02/01/2015 11:12 GMT+7

​Cây giống Cái Mơn

NGỌC TÀI - THÀNH NHƠN
NGỌC TÀI - THÀNH NHƠN

TT - Ðịa danh Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) đã được sách kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là nơi sản xuất giống cây ăn trái lớn nhất cả nước.

Ðó là cột mốc ghi nhận cho một quá trình hình thành và phát triển của miền đất này.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, toàn huyện có hơn 8.000 hộ sản xuất thì vùng Cái Mơn có đến 6.000 hộ với 19 làng nghề sản xuất cây giống. Nghề sản xuất cây giống ở Cái Mơn không ngừng phát triển với sản lượng bình quân hằng năm từ 16-17 triệu cây giống.

Một trong những gia đình làm nghề cây giống lâu đời nhất ở Cái Mơn là gia đình ông Ngô Văn Tư. Hiện nay gia đình này đã có ba thế hệ làm cây giống với gần 60 năm kinh nghiệm.

Ông Ngô Tuấn Kiệt là thế hệ thứ hai nối nghiệp. Ông đang chuẩn bị mở thêm một cơ sở kinh doanh mới và mua thêm gần 1ha đất để mở rộng diện tích sản xuất cây giống. Tất cả bốn người con của ông Kiệt đều rất thuần thục với các công đoạn làm cây giống.

Mỗi năm gia đình ông Kiệt cung cấp cho thị trường hơn 500.000 cây giống các loại. Hiện tại cây giống Tuấn Kiệt không chỉ bán trong tỉnh mà còn tỏa đến tận các tỉnh Ðông Nam bộ, Tây nguyên và một số tỉnh miền Bắc. Theo ông Kiệt, bí quyết để giữ mối và được nhiều người tin tưởng đơn giản là bán cây nào ra cây đó.

“Nghề này hay ở chỗ nếu mình làm ăn bất nhơn, ghép chiết giống lung tung, nhà vườn trồng không đạt là họ tìm đến mắng vốn rồi cạch mặt luôn. Ðừng có hòng mà né trách nhiệm. Khó thì cũng khó nhưng hay ở chỗ nghề này có hậu lắm. Tảng sáng không có đồng nào trong túi chứ một lát sau có người đến mua cây giống là có tiền rồi” - ông Kiệt nói.

Rũ bùn đứng dậy

Mấy năm trở lại đây làng nghề cây giống Cái Mơn ghi dấu nhiều đổi khác đáng phấn khởi. Ông Hồ Thanh Sơn, trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Chợ Lách, cho biết thay vì chờ người mua, nhiều hộ sản xuất kinh doanh cây giống bắt đầu tự tìm cơ hội cho mình.

Từ việc có mặt ở hầu hết các hội chợ thương mại, triển lãm làng nghề, những người vốn tay lấm chân bùn còn thiết lập những phòng giao dịch ở các thành phố lớn, mở trang web thương mại điện tử, tìm cách quảng bá thương hiệu, tên tuổi...

“Tín hiệu này chẳng khác nào nông dân vùng Cái Mơn đã rũ bùn bước ra làm kinh tế, mà còn làm rất thành công là đằng khác. Nông dân bây giờ đứng đàng hoàng là “bên B” ngang hàng với doanh nghiệp trên bản hợp đồng rồi” - ông Sơn phấn khởi nói.

Chàng trai mới 27 tuổi Nguyễn Thanh Phương (chủ cơ sở cây giống Thanh Duy) là một trong những người tiên phong trong cách làm mang tính hội nhập này. Tại TP.HCM, anh đặt một phòng giao dịch để tiếp thị sản phẩm cây giống và nhận đơn hàng từ các tỉnh.

Ngoài ra một trang web thương mại điện tử cũng ra đời nhằm đăng tải đầy đủ hình ảnh, thông tin liên hệ để khách hàng các nơi dễ dàng theo dõi. Nhờ sự đột phá này mà hiện nay cơ sở cây giống của anh Phương đã cung ứng cho thị trường hơn 200.000 cây giống/năm, thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Không riêng gì những người trẻ như anh Phương mà một số nông dân kỳ cựu tóc đã hoa râm cũng nhận thức được tiềm năng của việc xây dựng thương hiệu. Ông Nguyễn Hữu Vĩnh (51 tuổi) sẵn sàng gom hết vốn liếng để làm hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa cho giống mít siêu sớm.

Sau khi công bố, ông tiếp tục duy trì chất lượng cây giống cũng như kỹ thuật nghiêm ngặt để đảm bảo cây giống do cơ sở sản xuất phải đạt chất lượng như công bố. Từ đó tiếng lành đồn xa, các tỉnh bắt đầu đổ về nhà ông để tìm mua cây giống mít siêu sớm.

Những người làm nên thương hiệu cây giống Cái Mơn có lẽ còn rất nhiều và phần lớn lại là nông dân, như ông Nguyễn Văn Hóa với giống sầu riêng Chín Hóa cơm vàng hạt lép nổi tiếng cả nước. Hay như ông Lê Văn Hoa, nông dân thứ thiệt, đã tự mày mò sáng chế kỹ thuật xử lý ra hoa, tạo giống bưởi da xanh không hạt.

NGỌC TÀI - THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên