Cây mật nhân - thảo dược điều trị rối loạn tiêu hóa
Cây mật nhân còn có tên gọi khác là bách bệnh, bá bịnh. Tên khoa học là Eurycoma longifolia Jack, thuộc họ Thanh thất.
Mật nhân là cây nhỡ, cao từ 2-8m, ít phân cành, lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 21-25 lá chét không cuống, mọc đối, hình mác hoặc bầu dục, gố thuôn, đầu nhọn, mặt trên màu xanh sẫm bóng, mặt dưới có lông màu trắng xám; cuống lá kép màu nâu đỏ.
Cụm hoa mọc ở ngọn thành chùm kép hoặc chuỳ rộng, cuống có lông màu rỉ sắt; hoa màu đỏ nâu; đài hoa chia thành 5 thuỳ hình tam giác có tuyến ở lưng; tràng hoa 5 cánh hình thoi cũng có tuyến; nhị 5 có lông dày và hai vảy ở gốc, đầu nhuỵ rời.
Quả hạch, hình trứng nhẵn, có rãnh dọc, khi chín màu vàng đỏ, chứa một hạt. Mùa hoa tháng 1-2, mùa quả tháng 3-4.
Cây trồng dễ dàng bằng hạt và không kén đất, có khả năng tái sinh bằng chồi rất tốt sau khi bị chặt phá.
Người dân quan tâm nhiều đến cây mật nhân vì nó để làm thuốc “ông uống bà khen”. Nhưng ít người biết đến công dụng như “Nam dược thần hiệu” của mật nhân cho các trường hợp ăn uống không tiêu, nôn mửa, đầy bụng tiêu chảy hay giải độc do uống nhiều rượu.
Cách chế biến như sau: rễ mật nhân còn tươi khoảng 1 lạng, rửa sạch, dùng bào của thợ mộc hoặc dao đẽo mỏng và nhỏ như dăm bào, bỏ vào máy xay sinh tố để xay thành bột, phơi khô cho hết mùi hăng. Bỏ bột mật nhân vào lọ thuỷ tinh, cứ một phần bột mật nhân thì cho 2 phần mật ong vào ngâm, đậy kín sau 2-3 ngày là dùng được. Cách ngâm này có thể bảo quản thuốc trong vòng 1 năm.
Khi dùng, chắt nước mật ong ngâm mật nhân để uống, mỗi ngày 2 lần. Người lớn mỗi lần từ ½ - 1 thìa cà phê. Trẻ em từ 1-3 giọt.
Không dùng cho phụ nữ có thai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận