Cây sậy trong gió

HUỲNH TRỌNG KHANG 26/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Từ trên cao nhìn xuống, bà như cây sậy đung đưa trên cánh đồng lau đợi người cắt hạ. Cao rồi cao hơn nữa. Đến khi bà chỉ còn là một chấm nhỏ, một hạt bụi chờ cơn gió nhẹ thổi đi, xóa sạch dấu vết khỏi cõi nhân gian này

 
 Ảnh: Art Brokerage

 Đêm vẫn còn chưa kịp ngả về sáng. Yên ắng. Khuếch tiếng bước chân vốn rất khẽ của bà, cả tiếng xương khớp lóc cóc theo mỗi bậc thang bước xuống.

Bà xòe cả hai bàn tay, bám vào tường như một con thạch sùng, không dám mở đèn vì sợ đánh thức ông đang nằm ở nhà dưới. Trong cơn mơ màng, ông vẫn thều thào hỏi: “Bà đi đâu giờ này?”. Bà khựng lại, thì thầm, “Ông ngủ tiếp đi”, rồi chờ đợi. Cái bóng lờ mờ nằm trên ghế bố bất động, chìm trong tiếng thở đều, nặng nhọc.

Cánh cửa kêu một tiếng nhoi nhói khi bà mở ra và cẩn thận khép lại.

Hẻm tịnh không bóng người, cứ cách mười mét lại treo một bóng đèn phả ánh sáng trắng xuống phố. Chỗ đầu hẻm dựng hàng rào, bà có thể thấy bác dân phòng già đang co chân ngủ trên ghế, chiếc mền tụt xuống hờ hững, một cánh tay buông thõng sát đất.

Cơn gió thoảng qua khiến bà rùng mình, nép sát vào dãy nhà, từ từ tiến bước. Bác dân phòng cổ nghẹo sang bên, khẩu trang kéo lên che mắt. Bà định kéo mền đắp lại cho bác nhưng lại sợ. Đáng lẽ còn cậu dân phòng trẻ tuổi nữa, không biết đi đâu mất.

Bà run run, bấm điện thoại.

Bên kia hàng rào, bóng người lù lù bước tới, áo khoác trùm kín. Bà vội suỵt.

Cả hai nhón chân tiến sát hàng rào, không quên cảnh giới.

Người bên ngoài kéo áo khoác, lấy ra một bọc màu đen, luồn qua rào. Bà đón lấy như đón trẻ sơ sinh. Hơi ấm tỏa khắp lòng bàn tay. Không kịp chào người kia, cũng không để ý bác dân phòng, bà chạy nhanh về nhà.

Tiếng cửa lại nhói lên.

“Bà đi đâu giờ này?” - vẫn nằm trên ghế bố, ông thều thào nhưng giọng đã tỉnh táo hẳn. Bà đặt túi lên bếp, bật đèn, quỳ xuống cạnh ông. Vén mền lên xem, rồi lại kéo mền xuống tận chân. “Chắc chưa cần thay tã đâu”. Ông gật đầu: “Tôi muốn ngồi dậy”.

Hồi rằm tháng giêng, ông kiễng chân trước bàn thờ, tự nhiên tay run rẩy làm rớt nhang. Lúc cúi xuống định nhặt thì không ngẩng lên được nữa. Từ dạo đó, nửa thân dưới đã thuộc về một cõi khác, buộc ông nằm yên ở tầng trệt. Vợ chồng ông cũng ngủ riêng từ đó.

Đôi khi ông thức giữa đêm, bất lực gượng dậy. Bốn bề tăm tối. Ông không rõ mình đã nằm trong quan tài hay chưa? Vũng đen trên đầu kia là trần nhà hay nắp hòm? Ông muốn gọi bà nhưng lời nói chạm vách, rơi mãi vào cơn ác mộng bên dưới. Như sáng nay, lúc bà ra khỏi nhà, ông không biết là thực hay chỉ là dư ảnh...

“Ông đói bụng chưa, ăn sáng nhe?”, bà hỏi.

“Ừ...”.

Bà mở túi, trút bánh phở, đổ nước lèo. Làn khói trắng tỏa ra. Hương thơm sực nức. Bà đặt tô phở lên chiếc bàn con, để lên giường.

Ông cúi sát vào tô phở như xông hơi, nếm chút nước lèo, xì xụp ăn như kẻ bị bỏ đói mấy ngày. Bà ngồi cạnh, nhìn ông, ánh nhìn người mẹ, thi thoảng nhắc ăn chậm thôi. Khuôn mặt ông sáng lên, khác hẳn với vẻ ủ dột lúc ăn cháo gói, bỏ mứa, tặc lưỡi nói bâng quơ: “Giờ mà ăn tô phở rồi chết cũng được”. Nếu đời sống chưa xáo trộn, bà đã đi mua ngay, dù ông muốn ăn thịt rồng bà cũng cố tìm. Giờ đã khác, mấy tháng nay chỉ quanh quẩn trong nhà. Từ ngày xe đến đem gia đình bốn người ở phòng số 7 đi cách ly, người ta rào đầu với cuối hẻm, bà cũng thành bất động, trong thế giới của bà.

“Phở ở đâu vậy?”, ông hỏi, không ngẩng mặt lên.

“Mua chứ đâu”.

“Có người dám bán hả?”.

“Con Huệ bán phở thuê mặt bằng của mình chứ ai, thấy ông thèm nên tui năn nỉ nó làm. Nó bán nên nguyên liệu trữ sẵn, chứ giờ kiếm đâu ra đồ nấu”.

Ông không nói gì, run rẩy bưng tô phở lên uống cạn nước. Đặt cạch xuống bàn, thở khà sảng khoái. Gương mặt lâng lâng thỏa nguyện.

Bà nhìn ông, thấy hạnh phúc, thứ hạnh phúc dễ lây lan như virus.

Bà mở tivi. Trên đó đang chiếu lại buổi khai mạc Thế vận hội. Chuyển kênh. Người ta đang nói về số ca nhiễm hôm qua. Ông nhắm nghiền mắt, quay mặt sang bên không muốn xem nữa. Bà tắt tiếng. Tivi đang phát cảnh dòng xe đông nghẹt nối đuôi nhau rời Sài Gòn. Bà rướn người cố xem trong ngổn ngang đó có vợ chồng Lanh cùng hai con nhỏ không. Cái hôm nó trả phòng, xin nợ tiền tháng rồi, bà như nhìn ra nụ cười gượng gạo sau lớp khẩu trang.

“Về bằng gì, xe cộ ai cho chạy mà về”, bà nạt. Lanh gãi đầu, vỗ vỗ lên yên xe. Bà cho năm trăm. Hai ngày sau hẻm phong tỏa. Tuần trước gia đình Đăng ở phòng số 11 dương tính cả ba, giờ đi cách ly hết, không biết tình hình thế nào, bà vẫn nhắn tin hỏi thăm nhưng không thấy hồi âm.

“Bà không ăn sáng hả?”, ông hỏi. Bà lắc đầu, “chưa đói”.

Một... hai... ba... bốn... năm... sáu... bảy... Bà nhẩm đếm, thường tới mười lăm thì ông Khải sẽ bước ra khỏi nhà, bày một băng ghế dài trước cửa, thêm mấy cái ghế đẩu xung quanh. Khi đếm tới hai mươi ba, từ chiếc cát-xét cũ vang lên một bản nhạc xưa. Bà chịu, không nhớ tên. Nhưng vẫn thường hát theo. Bài hát về tà áo giai nhân, thành phố những ngày xa xưa...

Ông Khải bán cà phê từ khi nào không rõ, khách loanh quanh trong hẻm, cả ngày ông lăng xăng bưng nước đến từng nhà, đến tối muộn mới dẹp bàn ghế. Theo nếp mới, mấy tháng này ông không được bán nữa.

Từ khung cửa số này, bà vẫn thấy ông bày bàn ghế, bật nhạc. Cái cửa sổ duy nhất giải phóng căn phòng tám thước vuông, nối không gian tù túng với thế giới bên ngoài. Tổ chim cúc cu, nơi bà vẫn ngồi hàng giờ, nhẩm đếm từ phòng số 1 đến phòng số 17 rồi lại đếm ngược từ phòng 17 lên số 1. Mười bảy căn phòng trọ là nguồn sống của hai vợ chồng. Cái giang sơn mười bảy nóc nhà tôn gỉ sét. Ông là vua còn bà là hoàng hậu. Từ tổ chim cúc cu, bà lặng nhìn thần dân đang rời bỏ vương quốc, trong lúc nhà vua chưa kịp băng hà. Mọi chuyện diễn ra trong một tuần chóng vánh, chỉ bảy ngày mà đời sống bị bóp nghẹn.

Mà có phải tuần trước không nhỉ? Hay tháng trước? Muôn ngày như một khiến bà lẫn lộn. Bà đứng tần ngần trước tờ lịch, phân vân nên xé hay không xé vì không biết ngày đã trôi hay chưa.

“Ông nhớ nhắc tui nếu tui quên cho ông ăn hay thay tã”. Bà nói khi tắm cho ông. Ngồi trong thau, ông chống tay cố giữ người không cúi xuống, cẳng chân cứ teo tóp dần, lưng bong tróc theo mỗi cái vuốt ve của bà. Nhưng có vẻ như ông không cảm thấy đau. Ông ngửa đầu ra sau. Chiếc khăn ướt đắp im lìm như mảnh vải liệm. Bà chạm tay vào mảnh vải, chỗ chiếc mũi. Nếu bà cứ thế bụm lại có khi cuộc sống đau khổ của ông sẽ chấm dứt. Phải làm sao đây nếu lỡ bà nhiễm bệnh, đi cách ly hoặc tệ hơn, chết. Hồn ma thì không chạm vào nồi niêu hay tã sữa được.

Ông không phản kháng gì, cứ để khăn mặt yên như thế. Lúc sau bà kéo tấm vải liệm xuống, lau bẹn, lau nách cho ông. Cần mẫn. Nhẫn nại.

“Ông phải ráng sống đến khi hết dịch nhe, lúc đó tôi mới làm đám ma đàng hoàng cho ông được, bà con hàng xóm mới đến viếng, chết giờ này tủi lắm”.

Ông chỉ ậm ừ: “Sao bà không ăn phở đi?”.

“Chết! Quên. Qua giờ không bỏ vô tủ lạnh, chắc hư rồi”.

“Hôm qua gì, mới hồi sáng mà”.

Bà ngước nhìn gương. Khuôn mặt nhăn nheo, nửa đầu đổ bạc. Bà đã đến chỗ tận cùng thời gian rồi sao? Nước trong thau từ từ chuyển vàng. Bà ủ bàn tay ông trong tay, đặt lên mặt mình. Bà muốn người bà lấy làm chồng chạm vào da thịt bà, nhắc nhở bà là ai.

Hồng giờ có thể đặt tô phở lên bụng mình. Ở tháng thứ chín của thai kỳ, bà nghi Hồng sinh đôi. Cũng tội, sắp sinh mà không được chăm sóc, vợ chồng đều thất nghiệp. Chồng Hồng cũng tính chuyện chở vợ về quê sanh con. Bầu đã quá lớn, đi xe máy ngộ lỡ dọc đường... Ở đây còn bà con chòm xóm lo. Thương Hồng, bà gọi sang, nhường tô phở.

“Sao cô phải lén lút, đồ ăn đồ uống giao ban ngày cũng được mà”.

“Tội con Huệ, với lại xóm này toàn nghèo, đang kham khổ, người ta thấy lại tủi, sống sang hơn người con thấy bất nhẫn”.

“Mèn ơi cô khéo lo, cứ để trong bọc đen ai đâu mà biết”.

Bà cười trừ.

Cũng giống chồng bà, Hồng cầm tô húp sạch nước, khuôn mặt hạnh phúc. Bà nghĩ, có lẽ con người chỉ hạnh phúc khi được no bụng.

“Định sinh con thế nào?”.

Hồng trìu mến nhìn cái bụng, xoa xoa: “Ông chồng đỡ chứ ai”.

“Trời trời, sao được, nếu không có tiền thì cô cho mượn”.

“Thôi cô ơi, vợ chồng con mượn nhiều rồi. Hồi đó con cũng do bà mụ đỡ đẻ ở nhà chứ có đi nhà thương đâu. Giờ đi vô đó con cũng sợ lắm”.

Nói không cần bà giúp nhưng đến tối chồng Hồng hớt hải gọi bà. Hồng vỡ ối, ông chồng lúc đầu mạnh miệng, vừa nhìn đã hoảng.

Đứa bé không biết bao nhiêu ký, nhưng nặng. Như thể nó đang gánh sức nặng của cả Trái đất vậy. Ẵm nó trên tay, bà thấy như mình đang ôm một khối than hồng nóng ấm, có mạch đập của sự sống, rần rật tuần hoàn khắp cơ thể sinh linh bé nhỏ đang khóc oe oe. Mong manh nhưng là một hiện hữu đầy sức nặng.

Đêm chưa ngả hẳn về sáng. Nhà trong hẻm từ từ mở đèn. Ai đó nhô đầu ra hô lớn: “Nhà Hồng sinh em bé rồi hả?”. Những cánh cửa khác lần lượt mở. Có người bước ra khỏi cửa, vài người đã bắt đầu bu trước phòng trọ, tò mò.

Trên cao, Mặt trăng tròn vạnh vẫn chưa lặn.

Mà khoan. Nếu trăng tròn hẳn là khoảng mười lăm mười sáu. Vậy thì Hồng ăn phở nhà bà xong, đêm đó sinh em bé, hay là phải mấy đêm nữa mới sinh?

Một tiếng còi xe cấp cứu vọng lại, trở thành âm thanh duy nhất, từng đợt như đếm nhịp sống. Bà đo thời gian bằng tiếng xe cấp cứu.

Bà lẫn lộn, không dám chắc mình có phải người đỡ đẻ cho Hồng không. Bà chẳng có chút ký ức nào ngoài việc đang ẵm đứa bé. Nhưng bà cũng chẳng rõ là mình có ẵm đứa bé không hay chỉ tưởng tượng. Có thể nhiều tuần nay bà chưa hề bước ra khỏi cửa. Chuyện mua phở đã từ lâu lắm. Những người trong khu trọ ai còn ở lại, ai đã ra đi, ai đã sống và ai đã chết. Tất cả xoáy đảo khiến bà phát ngợp.

Khung cửa sổ từ tổ chim cúc cu không đủ giải thoát cảm giác tù túng. Cố hết sức bà mới bắc thang leo lên sân thượng. Giàn bầu bí héo rũ. Tuổi già, leo lên leo xuống khó khăn khiến bà không thể chăm sóc chúng. “Đã muộn rồi!”, bà chợt thốt.

Từ sân thượng, bà nhìn xa hơn, qua hẻm bên cạnh, ra tận đường lớn. Bà có thể chỉ chính xác ngôi nhà Huệ thuê để mở quán phở. Thấy cả mười bảy nóc nhà gỉ sét. Thấy lũ trẻ đang bày trò chơi. Thấy ông Khải đang đứng xoa tay trước cửa quán.

Xa xa, trên sân thượng nhà ai không rõ, một bức tượng Quan Âm kiên định đứng trong gió lớn. Gần đây trời hay nổi gió, thi thoảng mưa rào đến, khi Mặt trời lên thì tạnh hẳn.

Bà hướng về phía Quan Âm, quỳ xuống dập đầu, hai bàn tay ngửa lên. Bà cầu được như chồng, cúi xuống để không bao giờ ngẩng lên nữa.

“Người ta vẫn đang sống, ông ạ”, bà nói với chồng. Khuôn mặt ông chuyển sang trắng đen, đông cứng lại, nhỏ xíu, in chặt vào cái hũ sành.

Gió thốc từng trận. Bà mở nắp hũ, bốc ra từng nhúm tro, giơ lên cao, để gió làm việc còn lại. Ông đi được rồi, ra sông, ra biển. Tự do rồi.

Tro như không bay đi mà tan lẫn vào trời. Bầu trời hừng lên cùng mưa gió kinh động. Bà đứng lắc lư theo gió, dang hai tay ra như một con bù nhìn giữa đồng không mông quạnh, đang cố hết sức xua đuổi lũ chim nhăm nhe phá. Bà nhún nhảy, xoay người, huơ tay múa chân theo điệu múa tự chế. Âm nhạc vô thanh cuộn trong đầu.

Từ trên cao nhìn xuống, bà như cây sậy đung đưa trên cánh đồng lau đợi người cắt hạ. Cao rồi cao hơn nữa. Đến khi bà chỉ còn là một chấm nhỏ, một hạt bụi chờ cơn gió nhẹ thổi đi, xóa sạch dấu vết khỏi cõi nhân gian này. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận