Phóng to |
Ông Nguyễn Hoàng Long, ngụ 290 Bà Hạt, P.9, Q.10 (TP.HCM), phản ảnh cây xanh trước nhà ông đã nghiêng gần một tháng nay. Sau cơn dông chiều 30-7, cây này càng nghiêng hơn và có nguy cơ ngã đổ. QUỐC NGỌC |
Ông Trần Thiện Hà - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP.HCM (gọi tắt Công ty Cây xanh) - cho biết:
- Cơn mưa dông nói trên đã làm khoảng 60 cây xanh trên toàn địa bàn TP ngã và gãy cành (tập trung tại một số tuyến đường thuộc các quận trung tâm như đường Võ Văn Tần, Nguyễn Tri Phương, Phạm Ngũ Lão...).
Đây là vụ cây xanh gãy đổ lớn nhất kể từ đầu năm đến nay. Trong các cây bị ngã có đến 25 cây xanh thuộc loại 3 (đường kính gốc trên 50cm, cao trên 12m). Công ty Cây xanh TP đã thu gọn cây ngã vào nơi hợp lý để đảm bảo lưu thông thuận lợi và an toàn cho người đi đường ngay trong đêm 30-7.
Trường hợp cây phượng cổ thụ bị đổ tại ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn (Q.1) đè lên dây điện cũng được xử lý xong trong đêm 30-7. Sáng 31-7, công ty tiếp tục thu dọn vệ sinh, gom cành lá để đảm bảo mỹ quan tại các khu vực có cây ngã.
* Các cây bị trốc gốc đều lộ ra phần rễ rất yếu, bị mục... Nhiều người cho rằng ngoài nguyên nhân gió giật mạnh, các cây này đã không được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nên mới gãy đổ nhiều như vậy?
- Nguyên nhân làm cây ngã chủ yếu do gió bão. Cây xanh tại một số tuyến đường nằm trong vòng xoáy của gió với sức giật lên tới cấp 6-7, cộng với rễ cây bám không sâu vào lòng đất đã dẫn tới sự cố hàng loạt cây xanh bị ngã.
Từ đầu năm nay, chúng tôi đã có kế hoạch kiểm tra, rà soát cây xanh trên toàn TP để có biện pháp xử lý trước. Ví dụ các cành cây khô được cắt bỏ, các cây xanh có nguy cơ gãy đổ đã được chúng tôi đề xuất cưa bỏ.
Tuy nhiên cũng có trường hợp cây có bề ngoài xanh tốt nhưng rễ phía dưới bị mục rỗng nên khó phát hiện. Trang bị kỹ thuật của nước ta hiện nay vẫn chưa đủ để phát hiện những trường hợp cây xanh dạng này.
Ngoài việc kiểm tra cây xanh từ đầu mùa mưa, chúng tôi tăng cường trực 24/24 giờ, huy động lực lượng với hơn 100 công nhân để xử lý sự cố trong thời gian nhanh nhất. Ngoài ra, chúng tôi cũng thiết lập số điện thoại nóng (08) 39351351 hoặc 39557755 để tiếp nhận thông tin của người dân.
* Nếu không kiểm soát được mức độ an toàn của cây xanh thì nguy cơ cây ngã gây tai nạn cho người đi đường có thể xảy ra bất cứ lúc nào?
- Việc quản lý cây xanh được phân cấp cho các khu quản lý giao thông đô thị trực thuộc Sở Giao thông vận tải TP. Công ty Cây xanh TP được các khu này thuê quản lý khoảng 76.000 cây xanh trên các tuyến đường. Là đơn vị làm thuê theo yêu cầu của các khu này, chúng tôi từng kiến nghị nên nghiên cứu thay thế các cây xanh có tuổi thọ cao (40-50 tuổi), tránh trường hợp các cây này gãy đổ nhưng chưa được chấp thuận.
* Vậy ai sẽ chịu trách nhiêm khi cây xanh gãy đổ gây tai nạn cho dân? Những người có nhà, xe bị cây đè trong cơn dông chiều 30-7 có được đền bù không?
- Tùy mức độ thiệt hại của từng trường hợp cụ thể, chúng tôi sẽ có biện pháp hỗ trợ phù hợp chứ không đền bù vì cây ngã là do thiên tai. Riêng những trường hợp xác định rõ cây ngã gây thiệt hại cho nạn nhân là lỗi do công tác chăm sóc, bảo dưỡng thì chúng tôi sẽ bồi thường (ví dụ như các cành cây khô chưa được cắt tỉa rơi trúng người đi đường...).
Các trường hợp người dân có nhà, xe bị cây ngã đè chiều 30-7, chúng tôi sẽ lập biên bản sự việc để xác định mức độ thiệt hại. Căn cứ vào đó, chúng tôi sẽ thỏa thuận với người dân để có mức hỗ trợ phù hợp.
* Sau cơn mưa dông ngày 30-7, ba căn nhà 75, 75/1 và 77 Lê Văn Linh, P.13, Q.4 (TP.HCM) đã bị cây dầu cổ thụ đè lên làm sụp bancông, sập mái hiên và sập vách tường tầng 3. Ông Đặng Thế Hải, một trong ba chủ nhà nói trên, cho biết: “Chúng tôi sẽ yêu cầu cơ quan chức năng có phương án bồi thường, sửa chữa nhà cho chúng tôi”. Ông Tăng Hoài Thịnh - chủ nhà 75 Lê Văn Linh - cho rằng nếu Công ty Cây xanh TP khảo sát và cắt bỏ bớt các nhánh cây thì có thể cây đã không gãy đổ. * Chiều tối 30-7, gần 10 công nhân đang làm việc tại một cơ sở sản xuất bánh kẹo ở đường Kinh Dương Vương, KP6, P.An Lạc, Q.Bình Tân hoảng loạn bỏ chạy ra ngoài vì cây lớn ngã đổ đập vào nhà. Bà Phạm Thị Hương Hội (tổ trưởng tổ dân phố 100, KP6, P.An Lạc) cho biết: “Do không liên hệ được với Công ty Cây xanh TP nên chủ nhà nói trên phải bỏ ra 4 triệu đồng để thuê xe cẩu dời cây bị ngã này đi vào sáng 31-7”. Theo ông Trần Thiện Hà - giám đốc Công ty Cây xanh TP, cây xanh nằm trong phần đất của các hộ dân ngã đổ thì người dân phải chịu trách nhiệm xử lý. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận