nhiệt độ lên tới hơn 1.000OC, rồi khí xăng độc rất ngột ngạt, thời gian chữa cháy kéo dài nhiều giờ khiến anh em kiệt sức...” - ông Nghi lý giải. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận