Một người Palestine ngồi xem kết quả bỏ phiếu ở LHQ tại một cửa hàng ở TP Rafah thuộc phía nam Dải Gaza, Palestine ngày 21-12 - Ảnh: REUTERS
Ngài Trump, ngài không thể dùng đôla của ngài để mua mong ước dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi cũng có lời kêu gọi toàn thế giới: đừng bán rẻ mong ước và cuộc đấu tranh vì dân chủ của mình bằng vài đồng đôla
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan
Đe dọa là một công cụ ngoại giao như mọi công cụ khác, nhưng việc sử dụng nó phải tuân theo một số quy tắc vốn có. Chẳng hạn thường chỉ sử dụng đến biện pháp này như giải pháp cuối, khi các biện pháp thuyết phục khác không hiệu quả. Tiếp đến, chỉ nên sử dụng "cây gậy" đe dọa khi cảm thấy chắc thắng và phần lợi là đáng để làm.
Chưa kể muốn đe dọa thì phải thực thi có chiến lược để giành phần thắng. Cách làm của Mỹ trước cuộc bỏ phiếu ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa qua có vẻ mang tính bột phát, thậm chí bị đánh giá là "sơ đẳng".
Không ít cơ quan truyền thông cho rằng Washington đã thất bại thảm hại, đã bị dạy cho bài học, đã bị mất mặt trước thế giới... Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng lên tiếng cho rằng các thành viên LHQ đã cho thấy "phẩm giá và chủ quyền là những thứ không phải để bán".
Nhưng với cách hành xử không theo khuôn cách của chính quyền Tổng thống Donald Trump thời gian qua, câu hỏi hiện nay là Mỹ sẽ có thực thi lời đe dọa của mình hay không. Thậm chí cần nhớ rằng từ hồi tháng 5, chính quyền Trump đã nêu ra yêu cầu cắt giảm viện trợ cho một số nước trong năm tài khóa mới...
Cứ để họ bỏ phiếu chống chúng ta, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền, chúng ta bất cần kết quả ra sao”
Tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm 21-12 ngay trước ngày bỏ phiếu
Các nhà ngoại giao lão luyện ở Mỹ vẫn còn bán tín bán nghi về việc này, vì viện trợ cho nước khác thường gắn với những lợi ích của Mỹ. Hoặc liệu Washington có dám làm gì với những đồng minh chủ chốt của mình ở Trung Đông như Ai Cập và Jordan hay không.
Ông Elliott Abrams, người từng nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền Ronald Reagan và George W. Bush, cho rằng việc trừng phạt giảm tiền viện trợ với những nước không nghe theo Mỹ là "chuyện không thể làm được", bởi những khoản viện trợ đó đảm bảo lợi ích sống còn về mặt an ninh quốc gia của Mỹ trong khu vực.
Theo ông Abrams, Mỹ cũng có thể thực thi ngay một số biện pháp trả đũa đối với những quốc gia bỏ phiếu theo ý mình, như việc bộ trưởng ngoại giao hoặc vị cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump từ chối gặp gỡ các bộ trưởng ngoại giao hoặc thủ tướng của các nước bỏ phiếu chống nếu có yêu cầu đưa ra từ phía bên kia.
Dẫu ai cũng hiểu cách hành xử khá bột phát của ông Trump, nhưng dường như chưa ai đoán được những ý đồ ẩn giấu sau đó. Ông Abrams cho rằng lời đe dọa công khai của Mỹ lần này thực ra là để dành cho... những lần tới: "Mục đích (của lời đe dọa) không phải đơn giản chỉ là "Chúng tôi đang nổi giận đây", mà chính là "Chúng tôi đang nổi giận đây và chuyện này không được phép lặp lại lần nữa". Điều đó có nghĩa lần tới, các nước phải làm việc trước với Mỹ để tránh cuộc bỏ phiếu như thế".
Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của chính quyền Donald Trump đã làm dấy lên cơn giận dữ với người Palestine và cộng đồng Ả rập. Thiếu niên Palestine dùng ná đối đầu với binh sĩ Israel ở thành phố Nablus, Bờ Tây ngày 22-12 - Ảnh: REUTERS
Bà Nikki Haley - đại sứ Mỹ tại LHQ - đã không giấu giếm khi phát biểu trước đại hội đồng sau khi có kết quả bỏ phiếu: "Chúng tôi phải nói thành thật thế này: chúng tôi đóng góp nhiều cho LHQ, cho nên chúng tôi có một kỳ vọng hợp lý là mong muốn tốt đẹp của chúng tôi được công nhận và tôn trọng... Chúng tôi sẽ ghi nhớ khi nhiều nước gọi cầu cứu chúng tôi, mà thực tế các nước thường làm như vậy, để xin chi tiền nhiều thêm hoặc nhờ chúng tôi dùng ảnh hưởng của mình can thiệp có lợi cho họ".
Có thể thấy Mỹ cũng dự đoán được phần nào kết quả của cuộc bỏ phiếu, nhưng vẫn cứ đe dọa như thế.
Đại hội đồng LHQ đã tiến hành phiên họp đặc biệt bất thường tại trụ sở ở New York vào sáng 21-12 (giờ Mỹ), bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Kết quả, nghị quyết được thông qua với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng. Các nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết này là Mỹ, Israel, Guatemala, Honduras, Togo, Micronesia, Nauru, Palau và quần đảo Marshall.
Theo một nghị quyết năm 1950, Đại hội đồng có thể triệu tập phiên họp đặc biệt khẩn cấp xem xét một vấn đề "với quan điểm là đưa ra những kiến nghị thỏa đáng để các thành viên áp dụng biện pháp tập thể" nếu như HĐBA không làm được điều này. Tới nay, mới chỉ có 10 phiên họp như vậy được triệu tập và lần gần đây nhất là vào năm 2009 bàn về Đông Jerusalem và các lãnh thổ của Palestine. Mặc dù nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc như của HĐBA, nhưng cũng mang sức nặng chính trị nhất định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận