Trong tiếng Anh, cầy Mangut được gọi là "mongoose", bắt nguồn từ tiếng Hindi cổ điển trong tên Ấn Độ của nó: "Maṅgus", hay "Muṅgus".
Nhờ có các thụ thể acetylcholin chuyên biệt, tạo ra khả năng kháng hoặc miễn nhiễm với nọc rắn độc, loài cầy Mangut nổi tiếng về khả năng diệt rắn độc, đặc biệt là rắn hổ mang – món khoái khẩu của chúng.
Hôm 8-9, bộ phận kiểm lâm ở Tây Nashik, bang Maharashtra, Ấn Độ, đã chia sẻ đoạn video 45 giây trên mạng xã hội Twitter, ghi lại cảnh một con cầy Mangut nhảy lên đám cành cây để bắt con rắn.
Cầy mangut phóng lên bắt rắn trên cành cây. (Nguồn: Twitter)
Con rắn cố bám chặt vào cành cây trong một thời gian ngắn. Tuy vậy, cuối cùng con cầy Mangut đã giật mạnh, kéo rắn rớt xuống đất rồi ngoạm cổ, tha rắn chạy đi.
Đoạn video này đã thu hút gần 400 lượt xem. Một người dùng Twitter viết rằng cảnh tượng này thiệt “đáng sợ”.
Kịch chiến với rắn hổ mang ngay giữa đường
Hồi tháng trước, vào ngày 18-8, tiến sĩ Abdul Qayum ở Cục Lâm nghiệp Ấn Độ cũng đã chia sẻ một đoạn video trên Twitter, một con cầy Mangut và một con rắn hổ mang đã “gặp nhau giữa đường”, khiến tất cả xe cộ phải dừng lại. Người đi đường ngồi yên trên xe máy, hồi hộp theo dõi, cho tới khi trận chiến kết thúc.
“Điều này là hoàn toàn tự nhiên: kẻ mạnh nhất đã chiến thắng. Tôi rất vui vì không có ‘thế lực bên ngoài’ nào nhảy vô cứu cả hai con vật.” - tiến sĩ Qayum đã bình luận kèm theo video của ông.
Cầy Mangut diệt rắn hổ mang ngay giữa đường. (Nguồn: Twitter)
Chỉ sau hai ngày được chia sẻ trên Twitter, đoạn video đã thu hút gần 14.300 lượt xem, và hàng chục bình luận. Một người dùng Twitter nhận xét: “Trước đây, tôi từng nghe, nhưng chưa bao giờ thấy một con cầy Mangut thật sự chiến đấu giỏi như vậy”.
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện cảnh cầy Mangut “chiến” rắn hổ mang. Hồi tháng 3 năm nay từng có một video khác về cuộc chiến sống còn giữa hai “kẻ thù truyền kiếp” này được đăng và đã lan truyền nhanh chóng trên Twitter.
Mời các bạn cùng xem tiếp một đoạn video, được quay cận cảnh và… “có nghề” hơn, do tạp chí National Geographic đăng.
Cầy mangut cắn cổ rắn hổ mang. (Nguồn: National Geographic)
Vì sao người Okinawa nhập khẩu “chiến binh” cầy Mangut?
Tiến sĩ Abdul Qayum đã không cho biết địa điểm mà ông tình cờ quay được đoạn video “cuộc chiến giữa đường”, rồi chia sẻ trên Twitter.
Tuy vậy, rõ ràng nhân vật chính trong video là một con cầy Mangut xám Ấn Độ (tên khoa học là Herpestes edwardsii), thường sống ở các khu rừng mở và các cánh đồng trồng trọt. Cầy Mangut xám rất táo bạo, tò mò nhưng thận trọng, trèo rất tốt. Chúng ăn động vật gặm nhấm, rắn, trứng chim và chim non mới nở, rùa, thằn lằn, và thỉnh thoảng ăn cả trứng cá sấu Gharial.
Có hơn 30 loài cầy Mangut khác nhau, sống chủ yếu ở miền nam châu Á (Ấn Độ, Pakistan, Nepal và Sri Lanka), châu Phi, và là loài du nhập vào miền nam châu Âu cùng một số đảo Caribe, Hawaii, Nhật Bản.
Tại Okinawa, người ta đã nhập khẩu cầy Mangut để… “kiểm soát” rắn lục Habu cực độc - vốn là một loài đặc hữu trên quần đảo Ryukyu của Nhật Bản. Tuy vậy, về sau người Nhật đã thừa nhận rằng việc đưa cầy Mangut ra quần đảo ấy là… “một sự nhầm lẫn”, do chúng không chỉ diệt rắn độc mà còn hủy diệt nhiều loài động vật đặc hữu khác ở địa phương.
Như một sự “bù đắp”, một số công viên giải trí, như Okinawa World, đã bày ra trò “quyết đấu giữa cầy Mangut với rắn độc Habu” trong các show diễn ra trong phạm vi khép kín. Hiện nay, loại show này đã trở nên… ít phổ biến hơn, do áp lực từ các nhà hoạt động vì quyền động vật.
Chiến binh Mangut thắng cả bầy sư tử
Hôm 2-9-2014, báo Anh Daily Mail đã đăng bài về cuộc đấu “một chọi bốn”, giữa một con cầy Mangut đầm lầy với bốn con sư tử trẻ.
Sau những giây phút đầu tiên tỏ ra khiếp sợ, con cầy Mangut nhỏ bé, cao không tới 60 cm, đã dùng “chiến thuật” chạy lắt léo để tránh né, gầm gừ và sẵn sàng cắn trả để đối phó với bầy sư tử vây quanh và đuổi theo nó.
Con cầy Mangut đã cắn được mũi của một con sư tử. Sau đó, nó phóng vô núp trong một cái hố rồi lại nhảy xổ ra để “tái đấu”, khiến bầy sư tử non trẻ, thiếu kinh nghiệm, phải bối rối.
Đoạn video cầy Mangut một mình chống lại 4 con sư tử được quay vào tháng 9-2011, song mãi tới 3 năm sau mới được công chiếu. (Nguồn: Daily Mail)
Cuộc đối đầu “hiếm gặp” ấy đã được nhà nhiếp ảnh Pháp Jérôme Guillaumot ghi lại trong công viên quốc gia Masaa Mara, bên Kenya.
“Chống lại tất cả các… tỷ lệ cược, 4 con sư tử đã bị bỏ lại đằng sau, ngơ ngác cụp đuôi vào giữa hai chân sau, im lặng liếm những vết thương của chúng.” – nhà nhiếp ảnh Jérôme Guillaumot, 54 tuổi, đến từ Montpellier, nước Pháp, kể thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận