22/10/2018 10:17 GMT+7

Cấy chip vào người lưu trữ thông tin cho tiện

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Bẻ khóa sinh học từ một ý tưởng còn mới mẻ đang nhanh chóng phát triển thành một thị trường đầy tiềm năng khi những con chip bằng hạt gạo cấy vào cơ thể có khả năng ngày càng đa dạng.

Cấy chip vào người lưu trữ thông tin cho tiện - Ảnh 1.

Anh Patrick Kramer thử mở khóa cửa bằng chip cấy trên tay - Ảnh: BLOOMBERG

"Bây giờ anh đã là một cyborg rồi nhé" - anh Patrick Kramer, giám đốc điều hành Công ty khởi nghiệp Digiwell ở Hamburg (Đức), vừa nói vừa cấy vào tay khách hàng một siêu nhỏ có chức năng mở khóa cửa và lưu thông tin danh thiếp.

Trong 18 tháng qua, anh đã cấy cho hơn 2.000 khách hàng vô số những con chip có chức năng mở khóa cửa, lưu hồ sơ bệnh án, thông tin liên lạc...

Ứng dụng đa dạng

Chính vì sự tiện dụng, không lo bị thất lạc như những thiết bị khác mà đến nay hàng ngàn người ở Thụy Điển đã cấy chip giúp họ lưu trữ mọi thứ từ thông tin thẻ tín dụng, căn cước cho đến thẻ tàu xe.

Từ năm ngoái, hãng tàu quốc gia SJ của Thụy Điển đã cho phép quét chip trên tay hành khách thay vì xé vé như truyền thống.

"Chúng ta đang nâng cấp cơ thể quy mô lớn, khởi đầu là các thiết bị đeo. Nhưng tất cả những thiết bị đeo ngày nay sẽ được cấy vào cơ thể trong 5-10 năm tới. Ai lại muốn mang điện thoại, đồng hồ thông minh khi có tất cả trên đầu ngón tay? Tôi nghĩ đây là xu hướng chúng ta đang hướng tới" - nhà sáng lập Hannes Sjoblad của Công ty Bionyfiken tự tin.

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ những người đãng trí như Kramer, những con chip điện tử còn giúp những người không có tay, người mắc bệnh Parkinson thuận tiện hơn trong cuộc sống.

Moon Ribas, một vũ công người Tây Ban Nha, tìm nguồn cảm hứng từ con chip gắn trên tay có kết nối với cảm biến địa chấn sẽ kích hoạt khi xảy ra động đất ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Neil Harbisson là một nghệ sĩ mù màu người Bắc Ireland cho đến khi con chip gắn trong đầu giúp anh "nghe" được màu sắc. Hay anh chàng người Mỹ Rich Lee dành 15.000 USD để phát triển món đồ chơi tình dục Lovetron 9000 - một thiết bị rung cấy trong khung xương chậu...

"Chúng tôi là những người tiên phong nhưng khi công nghệ ngày càng trở thành xu thế, điều này sẽ có tiềm năng sử dụng đối với rất nhiều người" - anh Lee nói.

Tại hội nghị BdyHax 2018 ở Austin (Mỹ) vừa qua, các nhà khoa học thuộc Cơ quan chỉ đạo các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết họ đang nghiên cứu công nghệ bẻ khóa sinh học để chống lại chứng mất trí nhớ và cải thiện cuộc sống của những người khuyết chi.

Xu hướng tiềm năng

Công ty nghiên cứu Gartner Inc đánh giá "bẻ khóa sinh học" là một trong năm xu hướng công nghệ - bên cạnh trí tuệ nhân tạo và blockchain - có tiềm năng lớn.

Việc "nâng cấp" cơ thể, bao gồm các sản phẩm cấy ghép, được dự đoán sẽ phát triển gấp 10 lần thành thị trường trị giá 2,3 tỉ USD vào năm 2025 và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, thể thao, quốc phòng...

"Chúng ta chỉ mới ở sự khởi đầu của xu hướng này" - hãng tin Bloomberg dẫn lời giáo sư Oliver Bendel của Đại học Khoa học ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ.

"Con người không thể chờ hàng triệu năm tiến hóa để cải thiện bộ não và cơ thể. Vì vậy chúng tôi đang tự mình làm điều đó".

Anh Patrick Kramer

Dĩ nhiên bẻ khóa sinh học cũng gây nhiều lo ngại, đặc biệt về vấn đề bảo vệ thông tin và an ninh mạng, một khi những con chip bị can thiệp hay tấn công tin tặc. Những thiết bị siêu nhỏ này cũng có nguy cơ biến thành vũ khí tin học với khả năng gửi mã độc đến những thiết bị khác.

"Chúng ta có thể tắt máy tính hay điện thoại bị nhiễm mã độc nhưng không thể làm vậy với thiết bị cấy ghép" - nhà hoạt động Friedemann Ebelt của Tổ chức Digitalcourage lo ngại.

"Tôi không nghĩ công nghệ hiện tại có thể hack được con chip này", Ulrika Celsing - một công dân Thụy Điển, nơi có hệ thống an ninh xã hội đủ tốt để người dân không phải lo các vấn đề về theo dõi, lộ thông tin - cho biết.

"Nếu có ai đó lo họ bị theo dõi thông qua con chip thì họ nên lo lắng về việc sử dụng điện thoại thông minh và thẻ tín dụng thì hơn. Có nhiều cách để theo dõi hơn là qua một con chip" - người phát ngôn Công ty tàu lửa SJ phản bác.

Tuy nhiên theo chuyên gia vi sinh Ben Libberton, nguy cơ là có thật. "Hiện tại, dữ liệu mà những con chip thu thập và chia sẻ còn khá ít nhưng chắc chắn nó sẽ tăng lên. Càng nhiều dữ liệu được lưu trữ vào một chỗ thì nguy cơ càng lớn" - ông Libberton cảnh báo.

Năm ngoái, tỉ phú Elon Musk đã huy động được 27 triệu USD cho Công ty Neuralink mà ông xây dựng với tham vọng phát triển các thiết bị siêu nhỏ tính bằng micron có thể cấy vào não để giúp não người kết nối với máy tính và thậm chí có thể tải các dữ liệu qua lại.

Bước đầu tiên của Neuralink sẽ là cấy ghép những điện cực đơn giản, giúp điều trị các căn bệnh rối loạn thần kinh khó chữa, một thị trường trị giá hàng tỉ USD hứa hẹn đem lại một nguồn lợi nhuận lớn cho công ty.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên