11/09/2021 11:25 GMT+7

Cậy láng giềng gần

QUẾ CHI
QUẾ CHI

TTO - Ông bà ta có câu 'bán bà con xa mua láng giềng gần', ở ngay giữa tâm dịch, trong suốt 4 tháng qua, điều này đúng hơn bao giờ hết. Nhà cách ly nhà nhưng bên trong những căn nhà kín cửa, mọi người có nhiều cách tương trợ nhau.

Cậy láng giềng gần - Ảnh 1.

Anh Thái Văn Tiến (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) thường xuyên tặng cá ao nhà nuôi cho 30 nhà trọ, người lao động nghèo trong xóm mỗi lần 5-10kg để nấu ăn -Ảnh: TỰ TRUNG

Chung cư chúng tôi (Citihome, TP Thủ Đức, TP.HCM) nằm trong phường xanh, nghĩa là được đi siêu thị trong tòa nhà mỗi tuần một lần. Tưởng rằng cuộc chiến tìm nguồn lương thực cho hai miệng ăn đơn giản rồi. 

Nhưng đùng một cái, cả hai siêu thị bị buộc đóng cửa, vài ngàn người sống trong 4 khu căn hộ cùng lo lắng chuyện mua thực phẩm.

Những "ông bụt" cạnh nhà

Ở gần nhà tôi, có hai vợ chồng làm việc coi sóc đất của ban quản lý dự án. Dịch giã đến chị không còn bán cà phê hay cơm trưa mà chuyển sang trồng rau. Khu đất nhiều đá sỏi dưới bàn tay của anh chị đã hóa xanh với bao nhiêu là loại rau. 

Tôi thường ghé sang đây dăm ba lần một tuần, mang rau về và đổi lại trứng cho chị vì tiền mặt không còn. Chúng tôi kể cho nhau vài câu chuyện ở quê, cách chăm rau, cũng như nỗi lo lắng vì dịch trong khoảng cách 2 - 3m với khẩu trang, nón lá - mũ vải che kín mặt.

Ban quản lý chung cư xây dựng cái chợ online trên group Facebook. Nhiều nhà đứng ra làm đầu mối mua chung các mặt hàng thiết yếu cho hàng xóm. Nhờ đó, gừng, chanh, sả đến thịt thà cá mắm đều có đủ. 

Người bán cũng như người mua thường hẹn nhau xuống sảnh, khu nhà để xe, mang đủ khẩu trang, bình khử khuẩn, đứng cách nhau tầm 1m trao - nhận hàng. Tiền cứ thế chuyển khoản vèo vèo cho đỡ thừa đi thối lại.

Nhìn quanh, hỏi thăm bạn bè, tôi thấy mọi nơi đều giống vậy. Nghĩa là hàng xóm cùng giúp nhau chuyện khéo co cho ấm mùa dịch này. Có người cần vài miếng măng khô nấu đổi vị, hỏi thăm các nhóm không có thì có hàng xóm nhắn tin chia sẻ. 

Đơn giản vậy thôi nhưng cảm xúc ấm áp, hạnh phúc tràn đầy ngay! Này có khác gì sống ở quê, cách nhau cái giậu mồng tơi, thiếu trái ớt, hết gạo mượn đỡ để nấu cho kịp bữa cơm!

Chúng tôi ở nhà nhiều tháng, chiếc xe duy nhất đã không thể nổ máy. Lần đi tiêm vắc xin và lấy thức ăn hai tháng trước, em tôi đã phải đi taxi. Lần này, em tôi đăng trên group nội bộ chung cư hỏi thăm xem có ai biết chỗ châm hoặc thay bình gần nhà không. 

Chỉ sau vài tiếng, đáp án lẫn sự khích lệ đều có đủ. Nhờ thế, chỉ sau 20 phút đẩy xe từ nhà, vượt qua 2 chốt kiểm soát, em tôi đã có thể thay được bình mới và đi tiêm an toàn.

Máy lạnh hư, biết đi đâu kiếm thợ sửa? Lại hỏi hàng xóm và một "ông bụt" hiện ra. Anh ở khu nhà A, tận tâm và lành nghề. Bình gas được thay từ ngày 13-6, đến 28-8 cạn veo. Điện thoại gọi đi bao nhiêu nơi, có vài lời hứa hẹn nhưng rồi giấy đi đường khó khăn quá, họ bỏ cuộc mà chẳng thèm báo lại. 

Một chị hàng xóm đã nhắn tin: "Anh tìm gas đúng không? Gọi ngay số này, nhà em vừa mới mua được hôm qua!".

Cậy láng giềng gần - Ảnh 2.

Vườn rau ở chung cư Citihome (TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: Q.CHI

Qua cơn nguy biến cũng nhờ hàng xóm

Bạn tôi, nửa đêm bị phản ứng sau khi tiêm vắc xin. Nhà ở trong khu phong tỏa, gọi taxi không được. Giữa lúc nguy cấp, một anh hàng xóm tốt bụng đã lái xe đưa bạn đến bệnh viện. Bạn tôi chỉ kịp cầm theo điện thoại và cái bóp nhưng ở nhà nhiều tháng rồi, làm gì còn tiền mặt. 

Bệnh viện không dùng máy cà thẻ, lại nhờ anh hàng xóm. Sau lần sinh tử ấy, bạn tôi thêm thấm thía nghĩa đồng bào của những vị láng giềng ngày thường chẳng mấy khi giáp mặt mà cũng chưa biết tên nhau. 

Mùa dịch thì chỉ nhìn thấy hai con mắt, tướng đi và giọng nói thôi, nhưng lúc nguy cấp mọi người hỗ trợ nhau hết mình.

Một gia đình neo người, con cái sống xa cha mẹ vài con phố. Trước dịch, hằng ngày con gái sang nhà nấu nướng dọn dẹp cho hai ông bà. Nhưng kể từ khi có lệnh ai ở đâu ở yên đó, không còn cách nào khác, họ đã nhờ gia đình kế bên nấu cơm giúp cho cha mẹ, bữa cơm đưa qua hàng rào.

Có hoàn cảnh éo le hơn, cha mẹ già được gọi đi tiêm vắc xin, chị gái phải đưa cha mẹ đi ra phường trong khi đứa em bị khuyết tật trí tuệ đang ngủ. Phải nhờ hàng xóm trông chừng, lỡ khi tiếng hốt hoảng của em, hàng xóm trấn an và gọi cho chị gái, để em yên tâm khi thấy chị trên màn hình.

Những mẩu chuyện như thế này hẳn còn nhiều và phong phú hơn phần liệt kê của tôi nhưng mà vì chúng ta, người sống ở thành phố lớn thường bận rộn nên cảm thấy nhân tình lạnh nhiều hơn ấm. Chỉ đến mùa dịch này mới thấm thía rằng đằng sau những cánh cửa đóng kín là những trái tim nóng hôi hổi, sẵn lòng giúp đỡ người khác. 

Và cũng vì đại dịch, chúng ta mới thấy, một hành động từ nhỏ đến lớn có sức ảnh hưởng không chỉ cho một con người mà còn cả một gia đình, một cộng đồng.

Gần 1.000 đoàn viên, thanh niên giúp dân thu hoạch lúa mùa tránh bão số 5 Gần 1.000 đoàn viên, thanh niên giúp dân thu hoạch lúa mùa tránh bão số 5

TTO - Để chủ động phòng chống cơn bão số 5 (bão Conson) đang hướng vào đất liền, giảm thiểu thiệt hại cho bà con nông dân; gần 1.000 bạn đoàn viên, thanh niên ở Thanh Hóa đã và đang tình nguyện giúp dân thu hoạch lúa mùa tránh bão.

QUẾ CHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên