Chúng tôi phát hiện cây "ốm" vào những ngày mùa xuân năm 2022, khi cùng Benni ra vườn chơi, nhận thấy cây không ra những tán lá xanh non như những cây bên cạnh.
Bố Benni ngay lập tức gọi điện cho công ty cây xanh của thành phố.
Vài ngày sau, "bác sĩ" cây đến, "thăm khám" một hồi rồi kê đơn thuốc cho cây. Hóa đơn hết hơn 300 euro.
Thế nhưng hết mùa xuân, cây vẫn "ốm" và có chiều hướng nặng hơn. Lá cành trơ trụi, thân khô lại.
Người Đức cùng nhà của tôi lo lắm. Vì cây trồng ngay sát hàng rào. Bên kia hàng rào là nhà trẻ, nơi Benni đang theo học. Nếu gió mạnh mưa to, cây gãy đổ sẽ rất nguy hiểm cho bọn trẻ.
Thế là ngày nào người Đức cùng nhà cũng ra thăm cây. Và song song với đó tiếp tục liên lạc với công ty cây xanh để đặt lịch "tái khám".
Lần khám này, bác sĩ cây sau khi kiểm tra các chỉ số toàn diện về tán lá, về thân, về rễ cây… liền kết luận: nên chặt bỏ. Nhưng phải đợi đến mùa đông họ mới cấp giấy phép chặt cây.
Vì ở Đức có hẳn 1 điều luật mà từ người lớn đến trẻ con ai ai cũng phải biết và tuân thủ.
Đó là từ ngày 1-3 đến ngày 30-9 hằng năm, cấm tuyệt đối mọi hoạt động chặt cây, bẻ cành, cắt, xén cây ở hàng rào, bụi rậm... Kể cả đó là cây hay hàng rào bằng cây được bạn tự trồng/ sở hữu cá nhân trong vườn nhà bạn.
- Sao lại thế? Tôi hỏi người Đức cùng nhà.
- Vì đó là mùa cây sinh sản, sau đằng đẵng những buốt giá mùa đông. Em thấy không bao chồi lộc đang cựa mình, màu xanh đang trở lại... Rồi những chim, những sâu, những sóc... Chúng cũng đang đợi cây đấy. Để làm tổ, làm mồi, để cộng sinh khi mùa xuân đến...
Đơn giản vậy thôi. Như Olga Berggoltz viết hồi nào "xin đừng chạm vào cây mùa lá rụng".
Mùa đông rồi cũng đến. Chúng tôi đã có được giấy phép chặt cái cây có đường kính tầm 50cm.
Việc tiếp theo người Đức cùng nhà tôi làm là thuê dịch vụ chặt cây.
- Cây này bé mà. Em thấy nhà mình có cưa điện để làm. Sao phải thuê?
- Nhưng cây sát với nhà trẻ. Rủi ro cây đổ sang bên đó…
Đội chặt cây đến cùng xe cẩu chuyên dụng. Bên nhà trẻ đã được thông báo trước để trẻ con không chơi sát hàng rào.
Thay vào đó các bé (có cả Benni nhà tôi) thích thú ngồi trên ghế băng để quan sát vụ cưa cắt. Cô giáo thì tranh thủ bài học trực quan để nói chuyện với trẻ về đời sống của cây.
Sau tầm 2 tiếng thì cái cây đã được hạ xuống an toàn. Đội thợ rời đi. Để lại hóa đơn đâu đó khoảng 500 euro.
Tôi là người yêu cây.
Nhưng thú thực, hóa đơn 2 lần khám và tái khám cái cây còi, cộng với hóa đơn chặt cây là tổng hơn 1.000 euro (gần 30 triệu đồng) khiến tôi đắn đo bàn lùi khi người Đức nhà tôi rủ đi mua cái cây mới để trồng thay thế cho cây vừa mới mất.
- Có cần trồng lại không? Cây non mua mới thêm bao tiền. Nhỡ nó lại chết. Bao nhiêu là lo lắng rồi thủ tục rồi tốn kém. Mà vườn nhà mình có đang thiếu cây đâu.
- Cần chứ em. Người cần cây hơn là cây cần người đấy.
Mà cây cũng là người, thậm chí còn người hơn cả một số con người!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận