18/03/2012 02:15 GMT+7

"Cày cấy trên ruộng hoang bao giờ cũng dễ hơn"

TẤN PHÚC
TẤN PHÚC

TT - Đó là phát biểu của Connor Nguyễn - người đang gây sốt trong giới trẻ VN với đội bóng rổ nhà nghề Saigon Heat.

AVMD8uVJ.jpgPhóng to
Connor Nguyễn (trái) và HLV trưởng Jason Rabedeaux của đội Saigon Heat - Ảnh: Nhật Anh

Không chỉ vậy, trước khi là cái tên “nóng” của làng thể thao VN qua thành công trong kinh doanh thể thao với Trung tâm Đào tạo thể thao Sài Gòn, là một Việt kiều Mỹ mới về nước vài năm gần đây, anh từng bị cho là “điên” khi quyết tâm kiếm lời bằng kinh doanh thể thao VN.

Tên thật là Nguyễn Tăng Cường, Connor Nguyễn cùng gia đình sang Mỹ định cư từ năm 4 tuổi, mãi đến năm 2008 mới về quê hương qua đường du lịch. Anh cho biết: “Khi còn nhỏ, tôi từng thi đấu các giải trẻ và giải nhà nghề của quần vợt Mỹ. Vì đam mê thể thao, tôi đã bỏ dở việc học trở thành bác sĩ và công việc phân tích chứng khoán. Tôi có bằng HLV quần vợt chuyên nghiệp và từng lập trường dạy quần vợt tại Mỹ”.

"Chúng ta không thể nói “tôi muốn làm” mà phải làm cho được"

Connor Nguyễn

* Điều gì khiến anh trở về VN làm kinh doanh thể thao?

- Năm 2008, tôi nhận lời trở lại VN làm việc cho Vietnam Work với mức lương khá cao. Tuy nhiên, do đam mê thể thao tôi tranh thủ năm đầu tiên để tìm hiểu quần vợt, thể thao VN. Tôi đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều mô hình để tổng hợp lại tạo ra nét riêng của mình và phù hợp với đặc thù thể thao VN.

* Vì sao anh tự tin làm kinh doanh thể thao VN sẽ có lời?

- Kinh doanh thể thao tại VN hiện nay rất khó, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Nhưng khó không có nghĩa không làm được. Trung bình một giờ học quần vợt tại VN khoảng 120.000-150.000 đồng nhưng chúng tôi dạy hơn 1 triệu đồng/giờ mà lượng học viên luôn tăng, do chúng tôi có cách huấn luyện khoa học của các HLV quốc tế. Học viên chỉ cần học một giờ là bằng nhiều tháng tập luyện ở nơi khác. Thoạt nhìn sẽ thấy chúng tôi lấy học phí cao nhưng lại rẻ khi nhìn về hiệu quả.

Một yếu tố quan trọng nữa là chúng tôi luôn biết chăm sóc khách hàng. Thông thường, chúng tôi chỉ dạy học viên 1 giờ/tuần rồi để họ tự thực tập nhuần nhuyễn. Dù học viên muốn học nhiều giờ/tuần chúng tôi cũng không nhận. Học viên sẽ cảm thấy chúng tôi không trục lợi họ bằng mọi giá. Đó cũng là cách tích lũy nguồn lợi lâu dài. Vì vậy, chẳng có gì khó hiểu khi tháng 1-2009 Trung tâm Đào tạo thể thao Sài Gòn ra đời với chỉ bảy học viên nhưng đến nay đã có hơn 900 học viên.

* Anh mất bao lâu để có sự ra đời của Saigon Heat?

- Chỉ có hai tuần. Thể thao VN cần một hình mẫu để khuyến khích phong trào. Chúng tôi chọn bóng rổ vì nó là môn thể thao đã “chết” tại VN. Xây dựng trên ruộng hoang bao giờ cũng dễ hơn cải tạo mảnh ruộng đã có sẵn. Sự ra đời của Saigon Heat mang lại giá trị cho thể thao giải trí.

* Bỏ ra nhiều triệu đô để lập Saigon Heat, anh tự tin sẽ có lời?

- Saigon Heat vẫn chưa có nhà tài trợ để duy trì hoạt động mà nguồn thu chính đến từ quảng cáo, bán vé, bán áo đấu... Tôi cũng chuẩn bị tâm lý sẽ không có lời trong năm năm đầu tiên. Tuy nhiên, tôi rất tự tin vì các nước khác đều làm được, bằng chứng là VĐV chuyên nghiệp được trả lương rất cao, vậy tại sao chúng ta lại không thể khi VN có dân số đông và cuồng nhiệt với thể thao.

* Anh đánh giá thế nào về thành công hiện nay của Saigon Heat?

- Saigon Heat chỉ mới đi bước đầu tiên trên cầu thang dài trăm bậc. Các trận đấu tại Giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á (ABL) được trực tiếp trên ESPN, sự có mặt của nhiều cầu thủ chuyên nghiệp... đã tạo được niềm tin nên nhận được sự hưởng ứng cao của người hâm mộ. Thành công còn đến từ những điều nhỏ nhất. Ngay chuyện đặt tên đội bóng, chúng tôi cũng đưa nhiều ý tưởng lên mạng Internet, các diễn đàn để thăm dò ý kiến của mọi người. Cuối cùng tên Saigon Heat được chọn vì có nhiều người ủng hộ nhất. Sự ra đời website Saigon Heat giúp kết nối đội bóng với người hâm mộ, lôi kéo họ đến sân. Ngoài ra, chúng tôi còn hợp tác quảng cáo, phát hành vé trong nhiều hệ thống quán cà phê, quảng bá trên mạng xã hội Facebook... Tóm lại, chúng tôi làm mọi cách để mời gọi khán giả đến sân chứ không chờ họ đến với chúng tôi.

* Tiêu chí chọn ngoại binh của Saigon Heat?

- Nhiều đội bóng tại giải ABL luôn chi nhiều tiền để chiêu mộ ngoại binh giỏi. Mức lương ngoại binh của Saigon Heat không thua kém các đội, nhưng ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là những ngoại binh có thể làm hình mẫu chuyên nghiệp. Tôi cần ở họ sự kiên nhẫn, không quát tháo, biết dìu dắt các đồng đội VN vì chắc chắn trình độ cầu thủ VN còn hạn chế. Tất cả điều này được cụ thể bằng những điều khoản trong hợp đồng. Vì vậy, tôi quyết định sa thải Julius Hodge bất chấp sự can ngăn của ban tổ chức giải ABL vì vô kỷ luật và chơi cá nhân dù anh là ngôi sao hàng đầu giải. Tôi đã có lộ trình dài hơi cho đội và trong tương lai Saigon Heat sẽ toàn là cầu thủ VN chất lượng cao.

* Anh đánh giá thế nào về thể thao VN hiện nay? Nếu là lãnh đạo cao nhất của thể thao VN, anh sẽ làm gì để thể thao VN vươn cao?

- VN có mọi yếu tố để trở thành một cường quốc thể thao như có nhiều tài năng, người dân yêu thể thao và luôn khát khao chiến thắng... Tôi vẫn nghe nhiều ta thán thể thao VN thiếu tiền nhưng theo tôi, VN cần có một đầu tàu sáng suốt và quyết đoán. Thể thao hoàn toàn có thể làm ra tiền để nuôi sống mình. Nếu là lãnh đạo thể thao VN, việc đầu tiên tôi làm là chọn những phụ tá có tài, đam mê và khao khát thành công để trợ giúp.

Những kế hoạch một năm, năm năm, mười năm... cần dựa trên căn cơ những gì đang có vì tài sản hôm nay sẽ là viên gạch dựng nền tảng cho ngày mai, không tham thành tích trước mắt. Và khi đã thực hiện thì phải quyết đoán. Chúng ta không thể nói “tôi muốn làm” mà phải làm cho được.

Saigon Heat thua sát nút Warriors

Tối 17-3, đội Saigon Heat đã thua sát nút 68-72 trước đội Warriors đến từ Indonesia ở vòng 12 Giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á 2012 tại nhà thi đấu Tân Bình (TP.HCM). Saigon Heat khởi đầu khá chệch choạc, để đối thủ nhanh chóng vượt lên dẫn trước với khoảng cách có khi gần 15 điểm. Nhưng được tiếp lửa từ hơn 3.000 khán giả nhà, các cầu thủ Saigon Heat càng chơi càng hay, tuy nhiên mọi cố gắng của họ chỉ giúp thu hẹp khoảng cách còn 4 điểm vào cuối trận. Ngày 24-3, Saigon Heat sẽ đến Philippines làm khách trước đội San Miguel Beermen.

TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên